Thủ tướng Anh - David Cameron đe dọa Nga.

Thứ sáu - 07/03/2014 09:37 - Đã xem: 1033
Khủng hoảng ở Crimea hiện nay là "nghiêm trọng nhất trong thế kỷ 21" và hành động của Nga là "gây hấn".

Thủ tướng David Cameron cảnh báo rằng sau các hành động vừa qua của Moscow, Anh Quốc và châu Âu 'không thể duy trì quan hệ như thường với Nga'.

Ông cũng lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ với chính quyền hiện nay ở Kiev mà Moscow không công nhận.

Trả lời báo chí chiều tối nay tại Brussels sau cuộc họp với lãnh đạo Liên hiệp châu Âu, ông Cameron, thủ tướng Anh thuộc đảng Bảo thủ nói:

"Tôi muốn nói rằng Anh Quốc có truyền thống từ lâu luôn ủng hộ nhà nước pháp quyền và quyền tự do của người dân."

Người Nga tại Crimea đang muốn gia nhập Liên bang Nga

"Chúng ta không thể duy trì tình trạng quan hệ như thường với Nga."

Ông dùng câu 'There can not be business as usual' cho thấy London đã quyết định chuyển sang một đường lối cứng rắn hơn với Moscow.

Tuyên bố ủng hộ các biện pháp trừng phạt như ngưng đàm phán về hiệp ước kinh tế và visa với Nga, ông cảnh báo EU sẽ còn làm mạnh hơn.

iếp đó, nếu cần EU sẽ đóng băng tài sản, và cấm trực tiếp quan chức Nga vào EU, thủ tướng Anh nói.

Bày tỏ sự ủng hộ với phong trào đấu tranh tại Kiev khiến Tổng thống Ukraine thân Nga, Viktor Yanukovych bị phế truất, ông Cameron phát biểu:

"Khát vọng của người dân Ukraine đã bị chà đạp."

Ông coi cuộc khủng hoảng ở Crimea hiện nay là "nghiêm trọng nhất trong thế kỷ 21" và coi hành động của Nga là "gây hấn" (aggression).

Về quan điểm của London khi nói đến các cuộc hội đàm vừa qua giữa Nga và EU, ông nói:

"Chúng ta ủng hộ đối thoại nhưng nói chuyện với phải được hỗ trợ bằng hành động."

Ông Cameron cũng cho rằng "EU quyết định nếu Nga có hành động tiếp nữa để làm Ukraine bất ổn, chúng tôi sẽ có các biện pháp sâu rộng nữa với Nga một khi đối thoại thất bại".

Trả lời câu hỏi từ các nhà báo rằng trừng phạt Nga sẽ có hậu quả kinh tế cho chính thị trường tài chính Anh và các nước khác, ông Cameron quả quyết nói:

"Sẽ có hậu quả cho tài chính Anh, cho Pháp nhưng nếu chúng ta quyết tâm bảo vệ điều gì thì những gì cần làm sẽ phải làm."

Cũng liên quan đến diễn biến ngoại giao mới nhất này, bà Angela Merkel, Thủ tướng của Đức, nước tới nay vẫn ủng hộ đối thoại với Nga, vừa nói về các biện pháp trừng phạt của EU:

"Tôi hy vọng sẽ không cần phải thực hiện nhưng chúng tôi cũng nói rất rõ và châu Âu sẵn sàng làm vậy nếu cần."

Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Herman Van Rompuy thì quyết định của Quốc hội nước cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine muốn tổ chức trưng cầu dân ý ngày 16/3 ngày để gia nhập Liên bang Nga là "trái hiến pháp Ukraine".

Cùng ngày có tin của truyền thông Ba Lan rằng Hoa Kỳ gửi 12 chiến đấu cơ F-16 sang Ba Lan tham gia tập trận nhưng Bộ Quốc phòng nước này chưa xác nhận tin.

Trước đó, Không lực Hoa Kỳ tuyên bố gửi thêm 6 chiếc F-15 sang Lithuania để tăng cường hoạt động của chiến dịch 'Tuần tra bầu trời Baltic'.

KIên Vũ (Theo BBC)

Nguồn tin: Báo Tầm Nhìn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây