Ðổi mới là văn hóa, văn hóa là đổi mới

Thứ năm - 05/12/2013 06:11 - Đã xem: 1152
Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ khi mới thành lập đã rất quan tâm đến vấn đề văn hóa. Từ “Luận cương cách mạng” năm 1930 đến “Đề cương văn hóa” năm 1943, nội dung và tính chất của nền văn hóa mới đã bước đầu hình thành.

Đó là nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng. Điều cực kỳ may mắn cho dân tộc, là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước cũng là một nhà văn hóa lớn. Chính từ trí tuệ uyên bác và cuộc đời cực kỳ đẹp đẽ của Người, Đảng ta và dân tộc ta đã tìm thấy chỗ dựa tinh thần vững chắc để xây dựng niềm tin và lòng tự hào dân tộc. Sức sống mới của nền văn hóa được bắt nguồn từ đó.

Để xây dựng văn hóa trong toàn xã hội thì trước hết cần xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước. (Ảnh: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Huy thăm đồng bào xã Đắk B'lao (Đắk Mil)). Ảnh: Ngọc Tâm

 

Nhìn lại đời sống tinh thần của dân tộc ta từ 1945-1975, những người đã trải nghiệm qua hai cuộc chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ không khỏi ngạc nhiên và tự đặt ra câu hỏi: làm sao mà trong khói lửa của chiến tranh, trong nghèo đói và thiếu thốn đủ điều, dân tộc ta vẫn giữ được quan hệ tình người ấm áp.

Vì sao dưới bom đạn ác liệt, cánh cửa của nhà trường vẫn luôn rộng mở, thu hút thế hệ thanh thiếu niên này đến thế hệ thanh thiếu niên khác? Vì sao bao thế hệ thanh niên sẵn sàng rời bỏ cuộc sống ấm cúng trong gia đình, quê hương, trường học, tự nguyện cầm súng xông trận? Vì sao đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ vốn xuất thân từ xã hội cũ đã nhanh chóng kề vai sát cánh với nhân dân, với quân đội nhân dân, sống và sáng tạo với tư cách người chiến sĩ cách mạng? Những câu hỏi đó và rất nhiều những câu hỏi tương tự, chỉ có thể tìm ra câu trả lời nếu hiểu sâu sắc đường lối, chính sách văn hóa của Đảng, nghệ thuật lãnh đạo của Đảng nói chung, và trên lĩnh vực văn hóa nói riêng.

Thắng lợi của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới là ở chỗ Trung ương và Bác Hồ đã có cái nhìn toàn diện, thiết thực về văn hóa và về những mục tiêu cần vươn tới. Tinh thần đó được biểu hiện rõ rệt trong những chủ trương, những phong trào mà đích thân Bác Hồ phát động từ những ngày đầu, tháng đầu, sau Cách mạng Tháng Tám: phong trào diệt giặc dốt, bổ túc văn hóa, xây dựng đời sống mới, phát triển sự nghiệp giáo dục quốc dân, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ… và bao quát nhất là khẩu hiệu “kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến”.

Thắng lợi còn ở chỗ tại thời điểm lịch sử đó, Đảng ta đã thể hiện tầm cao về trí tuệ, về danh dự và lương tâm của dân tộc và thời đại. Những cán bộ, đảng viên của Đảng đã nêu tấm gương sáng của người chiến sĩ tiên phong trong việc thực hiện những chuẩn mực, những giá trị văn hóa mới. Nói cách khác, đường lối, chính sách văn hóa của Đảng trước khi được triển khai sâu rộng trong quần chúng thì đã được hiện thực hóa từng bước trong đông đảo cán bộ, đảng viên của Đảng. Đó là bài học lớn mà ta cần ghi nhận.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, nhiều lễ hội văn hóa dân tộc M'nông được phục dựng, bảo tồn. Ảnh: Ngọc Trí

 

Từ sau 1986, với đường lối đổi mới, mà trước hết là đổi mới tư duy, vấn đề văn hóa càng trở nên quan trọng. Đúng như đồng chí Phạm Văn Đồng viết: “Đổi mới là văn hóa, văn hóa là đổi mới”. Thực tiễn của sự nghiệp đổi mới cùng với những tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là cơ sở để Đảng hình thành những tư tưởng mới, quan điểm mới về văn hóa. Văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đó là một phát hiện lớn mang tầm thời đại. Khi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, thì văn hóa có liên quan đến sự hưng thịnh hay suy vong của một quốc gia, một dân tộc, cũng có nghĩa là “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” như Bác Hồ từng dạy.

Cùng với những nhận thức mới, quan điểm mới về văn hóa, về vị trí, vai trò của văn hóa, Đảng đã tập trung trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân để định ra chiến lược phát triển mới về văn hóa, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đó là định hướng xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Định hướng chiến lược đó ngay từ khi mới ra đời đã thu hút sự đồng tình, sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân. Nó đang là ngọn cờ tập hợp rộng rãi trí tuệ lương tâm, khát vọng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam ở trong và ngoài nước. Cố nhiên, từ nhận thức lý luận đến hoạt động thực tiễn luôn có một khoảng cách.

Khoảng cách đó xa hay gần lại tùy thuộc vào khả năng tổ chức thực tiễn của đội tiền phong của giai cấp và của dân tộc. Từ khi có Nghị quyết TƯ 5 về văn hóa đến nay, đã hơn 15 năm trôi qua, tinh thần của Nghị quyết đã được triển khai rộng khắp trong toàn xã hội. Nhiều hoạt động về bảo tồn, tôn tạo, phát huy di sản văn hóa dân tộc, về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, về nâng cao dân trí, đưa khoa học – công nghệ vào đời sống… đã xuất hiện.

Đó là những tín hiệu rất đáng mừng, dù chất lượng còn chưa hoàn toàn được như chúng ta mong muốn. Tuy vậy, cái đáng quan tâm lo lắng nhất, là nhiều lĩnh vực trong đời sống văn hóa của xã hội và của từng cá nhân như tư tưởng, đạo đức, lối sống, thì vẫn đang có chiều hướng suy giảm. Để khắc phục tình trạng đó, điều cơ bản là phải hoàn thiện chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa không nằm ngoài kinh tế và chính trị. Cần thiết lập những quan hệ chính trị lành mạnh, những quan hệ kinh tế lành mạnh.

Trước mắt, cần gắn việc xây dựng và phát triển văn hóa với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với việc triển khai có hiệu quả Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ đảng viên. Nói một cách khác, để xây dựng văn hóa trong toàn xã hội thì trước hết cần xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước, để Đảng thực sự “là đạo đức là văn minh” như Bác Hồ thường dạy.

Khi Đảng là đạo đức là văn minh, thì những tư tưởng, quan điểm, đường lối và chính sách văn hóa của Đảng và của Nhà nước mới có sự tỏa sáng và thuyết phục. Đó là điều kiện không thể thiếu để hiện thực hóa đường lối văn hóa của Đảng. Vai trò lãnh đạo của Đảng về văn hóa cũng được xác lập từ đó.

Theo GS.TS Trần Văn Bính – Văn Hóa


Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây