2 Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ và Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông: Động lực lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội

Thứ tư - 08/06/2016 21:46 - Đã xem: 2319
Có thể nói, Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ và Dự án Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông được triển khai đi vào hoạt động, không chỉ cụ thể hóa được “giấc mơ” của ngành bôxít - alumin - nhôm thành hiện thực mà đây sẽ là động lực lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Hiện nay, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, nhất là khắc phục các sự cố nổ lò hơi, lãnh đạo Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV khẳng định, vào tháng 9/2016 sẽ đưa nhà máy đi vào hoạt động, có sản phẩm alumin đầu tiên.

Không khí làm việc khá khẩn trương và sôi động trong nhà máy

“Vỡ kế hoạch” do nhiều yếu tố

Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) được khởi công xây dựng từ tháng 2/2010 và thời điểm để tính tiến độ thi công là từ 10/2010. Theo cam kết thì sau 24 tháng, nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Thế nhưng, nhiều năm qua cũng là không ít lần, mục tiêu đưa nhà máy vào hoạt động, có sản phẩm alumin đầu tiên đều “vỡ kế hoạch”.

Ông Ngô Tố Ninh, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông - Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho rằng: 24 tháng theo hợp đồng nhà máy sẽ đi vào hoạt động là tính theo những ngày thi công được. Việc chưa đạt được mục tiêu đề ra trong thời gian qua là do nhiều yếu tố. Điều kiện thời tiết ở Đắk Nông không thuận lợi, mưa nhiều làm cho tiến độ thi công dự án bị chậm lại. Giai đoạn đầu thi công dự án, tình trạng mất điện cũng thường xuyên xảy ra. Sau đó, công ty phải làm việc với phía điện lực và được ưu tiên tối đa, nhưng cũng có thời điểm điện yếu. Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu tạm giãn để đánh giá lại một lần nữa về hiệu quả kinh tế cũng khiến thời gian thi công dự án bị ảnh hưởng. Đặc biệt, sự cố ở nhà máy nhiệt điện, rồi một số yếu tố khác nữa đã khiến kế hoạch đưa ra bị “vỡ” .

Về vấn đề vốn và thiết bị máy móc, ông Ninh khẳng định, các yếu tố này không ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. TKV không thiếu vốn, trước khi triển khai dự án đã có kế hoạch sắp xếp về vốn, nhất là vay vốn từ Nhật Bản, với lãi suất thấp. Trong thời gian qua, tất cả các đợt nghiệm thu thanh toán đều được TKV xử lý ngay. Ngoài ra, trong quá trình thi công, việc điều chỉnh thiết kế ở tầm vi mô cũng liên tục thay đổi làm phát sinh kéo dài hơn về thời gian.  

Sự cố nổ lò hơi đã được khắc phục

Theo lãnh đạo Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV, thời gian qua, việc nhà máy chậm đi vào hoạt động một phần là do sự cố lò hơi ở Nhà máy nhiệt điện bị nổ. Cụ thể, vào tháng 11/2015, trong quá trình sấy khô vật liệu xây dựng, 2 lò hơi đã bị nổ.

Nguyên nhân chính là do phía nhà thầu đưa vật liệu từ Trung Quốc qua không bảo đảm. Khi tiến hành sấy khô bê tông ở nhiệt độ 3500C, vật liệu đã bị vữa, dẫn đến sự cố. Về vấn đề này, nhà thầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Để bảo đảm cho chất lượng công trình, sau sự cố, Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV đã làm việc cụ thể với nhà thầu chính Trung Quốc và thống nhất thuê hai nhà thầu phụ Việt Nam đảm nhận phần việc này. Theo ông Nguyễn Tiến Hòa,  Phó Quản đốc Phân xưởng nhiệt điện, Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV thì toàn bộ khối lượng bê tông ở 2 lò hơi là khoảng 150 tấn. Vừa qua, nhà máy đã tiến hành sấy khô bê tông một cách thành công. Dự kiến vào đầu tháng 7/2016, Công ty sẽ tiến hành đốt lò hơi.

Giải thích việc sự cố ở 2 lò hơi liên quan đến vấn đề công nghệ hay không, ông Ninh khẳng định: “Sự cố ở lò hơi không liên quan gì đến công nghệ cả. Theo hợp đồng thì toàn bộ dây chuyền máy móc do nhà thầu Trung Quốc cung cấp. Nhưng các thiết bị máy móc này đều được sản xuất từ năm 2011 đến nay, mang thương hiệu của thế giới”.  

Công nhân Nhà máy Nhiệt điện thuộc Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ kiểm tra thiết bị dẫn nước tại lò hơi. Ảnh: Nguyễn Hải

Có ý nghĩa quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh

Cùng với Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn có Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông cũng đang trong giai đoạn xây dựng. Theo đánh giá, hai dự án này có vai trò và ý nghĩa quyết định trong việc tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn đến năm 2020, với kế hoạch đề ra là 16-17%/năm.

Khi đi vào vận hành, đạt công suất thiết kế, hai dự án sẽ đóng góp cho GDP của tỉnh khoảng 19.000 tỷ đồng/năm, gấp 1,5 lần so với năm 2014 và đóng góp cho ngân sách Nhà nước 730 tỷ đồng/năm. Kinh tế của tỉnh dự kiến tỷ trọng khu vực công nghiệp-xây dựng sẽ đạt khoảng 46% vào năm 2020, cao hơn 19% so với năm 2014. Các nhà máy cũng sẽ tạo việc làm cho khoảng 2.200 lao động trực tiếp.  

Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông có tác dụng tích cực trong việc tiêu thụ ổn định và lâu dài sản phẩm alumin của Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Việc hỗ trợ qua lại của hai nhà máy sẽ tiết kiệm được chi phí vận chuyển, đóng gói, bốc dỡ, tiêu thụ alumin tại cảng Gò Dầu (Đồng Nai) khoảng từ 35-40 USD/tấn.

Đặc biệt, với giai đoạn 2, khi Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông nâng công suất lên 450.000 tấn/năm thì sẽ tạo điều kiện mở rộng, nâng công suất Nhà máy Alumin Nhân Cơ với hiệu quả kinh tế gia tăng rất lớn do gia tăng công suất, tận dụng tối đa được hạ tầng cơ sở hiện có. Dự kiến, Nhà máy Alumin Nhân Cơ sẽ mở rộng công suất lên 1,3 triệu tấn/năm và xây dựng thêm hai nhà máy alumin tại Đắk Glong và Đắk Song với công suất 2 triệu tấn/năm/nhà máy, có xét mở rộng công suất lên 3-4 triệu tấn/năm/nhà máy.

Bài, ảnh: Nguyễn Hải

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây