Tuần lễ “Ðại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các địa phương liên quan tổ chức nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2013), Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2013); đồng thời giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển tình cảm gắn bó giữa các dân tộc Việt Nam, tôn vinh tinh thần đại đoàn kết trở thành một di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Tiết mục văn nghệ trong buổi khai mạc |
Tuần lễ “Ðại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” gồm các hoạt động chính như: Chương trình khai mạc Tuần lễ “Ðại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”; Hội nghị “Tổng kết 15 năm thực hiện chỉ thị số 24/1998/TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước quy ước của làng, thôn, ấp, bản, cụm dân cư”; Trại sáng tác điêu khắc Tây Nguyên; Chương trình giao lưu đoàn kết các dân tộc; Triển lãm, giới thiệu Văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam; Tái hiện không gian văn hóa Chợ nổi Nam Bộ và Chợ vùng cao phía Bắc; Tái hiện Hội đua bò Bảy Núi; Hội thảo với chủ đề: “Giải pháp để bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay”; Tái hiện Lễ hội Ok Om Bok; Các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật và giao lưu giữa cộng đồng các dân tộc.
Không gian văn hóa chợ nổi Nam bộ được tái hiện tại tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam |
Bên cạnh đó, các cộng đồng dân tộc có mặt hoạt động luân phiên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam dịp này cũng sẽ tổ chức nhiều lễ hội đặc sắc: Lễ hội Om đin Om đang của dân tộc Khơ Mú (Sơn La); Nghi lễ Tết Xíp Xí của dân tộc Thái (Sơn La); Lễ hội Căm Mường của dân tộc Lự (Lai Châu); Lễ hội Nàng Hai của dân tộc Tày (Cao Bằng); Nghi thức đón dâu trong lễ cưới của dân tộc Mông (Hà Giang); Lễ Kết nghĩa của dân tộc Mơ Nông và Ê đê (Ðắk Lắk); Trình diễn Cồng Chiêng Tây Nguyên của dân tộc Gia Rai (Gia Lai)…
Lễ mừng vào nhà mới của dân tộc H’rê |
Ðặc biệt, nhân dịp này, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức Lễ khánh thành quần thể chùa Khmer sau 3 năm xây dựng. Quần thể chùa Khmer thuộc Làng dân tộc Khmer - Khu các làng dân tộc III (Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam) được xây dựng trên diện tích khoảng 0,8ha, bao gồm: Tam quan, Chính điện, Tháp góc, Nhà thiêu, Vườn tháp, Nhà để ghe ngo, Nhà thuyền, Sa la, Am thờ, Cột cờ, Ao sen… hứa hẹn sẽ là điểm dừng chân thú vị trong Ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em.
Nghệ nhân Tây Nguyên trình diễn khắc gỗ nghệ thuật tại tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc |
Tượng gỗ do các nghệ nhân Tây Nguyên chế tác |
Theo Huyền Phương/ Dân Việt