Thông tin từ đường dây nóng
“Anh uống gì ạ ?". “Cho anh một ly cà phê pin Con Ó”. “Dạ quán em không có cà phê đó, anh uống cái khác đi nhé”. “Vậy cho anh cà phê nguyên chất, không có pin nhé…”. Đó là cuộc đối thoại vui giữa khách hàng với tiếp viên mà người ta hay bắt gặp ở quán cà phê mỗi buổi sáng gần đây. Những cuộc trò chuyện kiểu như vậy là để mua vui và mang tính chất “ăn theo” dư luận xã hội. Thế nhưng, với những người sản xuất, chế biến và tiêu dùng cà phê, những cuộc trò chuyện như vậy khiến họ cảm thấy rất đau lòng. Đau lòng vì sản phẩm mà họ đầu tắt mặt tối, đổ bao mồ hôi, công sức để làm ra và cung cấp cho người tiêu dùng bỗng chốc bị mang tiếng xấu.
Việc dùng phế phẩm cà phê nhuộm với than pin Con Ó mà bà Nguyễn Thị Thanh Loan đã thực hiện trong thời gian qua chỉ là cá biệt, đơn lẻ nhưng ảnh hưởng lớn đến sản phẩm cà phê bột. Rất cảm thông với nỗi đau của những người làm cà phê nhưng chúng tôi không dễ tìm được ngọn ngành đường đi của phế phẩm cà phê nhuộm với than pin. May mắn là qua đường dây nóng của Báo Đắk Nông, một doanh nghiệp đã cung cấp cho chúng tôi một số manh mối.
Ông Nguyễn Thành Đạt (phải) khẳng định với phóng viên, bà Loan trộn phế phẩm cà phê với than pin không phải để làm giả cà phê |
Chúng tôi được Ban biên tập cử đến một số doanh nghiệp chuyên kinh doanh cà phê, hồ tiêu ở Bình Phước, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu. Đầu tiên, chúng tôi tìm hiểu tại Công ty Cổ phần Liên Thành, một đơn vị chuyên kinh doanh và xuất khẩu cà phê, hồ tiêu tại thị xã Bến Cát (Bình Dương). Tại đây, ông Nguyễn Thành Đạt, Giám đốc kinh doanh của Công ty cho biết, cả ngành cà phê đang phải mang tiếng xấu. Mà tiếng xấu lại xuất phát từ sự nhận định chệch hướng của giới truyền thông về vụ việc bà Loan dùng phế phẩm cà phê nhuộm than pin. “Tôi khẳng định luôn, nhìn sơ qua cái hình ảnh, bà này không có ý định làm cà phê đóng vào gói để bán ra thị trường!”.
Vậy bà Loan không làm cà phê thì làm gì ? Câu hỏi này được ông Đạt giải thích: Quy trình sản xuất cà phê bột để uống là từ cà phê nhân người ta phơi hoặc rang khô rồi xay thành bột và pha uống. Người bình thường chỉ cần hiểu biết chút đỉnh cũng có thể làm được. Trong khi đó, tại cơ sở của bà Loan, hoàn toàn không có thiết bị phơi, sấy, rang, xay. Ở đây chỉ có máy trộn bê tông dùng để trộn sỏi đá, vỏ cà phê với nước hòa với than pin. “Cho nên cái này tôi chắc chắn 100% là để làm tiêu chứ không phải làm cà phê”, ông Đạt quả quyết.
Theo tiết lộ của ông Đạt, khi mua bán hồ tiêu, nhất là với các đối tác nước ngoài, các bên đều căn cứ vào tỷ lệ dung động của sản phẩm để tính ra giá trị của hồ tiêu. Tỷ lệ dung động là một đơn vị đo đối với hồ tiêu. Bình thường hồ tiêu có dung động là 500g/lít. Với tỷ lệ này thì hồ tiêu thường có giá bán ở mức trung bình. Khi dung động ở mức cao hơn như 550g/lít, 580g/lít; 600g/lít… thì giá trị của hồ tiêu càng cao hơn và giá bán cũng tỷ lệ thuận. Nói tóm lại, hồ tiêu càng nặng (dung động càng cao) thì giá trị càng tăng thêm và giá bán càng cao hơn. Chính vì vậy, một số cá nhân, doanh nghiệp buôn bán hồ tiêu đã cố tình làm tăng dung động lên bằng cách pha trộn thêm tạp chất. Những tạp chất thường được sử dụng là bột đá, sỏi loại nhỏ, vỏ cà phê… được nhuộm đen. Đơn vị dung động thường chênh lệch nhau rất nhỏ, nên số lượng tạp chất pha trộn trong tiêu cũng không cần nhiều. Do đó, phía người mua rất khó để phát hiện hồ tiêu có pha tạp chất. “Doanh nghiệp của tôi cũng đã một số lần gặp phải tình trạng này rồi và chúng tôi đã “cạch mặt” những trường hợp làm ăn kiểu như vậy”, ông Đạt cho biết.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường “dễ tính” như Châu Phi, Trung Đông… thường pha trộn tạp chất vào hồ tiêu. Bởi vì các đối tác ở những thị trường này thường ký kết hợp đồng nhập khẩu hồ tiêu với dung động là 500g/lít (gọi tắt là hợp đồng SAQ). Hợp đồng này cho phép trong dung động của hồ tiêu có tỷ lệ tạp chất lên tới 1%. Chúng ta còn nhớ, khoảng 3 năm trước, với giá hồ tiêu giao động từ 150.000 -180.000 đồng/kg, việc pha trộn tạp chất sẽ mang lại lợi nhuận rất cao. Chẳng hạn, trong một lô hàng xuất khẩu khoảng 100 tấn hồ tiêu, chỉ cần đấu trộn 1 tấn tạp chất thì người ta cũng thu lợi bất chính được khoảng 150 đến 180 triệu đồng. Hiện nay, dù giá hồ tiêu có xuống thấp, nhưng việc pha trộn tạp chất vẫn mang lại lợi nhuận cao.
Tạp chất trong hồ tiêu mà Công ty Cổ phần Liên Thành phát hiện được và thải loại ra ngoài |
Tạp chất trôi về đâu ?
“Tôi nhận định, có tới 90% những sản phẩm này đã chạy về Bình Phước. Mà như tôi biết thì nó sẽ chạy về cái “rốn” xuất khẩu hồ tiêu ở huyện Lộc Ninh (Bình Phước)”. Đó là tiết lộ của ông Phạm Gia Bách, chủ Doanh nghiệp Tư nhân Bách Hiếu (TP. Hồ Chí Minh).
Theo ông Bách, cá nhân ông và giới hoạt động kinh doanh nông sản đều không lạ gì thủ đoạn làm ăn nói trên. Kiểu làm ăn này đã diễn ra từ lâu, nhưng không hiểu sao nó vẫn chưa được các cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý.
Còn bà Phạm Thị Thái Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hải Hòa (Bình Dương) cũng khẳng định, những tạp chất do bà Loan sản xuất chắc chắn sẽ được đem về Lộc Ninh. Bởi vì Lộc Ninh là “tụ điểm” đấu trộn tạp chất vào hồ tiêu từ nhiều năm qua. Phần lớn các doanh nghiệp ở đây đều xuất khẩu tiêu theo diện hợp đồng SAQ để đưa vào các thị trường “dễ tính”.
Bà Hòa cho biết: “Các hợp đồng xuất khẩu tiêu đi các nước “khó tính” như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… người ta quy định chỉ có 0,2% tạp chất trong dung động mà thôi. Cái hàng này nó không thể nào lọt tạp chất vào được”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Đạt khẳng định, ông có thể “chỉ mặt” được một số doanh nghiệp chuyên đấu trộn tạp chất vào hồ tiêu để xuất khẩu. Trong số này, nổi bật nhất là Công ty TNHH Thương mại T.D, đóng chân tại huyện Lộc Ninh. Công ty này có “truyền thống” đặt mua tạp chất từ Đắk Nông và các tỉnh ở Tây Nguyên rồi đem về trộn vào hồ tiêu. Thời gian qua, Công ty này phối hợp làm ăn với một số đơn vị khác để xuất khẩu hồ tiêu theo diện hợp đồng SAQ.
Xâu chuỗi những thông tin này, cùng với lời khai của bà Loan tại cơ quan chức năng, có thể nhận định: Bà Loan đã dùng phế phẩm cà phê nhuộm với than pin rồi bán về Lộc Linh làm tạp chất đấu trộn vào hồ tiêu.
Giới kinh doanh nông sản đều khẳng định, tạp chấp của bà Loan sẽ được đem về Lộc Ninh để làm tạp chất trộn vào hồ tiêu |
Lời kết…
Vụ việc ở cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan đã làm người tiêu dùng cà phê không khỏi hoang mang, lo lắng. Nhưng những thông tin từ những người kinh doanh nông sản ở Bình Phước, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh mà chúng tôi đã gặp gỡ lại cho thấy thực chất của vấn đề hoàn toàn khác. Điều rất cần xem xét việc trộn tạp chất vào hồ tiêu, như khẳng định của một số người kinh doanh là diễn ra đã khá lâu nhưng chưa bị phát hiện, xử lý. Do đó, cùng với việc khẩn trương đấu tranh, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật từ cơ sở của bà Loan, cơ quan chức năng cần sớm xem xét, xử lý, ngăn chặn việc làm giả, pha trộn tạp chất vào hồ tiêu. Từ vụ việc này cũng đòi hỏi cơ quan quản lý phải nâng cao trách nhiệm, sự quyết liệt và triệt để hơn trong quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm và hàng nông sản.
Bài, ảnh: Ngàn Sâu - Phan Tuấn
Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...