TRUNG TÂM VĂN HÓA THỂ THAO VÀ TRUYỀN THÔNG HUYỆN CƯ JÚTTRUNG TÂM VĂN HÓA THỂ THAO VÀ TRUYỀN THÔNG HUYỆN CƯ JÚT
Thế hệ trẻ xã Đăk Drông góp phần bảo tổn và phát huy làn điệu Then cổ
Thứ tư - 06/11/2013 22:14
- Đã xem: 1120
Từ niềm đam mê ca hát và lưu giữ truyền thống của dân tộc mình, nhiều em có tuổi đời rất nhỏ ở xã Đăk Rông đã tích cực tìm hiểu và luyện tập các điệu then cổ, từ đó góp phần gìn giữ những nét đẹp văn hoá của dân tộc mình và làm phong phú đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn xã Đăk Đrông.
Thành lập năm 2007, đến nay, CLB Đàn tính hát then xã Đăk Đrông có 22 hội viên luyện tập đều đặn. Ban đầu là những người yêu cây đàn tính, làn điệu then trên địa bàn xã đã tập hợp nhau lại thành lập CLB đàn tính hát then để cất cao điệu hát quê hương. Về sau, không chỉ những người gốc Cao Bằng mới “say” với vốn văn hóa cổ của dân tộc mình mà nhiều người là dân tộc Kinh và một số dân tộc khác cũng thích tìm hiểu với loại hình này. Em Phạm Thị Yến Nhi, một thành viên nhỏ tuổi nhất trong CLB cho biết: “Từ nhỏ, em đã có niềm say mê đặc biệt với cây đàn tính và những thanh âm kỳ diệu của nó. Ban ngày đi học, tối đến em lại tập trung luyện tập với các cô, các anh, các chị, hát cho nhau nghe và tập thêm những làn điệu mới. Một không khí vui vẻ, đầm ấm đã thắp lên niềm đam mê ca hát trong em, từ đó đã kết nối mọi người lại với nhau, phong trào học hát then, đàn tính của CLB ngày càng thu hút được sự chú ý, tham gia của nhiều người.
Em Hứa Thị Trang, một thành viên trẻ tuổi khác của CLB đàn tính hát then xã Đăk Đrông cho biết thêm: lúc đầu mới nghe các thành viên trong CLB đàn tính hát then hát những làn điệu then của người Tày, Nùng, rồi gẩy đàn tính theo các điệu hát em chẳng cảm nhận được là mấy nhưng cứ hễ xã Đăk Đrông tổ chức văn nghệ thì làn điệu này lại cất lên, sau đó em lại được thường xuyên theo các bạn cùng trang lứa nghe các thành viên trong CLB luyện tập, đàn hát mãi rồi em đâm ra thích lúc nào chẳng hay. Bây giờ, em cũng tham gia sinh hoạt với CLB và là người hát được nhiều làn điệu then của dân tộc mình nhất như “Lời cây đàn tính”, “Đăk Đrông mùa xuân về”... ở các điệu: lượn, cọi, nàng ới…, tham gia sinh hoạt, em thấy yêu hơn vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Theo ông Trần Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Đăk Đrông thì hiện nay, trong các dịp liên hoan, ngày lễ, ngày hội văn hóa các dân tộc, các chương trình ca nhạc của xã, huyện... đều có các tiết mục hát then của CLB đàn tính hát then tham gia. Ngoài ra, CLB còn thường xuyên tổ chức giao lưu với CLB ở các địa phương khác. Không chỉ vậy, nhiều hội viên còn vận động cả con, cháu vào CLB, nhiệt tình truyền dạy những làn điệu cơ bản cho thế hệ trẻ. Tại các buổi sinh hoạt của CLB, có không ít các em nhỏ ở địa phương tuổi mới lên mười cũng theo chân các bà, các mẹ ngồi chiếu then, nhiều em đã có thể tự đánh đàn tính, hát những bài then cổ với niềm say mê. Hiện nay, nhiều di sản văn hóa truyền thống đã mai một, với lớp trẻ, văn hóa của cha ông bây giờ dường như xa lạ, do đó việc hướng dẫn, truyền dạy lại cho thế hệ sau là một công việc cần thiết và cấp bách. Vì vậy, xã Đăk Đrông sẽ có cơ chế, chính sách phù hợp để thế hệ trẻ ham mê vốn văn hóa cổ truyền có thể yên tâm học tập, phát huy truyền thống vốn di sản văn hóa của dân tộc mình. Hát Then là một loại hình nghệ thuật truyền miệng, nếu không bảo tồn thì sẽ bị mai một dần. Vì vậy, để tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị của những làn điệu hát Then, điều quan trọng và cần thiết là phải biết truyền đạt những làn điệu hát Then cho thế hệ trẻ để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đúng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã đề ra./.