AFP ngày 6.3 dẫn thông cáo của Điện Kremlin xác nhận chính quyền Crimea đã gửi đề xuất đến Moscow về vấn đề này. Ngay sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chủ trì cuộc họp với Hội đồng An ninh quốc gia Nga để thảo luận đề xuất của Nghị viện Crimea. Còn quốc hội Nga nhiều khả năng sẽ xem xét vụ việc vào tuần sau, theo BBC. Cùng ngày, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Crimea Roustam Temirgaliev tuyên bố: “Sau khi sắc lệnh của nghị viện địa phương có hiệu lực, chỉ quân đội Nga được phép hiện diện tại Crimea. Mọi lực lượng quân sự của nước nào khác có mặt tại bán đảo này đều bị xem là xâm lược. Các binh sĩ Ukraine có 2 lựa chọn: giao nộp vũ khí và giải nhiệm hoặc nhập tịch Nga và gia nhập quân đội Nga”. Theo ông Temirgaliev, Crimea có thể xem xét sử dụng lại đồng rúp.
Động thái của cơ quan lập pháp Crimea là điều ít nhiều đã được dự đoán trước vì chính quyền tại đây liên tục thông báo đổi ngày tổ chức trưng cầu dân ý về việc “chia tay Ukraine”: từ 25.5 thành cuối tháng 3 và mới nhất là ấn định vào ngày 16.3. BBC dẫn một nguồn tin từ cơ quan lập pháp Crimea cho biết trước mắt Simferopol sẽ đợi câu trả lời từ Nga, nếu đề xuất được chấp thuận mới tổ chức trưng cầu. Khi ấy, “số phận” của bán đảo này sẽ do cử tri quyết định.
Hiện Moscow vẫn chưa đưa ra bình luận cụ thể về “nguyện vọng” của Crimea nhưng trong hôm qua, Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev “tình cờ” thông báo rằng nước này đang xem xét quy định mới cho phép nhập tịch đối với những người nước ngoài sống tại Nga hoặc những nước thuộc khối Liên Xô trước đây sử dụng tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ. Hồi cuối tuần trước, trong lúc phong trào biểu tình đòi ly khai khỏi Ukraine đang dâng cao ở Crimea, báo L’Express dẫn nguồn tin riêng cho biết quốc hội Nga đang xem xét một dự luật giúp tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận những lãnh thổ mới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế lâm thời Ukraine Pavlo Sheremeta nhận định: “Chúng tôi không chuẩn bị gì về việc Crimea sáp nhập Nga vì đây là điều vi hiến”. Và gần như ngay lập tức sau khi Crimea ngỏ ý muốn ngả về phía Nga, Kiev tuyên bố “sẵn sàng ký thỏa thuận liên kết với EU ngay khi có thể”. Quyền Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk tuyên bố Ukraine sẵn sàng dùng quân đội để bảo vệ lãnh thổ trước sự can thiệp của lực lượng ngoại quốc.
Những diễn biến mới có thể làm quan hệ đang rất căng thẳng giữa Moscow và Kiev thêm tăng nhiệt. Các nỗ lực tìm giải pháp ngoại giao cho khủng hoảng tại Ukraine cũng sẽ gặp trở ngại hơn. LHQ, NATO, EU… liên tục tổ chức họp trong những ngày qua nhưng vẫn chưa đưa ra giải pháp đột phá vì cả Kiev lẫn Moscow đều không muốn nhượng bộ. Ngày 5 và 6.3, ngoại trưởng Nga, Mỹ đã có hai lần gặp gỡ bên lề các cuộc họp tại Paris (Pháp) và Rome (Ý) nhưng không đạt kết quả đáng chú ý.
NATO tăng cường hợp tác với Ukraine
Để tăng áp lực với Nga, hôm qua, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ hạn chế cấp thị thực nhập cảnh đối với những công dân Nga hoặc cư dân Crimea “đe dọa đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng ký sắc lệnh cho phép đóng băng tài sản đối với những cá nhân hay tổ chức “gây ảnh hưởng đến tiến trình dân chủ và đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định của Ukraine”.
Hôm qua, NATO cũng thông báo sẽ tăng cường hợp tác với Ukraine và ngược lại, tạm ngưng một số kế hoạch hợp tác với Nga. Tuy không ngừng chỉ trích và gây áp lực với Moscow, nhưng các nước phương Tây vẫn mong muốn tìm kiếm giải pháp ngoại giao. EU và Mỹ đang xem xét thành lập một “nhóm liên lạc” để làm trung gian đàm phán giữa Nga với Ukraine trong lúc ngoại trưởng 2 nước này chưa chấp nhận “ngồi cùng bàn”. Hôm qua, 40 quan sát viên quân sự của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đến Ukraine từ ngày 5.3 đã bị một nhóm vũ trang chặn lại, không cho vào Crimea.
Mỹ điều máy bay, tàu chiến đến gần Ukraine Nhằm trấn an các nước đồng minh châu Âu trước cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ đã quyết định điều thêm máy bay chiến đấu đến tham gia sứ mệnh tuần tra không phận ở vùng Baltic với NATO. Theo Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên, Lầu Năm Góc sẽ điều thêm 6 chiến đấu cơ F-15 và 1 chiếc máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 để tăng cường sứ mệnh tuần tra không phận ở các nước láng giềng của Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết động thái này nhằm đáp ứng yêu cầu của các nước Estonia, Latvia và Lithuania, theo tờ Boston Herald. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép một tàu chiến của hải quân Mỹ băng qua eo biển Bosphorus để đi vào biển Đen trong vòng 2 ngày tới. Theo hải quân Mỹ, tàu khu trục tên lửa USS Truxtun sẽ đến biển Đen để tham gia tập trận với hải quân Bulgaria và Romania theo kế hoạch có từ trước khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine nổ ra. Tàu USS Truxtun là một phần của nhóm tác chiến tàu sân bay USS George H.W.Bush. Tàu sân bay hạt nhân này hiện có mặt tại cảng Piraeus của Hy Lạp, cách không xa eo Bosphorus. C.Y |
Lan Chi
Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...