Xây dựng, duy tu hệ thống thiết chế văn hóa: Cần được quan tâm hơn nữa

Thứ năm - 05/12/2013 06:09 - Đã xem: 900
Theo “Ðề án tổng thể phát triển sự nghiệp văn hóa nghệ thuật tỉnh Ðắk Nông giai đoạn 2012-2020” thì đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ cơ bản hoàn thành việc xây dựng các thiết chế văn hóa thiết yếu. Bình quân mỗi năm, ngân sách Nhà nước bố trí cho lĩnh vực này khoảng 75 tỷ đồng để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến nay, tiến độ triển khai đề án còn rất chậm.

Ðối với cấp tỉnh, do hạn chế về nguồn vốn đầu tư nên thời gian qua, tỉnh cũng mới chỉ bố trí vốn để đầu tư xây dựng được một số công trình, hạng mục công trình như nhà in, khu nghiệp vụ hành chính Trung tâm văn hóa tỉnh, trụ sở Ðoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh…

Truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ ở xã Quảng Tín (Đắk Rlấp). Ảnh: T.B

 

Còn một số công trình nằm trong kế hoạch đầu tư, nhưng hiện vẫn chưa được xây dựng như Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng, Bảo tàng và Thư viện tỉnh. Ðối với nhà văn hóa cấp huyện thì hiện có 7/8 huyện đã được đầu tư xây dựng.

Ở cấp xã mới chỉ có 8/71 xã có nhà văn hóa và 133/154 bon, buôn có nhà văn hóa cộng đồng; 289/625 thôn, tổ dân phố có hội trường thôn. Chưa kể đến, các hạng mục khác liên quan đến hệ thống thiết chế văn hóa ở cấp cơ sở như sân bóng đá, bóng chuyền, khu vui chơi, giải trí… hiện cũng đang khá “khiêm tốn”, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động văn hóa nói chung ở cơ sở.

Mặc dù những năm gần đây, phong trào xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa đã có một số khởi sắc, song nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Nguồn lực đầu tư cho các hoạt động dịch vụ văn hóa còn rất hạn chế, đa phần mới chỉ dừng lại ở phạm vi đầu tư từ phía Nhà nước.

Trong khi đó, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì việc đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa thời gian qua chưa được các ngành, địa phương quan tâm nên kinh phí bố trí thường theo kiểu “nhỏ giọt”.

Cụ thể là kinh phí đầu tư cho sự nghiệp văn hóa đến nay mới chỉ đạt 0,41% tổng vốn trong giai đoạn đề án và chiếm 1,84% tổng chi ngân sách. Bên cạnh đó, một số địa phương còn xem nhẹ lĩnh vực này nên chưa quan tâm đến việc quy hoạch, bố trí quỹ đất cho xây dựng hạ tầng thiết chế văn hóa.

Bên cạnh nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình phục vụ hoạt động văn hóa đang rất lớn thì các công trình đã xây dựng, bàn giao đưa vào sử dụng lại không được các địa phương quan tâm quản lý, bảo vệ, bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng nên nhanh chóng xuống cấp, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư.

Chỉ đơn cử như đến nay, toàn tỉnh có 136 nhà văn hóa cộng đồng đã được Nhà nước đầu tư xây dựng, nhưng có đến 97 nhà văn hóa đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng chưa được bố trí kinh phí để sửa chữa.

Ðặc biệt là hiện có 9 nhà văn hóa cộng đồng gần như bỏ hoang không sử dụng, không ai quản lý, bảo vệ. Ðồng thời, có khoảng 56% thiết bị đầu tư cho nhà văn hóa cộng đồng hiện nay đã bị hư hỏng, không sử dụng được.

Cũng theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì nguyên nhân của thực trạng trên phần lớn là do chính quyền, người dân ở các địa phương chưa nhận thức đúng tầm về vai trò của sinh hoạt văn hóa trong đời sống tinh thần. Vì thế, đa phần nguồn lực đầu tư đang tập trung cho các lĩnh vực khác nên chưa huy động được nguồn lực tổng hợp của xã hội cho đầu tư phát triển thiết chế văn hóa cơ sở.

Ngoài việc thiếu quan tâm trong việc đôn đốc trong công tác duy tu, bảo vệ các công trình phục vụ hoạt động văn hóa thì việc đẩy mạnh xã hội hóa để xây dựng mới các công trình cũng còn hạn chế. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu xây dựng hạ tầng thiết chế văn hóa theo lộ trình đề án, ngoài sự quan tâm từ phía Nhà nước, thì chính quyền các địa phương và cộng đồng, người dân cũng cần quan tâm hơn nữa, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đời sống sinh hoạt văn hóa cũng như công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Hà An


Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây