Du lịch tâm linh thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và phát triển KT - XH

Thứ sáu - 29/11/2013 02:45 - Đã xem: 1057
Việt Nam coi du lịch tâm linh là loại hình văn hóa chuyên đề, một nhân tố quan trọng không chỉ mang lại sự tăng trưởng cho nền kinh tế mà còn phát huy giá trị tinh thần, lòng yêu nước, niềm tin, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đất nước. (Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan)

Ngày 21/11 vừa qua, tại chùa Bái Ðính (Ninh Bình) đã diễn ra Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch , UBND tỉnh Ninh Bình và Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) phối hợp tổ chức.

Hội nghị thu hút sự tham gia của trên 300 đại biểu quốc tế và trong nước từ các tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan du lịch quốc gia các nước và vùng lãnh thổ: Algeria, Ấn Ðộ, Ai Cập, Butan, Campuchia, Canada, Ðức, Hàn Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Iran, Lào, Macao, Malaysia, Mỹ, Myanmar, Nhật Bản, Nigeria, Pháp, Philippines, Tây Ban Nha, Thái Lan, Úc… cùng các chuyên gia du lịch, các doanh nghiệp du lịch và cơ quan báo chí truyền thông.

Du lịch tâm linh chùa Bái Ðính. Ảnh tư liệu

 

Phát biểu chào mừng tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: “Chủ đề Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững có ý nghĩa rất sâu sắc. Du lịch tâm linh vốn không chỉ là hoạt động hành hương, tôn giáo, tín ngưỡng thuần túy mà còn là động lực thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế- xã hội. Ðó cũng là cách thức để thế hệ hôm nay bày tỏ sự tưởng nhớ và ngưỡng mộ đối với công lao của các bậc tiền bối.

Bên cạnh những cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nổi bật, thì sự kỳ thú của danh thắng, những giá trị tích cực của truyền thống, sự độc đáo, đặc trưng về văn hóa, kiến trúc, sự hiền hòa và lòng hiếu khách luôn là những yếu tố đặc biệt quan trọng để thu hút khách du lịch.

Sử dụng có trách nhiệm và bền vững các giá trị văn hóa và tự nhiên trong phát triển du lịch tâm linh sẽ mang lại cơ hội việc làm, tạo thu nhập, giảm nghèo, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, tôn giáo, góp phần gìn giữ hòa bình, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, hỗ trợ hiệu quả cho việc tôn vinh, khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản vật thể và phi vật thể của mỗi quốc gia cũng như của toàn nhân loại”.

Tại hội thảo, sau những phiên thảo luận sôi nổi và sâu sắc, dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng các đại biểu cho rằng: Du lịch tâm linh trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng có những quan niệm khác nhau và đến nay vẫn chưa có một khái niệm chung nhất. Tuy nhiên, xét về tính chất du lịch tâm linh thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh vừa làm cơ sở, vừa làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần.

Với cách nhìn nhận đó, du lịch tâm linh khai thác những yếu tố văn hóa tâm linh trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa vào những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với lịch sử hình thành nhận thức của con người về thế giới, những giá trị về đức tin, tôn giáo, tín ngưỡng và những giá trị tinh thần đặc biệt khác.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn trong bài phát biểu của mình cho rằng: “Trên thế giới này, dù chúng ta khác nhau về màu da, tôn giáo song niềm tin mà chúng ta gửi gắm, tôn thờ đều gặp nhau ở tinh thần nhân ái, khoan dung và triết lý nhân bản. Chính đặc tính không biên giới và chung hướng đích đã làm nên sự giao thoa, ngưỡng vọng về tâm linh, nảy nở sự cảm thông, chia sẻ và nhu cầu tìm hiểu lẫn nhau. Ðó vừa là nhu cầu, là cơ hội, là mảnh đất vô cùng sinh động để du lịch phát triển, loại hình du lịch tâm linh vốn luôn có sẵn tiềm năng”.

Du lịch tâm linh đang trở thành xu hướng phổ biến, gắn kết các nền văn hóa trong thế giới tinh thần. Giám đốc điều hành của FEST travel (Tây Ban Nha) còn cho rằng: “Du lịch tâm linh là một hiện tượng của thế kỷ XXI. Du lịch tâm linh rất giàu tiềm năng. Hàng triệu người nước ngoài hay khách du lịch trong nước đang tìm kiếm các hoạt động chữa bệnh như Yoga, Ayurveda và các lớp học thiền, chi tiêu cho kỳ nghỉ của họ, đến thăm những nơi linh thiêng, cố gắng để khai sáng và đề cao tâm hồn, cơ thể và tâm trí, tìm kiếm các hoạt động văn hóa đa tín ngưỡng, đích thực, cố gắng khám phá sức mạnh tái sinh của tự nhiên và tìm kiếm ý thức văn hóa, môi trường, sinh thái”.

Dù chưa có thống kê chính xác hằng năm trên thế giới có bao nhiêu khách du lịch lựa chọn, tham gia, tổ chức các tour, tuyến du lịch tâm linh nhưng chắc chắn con số là rất cao. Và một điều rất đáng quan tâm là dường như những du khách lựa chọn du lịch tâm linh cũng thuần hơn, hướng thiện hơn, có ý thức bảo vệ môi trường nhân văn và môi trường thiên nhiên hơn.

Ảnh tư liệu

 

Giáo sư, thành viên của Ủy ban đạo đức du lịch của UNWTO ông I Gede Ardika dẫn ra trường hợp của Bali (Indonesia), một nơi được coi là thiên đường du lịch, điểm đến nổi tiếng thế giới rất chú trọng vào hạnh phúc- như là một yếu tố quan trọng đánh giá chất lượng cuộc sống và “Tri Hita Kara”- Ba yếu tố của hạnh phúc (đấng tạo hóa, con người với con người và con người với môi trường). Chỉ khi hài hòa 3 yếu tố trên con người mới được hạnh phúc. Du lịch, ngoài mục đích giải trí và nghỉ dưỡng để nâng cao chất lượng cuộc sống còn là việc thúc đẩy sự hiểu biết quốc tế và hòa bình. Và việc phát triển bền vững đòi hỏi tuân thủ những đạo đức du lịch. Thế giới này đáp ứng tất cả yêu cầu của mọi người nhưng không đáp ứng cho những người tham lam.

Việt Nam hiện cũng đang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch tâm linh bởi nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc với nhu cầu hướng tới những tinh thần cao cả, đức tin, tín ngưỡng và tôn giáo. Du lịch tâm linh đã trở thành nhu cầu không thể thiếu, ngày càng sôi động, mang lại hiệu quả thiết thực cho kinh tế địa phương, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và đóng góp tích cực vào phát triển bền vững. Việt Nam cũng là điểm đến lý tưởng của nhiều loại hình du lịch, trong đó, du lịch tâm linh như tín ngưỡng thờ cúng ở Ðền Hùng (Phú Thọ), Yên Tử (Quảng Ninh), Phủ Dày (Nam Ðịnh), chùa Từ Ðàm (Huế), Bái Ðính và quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) là những điển hình về du lịch tâm linh.

20 bài tham luận và hàng chục ý kiến tại hội thảo thuộc 4 nhóm nội dung về ý nghĩa, tương tác, tính bền vững và sản phẩm của du lịch tâm linh đã chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia về loại hình du lịch này. Ðặc biệt, làm nổi bật tầm quan trọng của loại hình du lịch tâm linh với nhiều tiềm năng phát triển đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam và khẳng định việc giao lưu giữa con người với con người thông qua du lịch tâm linh sẽ đẩy mạnh đối thoại, xây dựng mối quan hệ hiểu biết giữa các nền văn hóa. Các diễn giả và đại biểu cũng đã làm rõ hơn, sát thực tế hơn về tương lai, nhiệm vụ của du lịch tâm linh, định hướng và hành động của du lịch đối với những người làm du lịch thời gian tới.

Theo Văn hóa


Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây