Mở lối cho người suy thận

Thứ ba - 14/05/2013 23:35 - Đã xem: 1071
Một phương pháp ghép thận mới được Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện được cho là mở ra nhiều hứa hẹn cứu sống các bệnh nhân suy thận mãn

Bị suy thận mãn nhiều năm, chị N.T.T.N (37 tuổi, ngụ TPHCM) đành giao phó mọi công việc, gia đình con cái cho chồng để đến bệnh viện (BV) hằng tuần chạy thận nhân tạo (CTNT).  Gần đây, tình trạng sức khỏe xấu đi, các bác sĩ khuyên chị N. nên ghép thận. Dù gia đình 2 bên hứa sẽ hỗ trợ chi phí để ghép nhưng niềm vui chị N. vừa chớm thì đã vụt tắt khi nguồn thận cho từ người thân không đáp ứng điều kiện để ghép.

72.000 ca thận mãn chờ ghép

Những trường hợp như chị N. hiện rất nhiều, sức khỏe ngày càng suy kiệt, tốn kém chi phí, bế tắc. Hầu hết các khoa thận ở các BV tại TPHCM đều quá tải do lượng bệnh nhân có nhu cầu CTNT quá cao. Tại BV Nhân dân 115, theo bác sĩ Tạ Phương Dung, Trưởng Khối Niệu - Ghép thận, gần 60 máy CTNT chạy hết công suất 4-5 ca/ngày vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu cho khoảng 1.000 ca suy thận mãn thường xuyên điều trị tại đây. Tình trạng này cũng thấy ở BV Chợ Rẫy với hàng ngàn bệnh nhân. Không chỉ ở BV công, BV quận mà ngay cả các BV tư dù hoạt động hết công suất cũng không đủ máy CTNT để đáp ứng nhu cầu.
 
Bệnh nhân B. H. N (25 tuổi) bị suy thận mãn, lọc máu, chạy thận nhân tạo 3 năm qua và đã được các bác sĩ Bệnh viện
Nhân dân 115 (TPHCM) thực hiện ghép thận từ nguồn cho sống

Các chuyên gia chuyên khoa thận - tiết niệu cho biết đối với người suy thận mãn tính chỉ có 2 giải pháp: hoặc ghép thận hoặc phải chạy thận suốt đời. CTNT thì chi phí cao, sức khỏe ngày càng giảm sút, ảnh hưởng công ăn việc làm. Ghép thận là cách tốt nhất cho người suy thận mãn nhưng chưa kể “đỏ mắt” trông chờ có nguồn tạng thì việc tìm được tạng phù hợp cũng lắm gian nan. Chính vì vậy, hiện tại các BV tồn đọng hàng trăm bệnh nhân bị suy thận mãn cần ghép thận đang mỏi mòn, ngắc ngoải chờ chết vì sự khan hiếm này. Hầu hết bệnh nhân cùng một mong muốn là được ghép thận để cải thiện bệnh trạng, thoát khỏi cảnh “lấy BV làm nhà”.

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cả nước hiện có hơn 72.000 ca suy thận mãn giai đoạn cuối, mỗi năm có thêm 8.000 ca suy thận mới cần điều trị thay thế thận. Trong nhóm bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối, có hơn 90% tử vong.

Kỳ vọng vào phương pháp mới

Tại Việt Nam, có nhiều BV làm chủ hoàn toàn kỹ thuật ghép thận. Có 2 phương pháp ghép thận được áp dụng lâu nay là ghép thận từ người cho sống (từ năm 1992) và ghép thận từ người cho chết não (từ năm 2008). Nguồn thận hiến chủ yếu là từ người thân và người cho chết não. Tuy nhiên, nguồn thận cho này còn hạn chế nên số người được ghép còn quá ít so với nhu cầu. Cả nước có 12 trung tâm ghép thận nhưng 20 năm qua, số người được ghép chỉ khoảng 500, chủ yếu từ người cho sống. Trong khi đó, nguồn tạng từ người cho chết não tại Việt Nam lại rất nhiều, chủ yếu từ số bệnh nhân bị tai nạn giao thông tử vong do chấn thương sọ não. Chỉ riêng tại BV Chợ Rẫy, mỗi năm có khoảng 1.000-1.500 bệnh nhân chết não vì chấn thương sọ não. Tại BV Việt Đức (Hà Nội), con số này cũng khoảng gần 1.000…

Từ thực tế đó, một phương pháp ghép thận mới được Bộ Y tế đặt hàng cho BV Chợ Rẫy nghiên cứu thực hiện từ cuối năm 2012. Phương pháp này được đánh giá sẽ mở ra nhiều cơ hội sống cho người suy thận mãn. Đó là ghép thận mà nguồn thận từ người cho khi tim ngừng đập. PGS-TS Trần Ngọc Sinh, Trưởng Khoa Tiết niệu BV Chợ Rẫy, cho biết phương pháp ghép tạng từ người cho khi tim ngừng đập đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ những năm 1960 và mở ra lối thoát cho người suy thận mãn. Các nước như Nhật Bản, Tây Ban Nha, Anh, Úc… đã áp dụng phương pháp này và đang mở ra cơ hội sống cho bệnh nhân suy thận. Hiện BV Chợ Rẫy đã trình Bộ Y tế đề án hoàn chỉnh về phương pháp ghép thận này.

Tại hội nghị khoa học về hiến thận sau chết tim vừa tổ chức ở TPHCM mới đây, ý kiến khoa học phản biện về phương pháp này cũng được tranh luận, đặc biệt là việc đánh giá chất lượng tạng của người cho chết não và người chết tim… Đại diện Bộ Y tế cho rằng phương pháp này mở ra nhiều kỳ vọng, tăng cơ hội sống cho bệnh nhân suy thận mãn, mở rộng thêm nguồn tạng hiến, đáp ứng tình trạng khan hiếm tạng, đặc biệt góp phần vào việc chống tình trạng buôn bán tạng.

Lập hệ thống tư vấn hiến tạng

Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống nhiều người. Tuy nhiên, số gia đình đồng ý cho tạng rất hạn chế do chưa hiểu đúng ý nghĩa của việc làm này. Có ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh việc thiết lập hệ thống mạng lưới tư vấn hiến, ghép tạng từ người cho chết não hoặc từ người ngừng tim cho người cần ghép tạng.

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây