Tập trung hỗ trợ cây, con giống
Sinh ra và lớn lên ở bon U Sroong, xã Đắk D’rông, trước đây, thu nhập gia đình chị H Wan Knul chỉ trông chờ ở mấy sào ruộng, rẫy nên kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Vào năm 2016, gia đình chị được Nhà nước hỗ trợ 3 triệu đồng để mua 1 cặp dê giống. Sau 2 năm chăm sóc, dê giống phát triển tốt và hiện đã đẻ 2 lứa. Thấy dê dễ chăm sóc và phát triển nhanh nên chị H Wan dự tính sau vụ thu hoạch đông xuân sắp tới sẽ bán lúa, vay mượn thêm đầu tư mở rộng đàn dê, phát triển chăn nuôi để thoát nghèo.
Chị H Wan Knul Sinh, ở bon U Sroong, xã Đắk D’rông (Cư Jút) chăm sóc dê giống được Nhà nước hỗ trợ kinh phí |
Cũng thuộc diện hộ nghèo, mới đây gia đình anh Hoàng Vĩnh Doãn, ở thôn 12, xã Đắk D’rông được hỗ trợ 5 triệu đồng mua bê giống. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình anh Doãn phụ thêm tiền để mua một con bê cao lớn, khỏe mạnh. Anh Doãn tin rằng chỉ một thời gian ngắn nữa, con bê này sẽ trở thành một con bò cái, sớm sinh những chú bê con để giúp gia đình anh có thêm thu nhập.
Theo thống kê của UBND xã Đắk D’rông, trong năm 2018, có 27 hộ đồng bào DTTS ở 2 thôn, bon đặc biệt khó khăn là thôn 12 và bon U Sroong được nhận hỗ trợ tổng số tiền 100 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Các hộ nghèo được hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ, hộ cận nghèo 3 triệu đồng/hộ và hộ mới thoát nghèo nhận hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ. Số tiền hỗ trợ chủ yếu các hộ đầu tư mua trâu, bò giống và chăn nuôi dê sinh sản.
Việc hỗ trợ cây, con giống giúp các hộ nghèo ở Cư Jút cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập |
Ngoài con giống, những năm gần đây, các hộ đồng bào DTTS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở các xã Đắk Wil và Đắk D’rông cũng được hỗ trợ nhiều cây giống. Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Cư Jút, trong 2 năm 2017 và 2018, đã có 159 hộ dân ở 2 xã trên được nhận gần 2,3 tấn lúa và bắp giống. Giống cây trồng được kiểm tra kỹ và được cấp phát đúng người, đúng đối tượng. Qua theo dõi, các hộ dân đã sử dụng đúng mục đích giống hỗ trợ, cải thiện thu nhập. Tỷ lệ hộ đồng bào DTTS tại 2 xã trên trong 2 năm giảm bình quân trên 4%/năm.
Mới đây, Phòng Dân tộc huyện Cư Jút đã triển khai Đề án Trồng cây mít Thái siêu sớm Changai da xanh theo hướng bền vững tại xã Đắk D’rông với 50 hộ tham gia. Mỗi hộ dân được nhận 100 cây giống và được hỗ trợ phân bón trong quá trình chăm sóc. Tổng diện tích thực hiện Đề án này là 10 ha với tổng kinh phí 510 triệu đồng. Sau mấy tháng gia đình chị Bùi Thị Hoa, ở thôn 15, xã Đắk D’rông xuống giống, cây mít sinh trưởng và phát triển tốt. Chị Hoa và nhiều hộ trồng mít kỳ vọng loại cây này có thể mang lại thu nhập khả quan hơn.
Gia đình chị Bùi Thị Hoa, ở thôn 15, xã Đắk D’rông (Cư Jút) được hỗ trợ 100 cây mít giống theo Đề án Trồng cây mít Thái siêu sớm Changai |
Huy động nhiều nguồn lực
Thời gian qua, huyện Cư Jút đã triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách giảm nghèo bền vững của Trung ương và của tỉnh. Trong năm 2017, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi (Chương trình 135) gần 5 tỷ đồng đã được phân bổ cho các xã, thị trấn đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
Ngoài việc thực hiện Đề án Trồng cây mít Thái siêu sớm Changai theo hướng bền vững tại xã Đắk D’rông, huyện đã hỗ trợ 650 triệu đồng phát triển đa dạng hóa sinh kế cho hơn 200 hộ dân. Chú trọng hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 26 hộ nghèo, tạo điều kiện cho 947 hộ dân được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với tổng số tiền trên 36 tỷ đồng.
Hạ tầng giao thông nông thôn từng bước hoàn thiện, giúp cho nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân ngày càng thuận lợi hơn |
Song song với việc hỗ trợ cây, con giống, huyện Cư Jút còn tập trung chăm lo cải thiện và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhóm hộ thiếu hụt các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản. Cơ sở hạ tầng ở khu vực vùng sâu, vùng xa được quan tâm, nâng cấp để người dân thuận tiện hơn trong quá trình tiếp cận chỉ số về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin… Hàng nghìn thẻ BHYT đã được cấp phát miễn phí cho 100% hộ nghèo ở các thôn đặc biệt khó khăn. Trong năm 2018, huyện Cư Jút đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 1.600 lao động (đạt 192% kế hoạch đề ra), giải quyết việc làm cho gần 1.200 người tại địa phương.
Thực hiện chính sách Nhà nước và nhân dân cùng làm, các công trình hạ tầng giao thông nông thôn đã từng bước được nâng cấp, sửa chữa, bảo đảm nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân. Trong năm 2018, toàn huyện Cư Jút đã huy động được trên 95 tỷ đồng (trong đó ngân sách trên 76 tỷ đồng và huy động nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức khác gần 19 tỷ đồng) trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Dự kiến đến cuối năm nay, huyện Cư Jút sẽ có 3/7 xã đạt chuẩn NTM (Nam Dong, Tâm Thắng và Trúc Sơn) và bình quân các xã đạt 15,2/19 tiêu chí xây dựng NTM.
Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Cư Jút còn 1.477 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,71%. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2018 giảm 2,32% so với năm 2017, vượt kế hoạch (giảm từ 1,5 - 2%) huyện đề ra. Số hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS tại chỗ là 291 hộ (chiếm 21,72%), giảm 5,92% so với năm 2017 (kế hoạch giảm từ 2 - 3%/năm). |
Theo Chủ tịch UBND huyện Cư Jút Nguyễn Thị Thanh Hà, trong năm 2019, huyện đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2% trở lên, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS tại chỗ giảm từ 2 - 3%. Huyện cũng đặt chỉ tiêu đào tạo nghề cho 750 lao động, giải quyết việc làm cho 700 lao động địa phương. Quan điểm của huyện là thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ và tạo sinh kế để giúp các hộ nghèo từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo một cách bền vững.
Bài, ảnh: Lê Phước
Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...