Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang bám rễ vào cuộc sống

Thứ tư - 08/06/2016 21:45 - Đã xem: 1177
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được xem là “chìa khóa vàng” không chỉ giúp nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, mà còn hướng đến một quy trình canh tác mang tính bền vững và thân thiện với môi trường.

Từ tiêu sinh thái…

Trang trại Thu Thủy ở xã Nâm N’Jang (Đắk Song) được xem là đơn vị điển hình trong việc thực hiện mô hình trồng tiêu sinh thái của tỉnh. Hiện tại, đơn vị đang trồng hơn 20 ha hồ tiêu. Để có sản phẩm hạt tiêu sinh thái, trang trại đã thực hiện trồng và thu hái hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ... trong quá trình sản xuất.

Ngoài ra, trang trại còn đưa công nghệ tưới nước nhỏ giọt, góp phần tiết kiệm nguồn nước tưới kết hợp bón phân, cải tạo khí hậu và môi trường cảnh quan cho vườn tiêu của các gia đình trong mùa khô.

Ông Đinh Xuân Thu, Chủ trang trại Thu Thủy cho biết: “Sử dụng nhiều phân bón hóa học, hóa chất khi chăm sóc cây trồng sẽ cho vườn tiêu của gia đình tăng thêm năng suất, sản lượng, nhưng lại không được bền vững. Bởi vì, lượng phân hóa học còn tồn dư sau khi bón sẽ không chỉ làm cho đất thêm cằn cỗi, cây trồng sớm thoái hóa, mà còn ảnh hưởng xấu tới môi trường cũng như sức khỏe của người sản xuất. Vì vậy, mọi quy trình sản xuất theo hướng sinh thái bền vững đã được gia đình tập trung nghiên cứu, áp dụng triệt để".

Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất nên năm 2015, sản phẩm tiêu hạt của trang trại cũng đã đạt tiêu chuẩn GlobalGap, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và xuất khẩu qua những thị trường “khó tính” trên thế giới...

Được biết, hiện nay, bên cạnh những hộ gia đình, trang trại tiên phong chủ động tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng phương pháp trồng tiêu theo hướng sinh thái bền vững thì ở một số địa phương, doanh nghiệp chuyên canh về cây tiêu trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang triển khai sâu rộng quy trình canh tác này. Trong đó, ở huyện Đắk Song hiện đang triển khai xây dựng 3 mô hình điểm về trồng hồ tiêu bền vững tại 2 xã Thuận Hà và Thuận Hạnh.

Một số doanh nghiệp nông nghiệp như Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu An Phong, Công ty TNHH Vina Minh Nhất (Đắk Song) cũng đã và đang liên kết với các nông dân trên địa bàn để sản xuất nông sản sạch, cung ứng nguồn nguyên liệu cho nhà máy...

… tới cà phê “hạnh phúc”

Thôn Đức Bình, xã Đức Mạnh (Đắk Mil) hiện có 165/220 hộ gia đình tham gia vào “Chương trình cà phê hành phúc” do Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk phối hợp với Hội Nông dân xã triển khai, với tổng diện tích 173,7 ha.

Đúng như tên gọi của chương trình, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, các hộ dân trong thôn rất “hạnh phúc” bởi các giá trị mang lại. Theo đó, ngoài việc được hỗ trợ về giống chất lượng cao, tập huấn kỹ thuật, xét nghiệm đất, nông dân còn được mua trợ giá, với mức 250 đồng/kg cà phê nhân. Năng suất, chất lượng cây trồng tăng lên rõ rệt. Hiện tại, toàn thôn đã thực hiện trồng được 30% cà phê giống mới và cải tạo được 30% diện tích cà phê già cỗi. Năng suất bình quân đạt khoảng 3,5 tấn/ha, tăng hơn 5 tạ so với trước đây.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Đức Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Mạnh cho biết: Toàn xã hiện có 630 hộ dân tham gia, với 1.104 ha cây cà phê. Bà con rất phấn khởi vì mọi quy trình sản xuất từ bón phân tới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đều được đội ngũ kỹ thuật của công ty hướng dẫn một cách chặt chẽ. Nhận thức về vấn đề sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao của bà con cũng ngày càng tăng lên rõ rệt.

Trong năm 2016, Chương trình cũng đang triển khai hỗ trợ cho địa phương 2 mô hình tưới nước tiết kiệm và mô hình trồng cây che bóng mát. Việc áp dụng những biện pháp khoa học công nghệ này cũng sẽ giúp người dân tiết kiệm chi phí trong sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế cho cây trồng.

Được biết, ngoài xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil còn có 2 xã là Đắk Sắk và Đắk Lao đang tham gia vào chương trình. Bà con cũng đang phấn đấu để “Đến năm 2020, chúng tôi là những doanh nhân trồng cà phê”- như mục tiêu chương trình đã đề ra.

Và thành quả từ những chủ trương

Thời gian qua, để khuyến khích, hỗ trợ, thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Đắk Nông cũng đã quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách cụ thể. Trong đó, đáng chú ý nhất là Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 7/4/2011 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020.

Nhờ đó, đến nay, sản xuất hàng hóa nông sản với quy mô ngày càng lớn, sản phẩm nông nghiệp đa dạng; một số sản phẩm bắt đầu đã có thương hiệu, chất lượng được đánh giá cao, như: Khoai lang Tuy Đức, quả có múi Đắk Glong, hạt tiêu Đắk Song, cà phê Đức Lập... Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đã tăng từ 45 triệu đồng năm 2010 lên 70 triệu đồng năm 2015. Ngành nông nghiệp cũng đã xây dựng được các đề án cụ thể và triển khai thực hiện như: Đề án phát triển cà phê bền vững, phương án tái canh cà phê, quy hoạch phát triển hồ tiêu…

Nhìn chung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã ngày càng được ứng dụng rộng rãi, nhất là về khâu giống, biện pháp kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng. Các ngành cũng đã tổ chức kết nối với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao; hỗ trợ giống, kỹ thuật, làm vườn ươm cung cấp giống chất lượng cao tại tỉnh. Nhiều dự án đầu tư cũng đã và đang được triển khai thực hiện, trong đó, tập trung vào trồng cây dược liệu, sản xuất giống cây trồng, sản xuất rau sạch trong nhà kính, cây siêu cao lương…

Với những thành quả đạt được và các giải pháp công nghệ cao đang ứng dụng vào trong quá trình sản xuất cũng như những nỗ lực của người dân, hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp, hy vọng, đến năm 2020, nền nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông sẽ cơ bản định hình rõ nét và phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

Lê Dung

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây