PV: Năm 2016 được ghi nhận có nhiều động thái tích cực trong thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, vậy theo đồng chí điểm được nhất và nổi trội nhất ở đây là gì?
Đồng chí Trần Xuân Hải: Như các bạn đã biết, từ khi Quốc hội thông qua luật Đầu tư và luật Doanh nghiệp, trên địa bàn của cả nước có sân chơi rất bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp. Trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng có một số tiến bộ rất nổi bật trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Từ đầu năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký cam kết với Chủ tịch Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam để tạo điều kiện có môi trường đầu tư kinh doanh thật sự thông thoáng; tạo điều kiện cho phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã thành lập Trung tâm hành chính công.
Từ khi thành lập Trung tâm hành chính công của tỉnh, tất cả các thủ tục đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều được thực hiện thông qua Trung tâm hành chính công. Hoạt động của Trung tâm hành chính công được nối thông mạng với lãnh đạo UBND tỉnh, vì vậy đã kiểm soát được tất cả các thủ tục quy trình của các sở, ngành và các đơn vị liên quan trong thực hiện quy trình, thủ tục cho doanh nghiệp. Ngoài ra, hàng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh hoặc ủy quyền cho Phó chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đang gặp khó khăn để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai dự án. Tỉnh giúp đỡ doanh nghiệp đến bước cuối cùng, bảo đảm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra thuận lợi.
Chương trình "Bức tranh kinh tế 2016" của truyền hình Internet Báo Đắk Nông chào năm mới 2017 |
PV: Bên cạnh những nội dung đạt được, theo đồng chí thì có những vấn đề gì chưa đạt so với mục tiêu đặt ra trong hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp thời gian qua?
Đồng chí Trần Xuân Hải: Tỉnh Đắk Nông chúng ta mặc dù môi trường sản xuất kinh doanh có nhiều thuận lợi, nhưng vẫn có những điều kiện khách quan về địa lý, hạ tầng cơ sở và thị trường còn nhỏ bé. Vì vậy, nhìn chung chưa có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh chúng ta. Hầu hết doanh nghiệp đến với chúng ta điều là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong điều kiện tỉnh còn khó khăn nên chưa có ngân sách để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai chúng ta trong giai đoạn trước đây còn lỏng lẻo nên khi nhà đầu tư đến với tỉnh đã gặp không ít khó khăn trở ngại liên quan đến các thủ tục trong giải phóng mặt bằng, tiếp cận đất đai và vốn. Ngoài ra, trình độ năng lực của cán bộ quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực đầu tư, quản lý doanh nghiệp; trình độ quản trị của các doanh nghiệp cũng còn những hạn chế, vì vậy cho nên khi triển khai dự án còn những vướng mắc, trục trặc khách quan xảy ra.
PV: Trong nhiều chủ trương, chính sách thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp được tỉnh triển khai, theo đồng chí thì đâu là nội dung mang tính đột phá, quyết định?
Đồng chí Trần Xuân Hải: Như các bạn đã biết, trong kỳ họp cuối năm vừa qua của HĐND tỉnh Đắk Nông khóa 3, kỳ họp thứ 3 đã thông qua chính sách thu hút đầu tư của tỉnh. Chính sách này đã được UBND tỉnh xây dựng dựa trên luật Đầu tư và luật Doanh nghiệp mới và tổng hợp tất cả các chính sách thu hút đầu tư từ trước đến nay của tỉnh để xây dựng một chính sách thu hút đầu tư chung. Định hướng của chính sách này là nhằm giải quyết được các vấn đề gồm: Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư ở mức cao nhất và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước địa phương ở mức thấp nhất theo các quy định của Trung ương; ngoài ra nhà đầu tư còn được hưởng một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư theo Quy định của tỉnh.
Cái quan trọng hơn, UBND tỉnh đã cam kết là tất cả các nhà đầu tư hoạt động trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đều được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan thông qua Trung tâm hành chính công của tỉnh và Trung tâm Xúc tiến đầu tư của tỉnh để làm các thủ tục đầu tư một cách nhanh nhất. Và điểm quan trọng nữa là đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã có thông điệp đầu năm 2017 gửi đến tất cả các lãnh đạo của tỉnh, các sở ngành với tinh thần kiến tạo, hỗ trợ, thân thiện với doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp theo chủ trương chung của Chính phủ.
Phóng viên Lê Dung |
PV: Liên quan đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đồng chí đánh giá như thế nào về cái được và chưa được trong thu hút, phát triển nguồn lực ở lĩnh vực này?
Đồng chí Trần Xuân Hải: Về phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh, theo tôi đây là chủ trương đúng đắn, xu thế tất yếu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Và đây cũng là con đường đã có nhiều mô hình mà các tỉnh đã làm như tỉnh Lâm Đồng.
Ở tỉnh ta, ngay từ khóa trước, Tỉnh ủy đã có nghị quyết về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo đánh giá sơ kết của Tỉnh ủy, hiện nay, chúng ta mới làm ở góc độ hộ nông dân, những mô hình nhỏ lẻ. Theo đánh giá là việc thành công của tỉnh cũng mới chỉ là bước đầu. Hiện nay, số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh còn ít. Để thành công được, doanh nghiệp phải bắt tay với nông dân với phương châm “3 đồng, 2 vừa” là đồng về giống tốt, cùng công nghệ, kỹ thuật canh tác tốt, sản phẩm an toàn; vừa tập trung, vừa phân tán. Phải có sự tham gia của doanh nghiệp liên kết với nông dân trong sản xuất hàng hóa nông nghiệp; tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, đồng nhất, đủ tiêu chuẩn cạnh tranh trên thị thường trong nước và xuất khẩu. Nếu thực hiện tốt phương châm trên dần dần sẽ biến những người nông dân thành những người công nhân nông nghiệp trên chính đồng, ruộng của mình.
“UBND tỉnh đã cam kết là tất cả các nhà đầu tư hoạt động trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đều được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan thông qua Trung tâm hành chính công của tỉnh và Trung tâm Xúc tiến đầu tư của tỉnh để làm các thủ tục đầu tư một cách nhanh nhất” |
PV: Hiện nay, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu hướng đến hoạt động chế biến sâu sản phẩm cà phê, tiêu và một số sản phẩm nông nghiệp khác, vậy theo đồng chí, đây có phải là tín hiệu vui trên lộ trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao?
Đồng chí Trần Xuân Hải: Tôi rất đồng ý với quan điểm là các doanh nghiệp phát triển công nghiệp chế biến để gắn với các chuỗi giá trị trong sản xuất của người nông dân. Nhưng đương nhiên, sự thành công của các doanh nghiệp phải gắn với các quy trình sản xuất an toàn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, gắn với chế biến của doanh nghiệp, chúng ta sẽ có chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, hướng đến thị trường khu vực cũng như thế giới.
Các đồng chí trong Ban biên tập Báo Đắk Nông cảm ơn đồng chí Trần Xuân Hải và chúc mừng những người làm chương trình "Bức tranh kinh tế 2016" |
PV: Đồng chí cho biết rõ hơn về những kết quả cũng như khó khăn trong xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực Đắk Nông?
Đồng chí Trần Xuân Hải: Việc xây dựng các thương hiệu hàng hóa nông sản và xuất xứ hàng hóa nông sản là rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp theo cơ chế thị trường. Việc xây dựng thương hiệu xuất xứ hàng hóa là rất khó bởi phải làm theo quy trình thủ tục, phải được các tổ chức nhà nước và hiệp hội các doanh nghiệp công nhận. Tuy nhiên, các thương hiệu hàng hóa và xuất xứ hàng hóa đó chỉ có giá trị vững bền khi sản phẩm đó được sản xuất ổn định và chất lượng hàng hóa ngày càng tốt hơn chứ không phải cứ có tên thương hiệu là có thể tạo thành giá trị sản phẩm mà cái chính ở đây là chất lượng, tính bền vững của sản phẩm.
PV: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!
Đức Diệu thực hiện
Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...