|
“Vào ngày 7.6, có khoảng 63 tàu Việt Nam trong khu vực (nơi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng biển Việt Nam) cố đâm vào đội tàu chính phủ Trung Quốc tổng cộng 1.416 lần”, theo thông báo trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
“Trung Quốc đã kiềm chế tối đa và đã triển khai những biện pháp phòng vệ cần thiết. Trung Quốc muốn có quan hệ hữu hảo với Việt Nam, nhưng có những nguyên tắc mà Trung Quốc không thể bỏ qua”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 5.6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng vu cáo rằng tàu Việt Nam đã đâm tàu Trung Quốc hơn 1.200 lần tại khu vực Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan.
Giới quan sát và dư luận đã “giật mình” về những luận điểm sai sự thật trắng trợn trong hàng loạt các phát biểu Trung Quốc đưa ra về vụ nước này hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển Việt Nam.
Thực tế Việt Nam đã nhiều lần khẳng định với cộng đồng quốc tế: Trung Quốc cho rất nhiều tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam. Các tàu vũ trang hộ tống bảo vệ giàn khoan rất hung hãn bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương. Chính hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông.
Dư luận quốc tế sẽ tin ai? Câu trả lời hết sức rõ ràng. Tiến sĩ Euan Graham (ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore) nhận xét: “Thật khó mà chỉ ra được hành động nào gọi là “khiêu khích” từ phía Việt Nam, không chỉ trong vụ giàn khoan mà còn trong suốt 2 năm qua. Việt Nam đã làm mọi cách để thể hiện thiện chí giảm thiểu căng thẳng. Về vụ giàn khoan, giới phân tích không thể không gọi các hành động của Trung Quốc là sự bắt nạt trong hoàn cảnh không hề bị khiêu khích”.
Giáo sư Zac-hary Abuza, chuyên gia về khoa học chính trị và đối ngoại khu vực Đông Á thuộc Đại học Simmons (Mỹ), khẳng định với Thanh Niên Online: “Tôi đọc báo chí ASEAN mỗi ngày và chính Trung Quốc mới là bên bị báo giới khắc họa như một đất nước đang đi khiêu khích. Báo chí phương Tây cũng vậy. Tôi chưa thấy bài báo nào thể hiện sự cảm thông về cái gọi là lập trường quan điểm của Bắc Kinh trong vấn đề này”.
Trung Quốc vào ngày 9.6 cũng đã lên tiếng phản đối gay gắt việc binh sĩ Việt Nam và Philippines cùng thi đấu thể thao tại quần đảo Trường Sa.
Vào cuối tuần qua, binh sĩ Việt Nam và Philippines đã thi đấu với nhau trong nhiều môn, bao gồm bóng rổ, bóng chuyền bãi biển và kéo co tại đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Reuters đưa tin.
Sự kiện này được tổ chức nhằm cho thấy các quốc gia có khác biệt về tuyên bố chủ quyền vẫn có thể là bạn hữu, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói.
Hoàng Uy
Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...