Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Ba thách thức đeo bám chúng ta

Thứ năm - 12/01/2017 07:53 - Đã xem: 1251
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong chặng đường phía trước, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với 3 thách thức cơ bản, khó khăn nhất và “thách thức sẽ đeo bám chúng ta trong thời gian dài”.
Phát biểu tổng kết hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa diễn ra, với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc và cầu thị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh nhiều đến những khó khăn, thách thức của nền kinh tế và với Bộ. “Nhận diện những thách thức là để định hình những giải pháp, cách tiếp cận, phương pháp thực hiện, từ đó phải đổi mới, cải cách mạnh mẽ hơn, nhanh hơn, thiết thực hơn, hiệu quả hơn”, Bộ trưởng nhận định.

Trước đó, phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ KH&ĐT phải đi tiên phong trong kiến tạo phát triển. Trước tiên phải là bộ thực hiện chức năng xây dựng thể chế, hoạch định chiến lược, giữ ổn định vĩ mô, khơi nguồn cảm hứng, tạo nguồn động lực mạnh cho đổi mới sáng tạo, phá bỏ các cản trở phát triển, nâng cao năng lực của nền kinh tế hơn là một bộ quản lý, phân bổ đơn thuần.

“Phải đổi cách làm, đổi mới tư duy. Đổi mới là khó nhưng không đổi mới cách làm, đổi mới tư duy, tiếp tục tinh thần bao cấp, quan liêu là chết”, Thủ tướng yêu cầu.

Nhiều câu hỏi vẫn làm chúng ta trăn trở

Theo Bộ trưởng, nền kinh tế nước ta vừa trải qua một năm đầy khó khăn, thách thức để đạt phần lớn các mục tiêu đề ra. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của năm 2016 là tích cực nếu so với các nền kinh tế có cùng trình độ phát triển trên thế giới và khu vực. Nhưng nền kinh tế cũng bộc lộ nhiều điểm yếu cần sớm được quan tâm, khắc phục để hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách với các nước.

“Một năm đã trôi qua, nhưng rất nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi vẫn làm chúng ta trăn trở, tìm lời giải đáp”, Bộ trưởng bày tỏ và nhắc tới hàng loạt vấn đề, như tại sao tăng trưởng của chúng ta vẫn được cho là dưới tiềm năng? Tại sao nguy cơ tụt hậu vẫn hiện hữu? Làm thế nào để vượt qua bẫy thu nhập trung bình?...

Nhìn lại sau hơn 20 năm kể từ khi Việt Nam chính thức tham gia sân chơi hội nhập, Bộ trưởng nhận định, năm 2016 được cho là năm có nhiều cái nhất, nhiều khó khăn nhất, nhiều bài học nhất, và nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đạt kỷ lục cao nhất.

Đó là bối cảnh quốc tế phức tạp nhất, giá dầu thô thế giới giảm thấp nhất trong vòng 12 năm qua, môi trường và thiên tai trong nước gặp những vấn đề nghiêm trọng nhất, thậm chí chưa từng có trong lịch sử. Đây cũng là năm có nhiều bài học nhất, trong đó bài học về môi trường và biến đổi khí hậu là bài học đắt giá nhất.  

Mặt khác, năm 2016 cũng là năm cả hệ thống chính trị thể hiện sự quyết tâm, chỉ đạo, điều hành quyết liệt nhất. Năm 2016 là năm cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội quan tâm nhiều nhất.

Bộ trưởng đánh giá, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, đã lấy lại được niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Số doanh nghiệp đăng ký mới và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay.

Ba thách thức khó khăn nhất

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, những thách thức sẽ  đeo bám chúng ta trong thời gian dài. Trong chặng đường phía trước, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với 3 thách thức cơ bản, đó cũng là những thách thức khó khăn nhất.

Thách thức thứ nhất là kinh tế bị tụt hậu, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước.

Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận, đất nước đã có nhiều đổi thay và phát triển. Nhưng nếu so với các nước trong khu vực ASEAN, chúng ta vẫn là nước đứng ở vị trí thấp ở nhiều khía cạnh.

“Chúng ta cần hiểu rằng, các nước đứng trên sẽ không dừng lại để chờ chúng ta vượt và các nước phía sau lại đang có sự cải cách mạnh mẽ, nếu chúng ta bước chậm chạp, họ sẽ sớm vượt qua Việt Nam”, Bộ trưởng trăn trở.

Theo Bộ trưởng, so với Thái Lan, chúng ta phải mất 16 năm để đuổi kịp họ về trình độ phát triển ở hiện tại. So với Phillippines - quốc gia cạnh tranh vị trí trực tiếp đối với Việt Nam, chúng ta vẫn luôn ở vị trí bám đuổi.

Nguyên nhân là do chất lượng tăng trưởng thấp; hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, ít cải thiện và chưa bền vững. Trong nhiều năm, tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động, trong khi hiệu quả đầu tư lại thấp; cơ cấu kinh tế chậm đổi mới; năng suất lao động chưa được cải thiện và còn cách khá xa so với các nước trong khu vực; thị trường lao động chưa phát triển và chậm chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ...

Thách thức thứ hai, theo Bộ trưởng, là biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường. Ứng phó với biến đổi khí hậu  không đơn giản, đòi hỏi không chỉ ở giải pháp phù hợp mà còn cần phải có nguồn lực rất lớn. Nếu không, mọi thành quả, mọi cố gắng, nỗ lực phát triển kinh tế có thể bị phá hủy trong chốc lát, trong khi để khắc phục phải mất nhiều năm, chưa nói đến phát triển trở lại còn lâu hơn nữa.

Thách thức thứ ba là hội nhập quốc tế. Điều cần thiết, quan trọng và cốt lõi là phải giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiên định đường lối xây dựng một nền kinh tế “độc lập, tự chủ” mà Đảng đã đề ra. “Chúng ta phải tận dụng thời gian, chắt chiu từng cơ hội, tự đổi mới, tự vươn lên thì mới có khả năng vượt qua được thách thức này”, Bộ trưởng trăn trở.

Khát vọng lớn nhất của Bộ KH&ĐT

Theo Bộ trưởng, những khát vọng của đất nước cũng chính là khát vọng của Bộ. Trong đó, khát vọng phát triển đất nước là khát vọng lớn nhất. Đất nước ta còn đang thua nhiều nước xung quanh ở nhiều khía cạnh, điều đó hun đúc trong mỗi lãnh đạo, công chức, viên chức của Bộ KH&ĐT khát vọng bắt kịp các nước đi trước chúng ta.

Theo Bộ trưởng, chúng ta đã không còn là quốc gia nghèo, chậm phát triển; nhưng chặng đường đang phát triển để tiến tới một quốc gia giàu mạnh còn rất dài. Nếu phải mất 25 năm đổi mới để đạt tư cách “đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp” thì để trở thành một nước thu nhập trung bình cao và nước phát triển, sẽ phải mất nhiều hơn thế. Làm thế nào để rút ngắn được thời gian này?

Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của chúng ta mới chỉ tăng thêm được 106 USD. Nhiệm vụ đặt ra đến năm 2020 là phải đạt 3.200 đến 3.500 USD mỗi người. Như vậy mỗi năm phải tăng thêm ít nhất 250 USD. Để đuổi kịp các nước, chúng ta phải phấn đấu theo cấp số nhân, phải đạt được mức thu nhập vào tốp đầu của các nước ASEAN.

Để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, giàu mạnh hơn, người dân được ấm no, hạnh phúc và hưởng thụ xứng đáng từ những thành quả của phát triển, lấy lại niềm tin của nhân dân, của doanh nghiệp, đó là những gì thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ và toàn ngành KH&ĐT.

Về khát vọng đổi mới, sáng tạo, Bộ KH&ĐT quyết tâm theo đuổi con đường đổi mới thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, bình đẳng; triển khai và thực hiện hiệu quả đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường trong lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ. Một bước đi lớn trong đổi mới của Bộ chính là đổi mới tư duy, vượt qua chính mình, không vì lợi ích cục bộ.

Bộ trưởng khẳng định, khát vọng kiến tạo phát triển của Bộ đã được truyền cảm hứng từ tư tưởng xây dựng Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cùng với đó, Bộ trưởng cũng nhắc tới yêu cầu tăng cường phối hợp, hợp tác và điều phối hiệu quả giữa Bộ với các bộ, cơ quan, địa phương. 

Thanh Hằng

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Chính Phủ

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây