Khuyến công - “Đòn bẩy” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển

Thứ tư - 25/07/2018 05:01 - Đã xem: 1298
Việc hỗ trợ kinh phí mua sắm máy móc, trang thiết bị tiên tiến từ nguồn vốn khuyến công đã và đang tạo động lực cho các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hiện đại, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của địa phương phát triển.

Vào xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) từ đầu những năm 2000, anh Trần Văn Dũng (SN 1974 ở Nam Định) lập nghiệp chỉ với tổng tài sản 1 chỉ vàng. Lăn lộn làm thuê đủ nghề, gia đình anh tằn tiện mãi mới tích góp được một số vốn để làm nghề thợ rèn. Năm 2015, gia đình anh quyết định vay mượn tiền của của anh em, bạn bè để mở Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Hồ Dũng với ngành nghề gia công tôn, sắt thép.

Việc hỗ trợ máy móc từ chương trình khuyến công đang giúp doanh nghiệp gia công tôn của anh Dũng ở Đắk Sin mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại

Kinh phí eo hẹp nên ban đầu doanh nghiệp chỉ đầu tư được 1 máy cán tôn. Sau khi nhập tôn Hoa Sen (ở TP. Hồ Chí Minh), anh dùng máy cán thành các loại tôn như: tôn lợp nhà, tôn làm tường chắn công trường, nhà xưởng… bán cho người dân trong xã. Do chưa có máy cắt tôn khổ lớn, máy chấn tôn (tạo góc cho vật liệu tôn tấm) nên công ty chưa thể tự thực hiện việc gia công phức tạp. Để làm được việc này, anh Dũng phải vận chuyển ra khu vực thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) thuê đối tác làm giùm. Do việc vận chuyển tốn kém nên giá thành sản phẩm khá cao, khi bán ra thị trường lợi nhuận đạt thấp.

Sau khi biết về chính sách hỗ trợ khuyến công, anh Dũng đã làm hồ sơ đăng ký tham gia. Tháng 5/2018, công ty của anh được khuyến công địa phương hỗ trợ 150 triệu đồng để thực hiện Đề án “Hỗ trợ máy móc tiên tiến trong gia công tôn”. Doanh nghiệp đã đầu tư thêm 170 triệu đồng để mua sắm, lắp đặt 1 máy xà cắt tôn hiệu MX10 (công suất 10 - 15m/phút) và 1 máy chấn tôn hiệu MC6 (chấn tôn độ dày từ 0,2 - 0,9mm).

Sau khi có dàn máy, doanh nghiệp của anh Dũng đã tự xử lý được những khâu phức tạp, góp phần cung cấp sản phẩm tôn có chất lượng tốt hơn đến với người dân trong và ngoài xã. Theo anh Dũng, với giá tôn đang bán ra thị trường là 25.000 đồng/m, sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp thu về lợi nhuận khoảng 8.000 đồng/m. Hiện doanh nghiệp có lợi nhuận trên 30 triệu đồng/tháng và đang tạo việc làm ổn định cho gần 10 lao động với thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/tháng.

Công ty TNHH nông sản Hà Vân, Tâm Thắng (Cư Jút) được hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong chế biến nông sản

Mới đây, Công ty TNHH MTV nông sản Hà Vân, ở xã Tâm Thắng (Cư Jút) cũng được Quỹ khuyến công quốc gia hỗ trợ 195 triệu đồng để thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong chế biến hạt điều”. Công ty đã đầu tư thêm 342 triệu đồng để mua sắm, lắp đặt 1 máy cắt tách vỏ cứng CTVC-3AB (công suất 0,5 tấn/giờ) vào chế biến hạt điều.

Theo bà Trịnh Thị Ngọc Vân, Giám đốc Công ty TNHH MTV nông sản Hà Vân thì sau khi được đầu tư máy móc, công suất chế biến hạt điều của công ty đã tăng từ 2 - 3 tạ/ngày lên 2 tấn/ngày. Nhờ có máy móc hiện đại, công ty đã dần tận dụng thế mạnh về nguyên liệu hạt điều để nâng cao chất lượng sản phẩm sau chế biến và đang giải quyết việc làm cho gần 30 lao động tại địa phương.

Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã nghiệm thu cơ sở 2 đề án khuyến công quốc gia và 3 đề án khuyến công địa phương. Theo đánh giá của Trung tâm, phần lớn các đề án đều được triển khai, hoàn thành đúng hoặc sớm hơn so với tiến độ đề ra. Qua theo dõi, kiểm tra, sau khi bàn giao cho các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, máy móc được hỗ trợ đều được vận hành tốt. Sự hỗ trợ của khuyến công đang là “đòn bẩy” giúp các doanh nghiệp, hộ gia đình có thêm động lực mở rộng quy mô sản xuất, chế biến theo hướng hiện đại, tăng thu nhập và góp phần giải quyết việc làm cho địa phương.

Việc hỗ trợ khuyến công đã và đang tận dụng được thế mạnh nguyên liệu, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương

Tuy nhiên, ông Phú cho rằng nguồn kinh phí khuyến công tại địa phương hiện vẫn còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế tại địa phương. “Phần lớn các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đang có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên hàng năm, số lượng đơn vị đăng ký hỗ trợ kinh phí để mua sắm máy móc, trang thiết bị là khá nhiều. Trong điều kiện nguồn kinh phí còn hạn chế, ngành đã tập trung ưu tiên cho các cơ sở kinh doanh có khả năng về tài chính, có khả năng phát triển để việc hỗ trợ khuyến công phát huy được hiệu quả đã đề ra”, ông Phú cho hay.

 

Theo ông Hoàng Quốc Phú, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương), hoạt động khuyến công được triển khai bởi 2 nguồn vốn: khuyến công quốc gia (ngân sách Trung ương) và khuyến công địa phương (ngân sách tỉnh). Trong năm 2018, toàn tỉnh thực hiện 8 đề án khuyến công, trong đó có 3 đề án khuyến công quốc gia và 5 đề án khuyến công địa phương. Các nguồn vốn chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại trong khâu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là chế biến nông lâm sản (thế mạnh của địa phương) và cơ khí. Ngoài ra, khuyến công cũng hỗ trợ các nội dung liên quan đến năng lực quản lý nhà nước… cho các doanh nghiệp.

 

Bài, ảnh: Lê Phước

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây