Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Ý thức của người dân đóng vai trò quan trọng
Thứ hai - 20/05/2013 05:30
- Đã xem: 922
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh liên quan đến phổi và tim mạch; trong đó, hơn 80% bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá. Điều đáng nói, không chỉ những người trực tiếp hút thuốc mới mắc bệnh liên quan đến thuốc lá mà ngay cả những người thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động cũng không tránh khỏi nguy cơ mắc các bệnh này.
Mặc dù thuốc lá có hại cho sức khỏe, nhưng hiện nay, tỷ lệ người sử dụng thuốc lá vẫn chiếm khá cao. Tại các địa điểm công cộng, nhất là các bệnh viện, việc cấm hút thuốc lá được quy định khá nghiêm ngặt, nhưng tình trạng người dân hút thuốc lá vẫn diễn ra thường xuyên.
Qua quan sát thực tế cho thấy, tại hầu hết các khoa, phòng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ khu vực chờ đến khu vực khám, chữa bệnh, nhiều người dân vẫn… vô tư hút thuốc lá. Khi được hỏi, một số người cho rằng, việc hút thuốc lá đã trở thành thói quen khó từ bỏ.
Anh Đinh Văn Hòa ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đưa vợ đi sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói: “Tôi vẫn biết việc hút thuốc lá rất có hại cho sức khỏe của bản thân và những người xung quanh, nhất là ở những nơi công cộng như bệnh viện. Tuy nhiên, nhiều lúc căng thẳng, hồi hộp, bản thân vẫn không thể bỏ được thói quen hút thuốc”.
Chị Dư Thị Ngọc, cán bộ khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Mặc dù các khoa, phòng của bệnh viện đều có treo biển báo cấm hút thuốc lá, nhưng nhiều người dân khi đưa người nhà đến khám, chữa bệnh vẫn không chú ý đến những quy định, biển báo, ngang nhiên hút thuốc lá. Khi phát hiện, cán bộ của khoa cũng đã nhắc nhở và tuyên truyền cho họ về tác hại của khói thuốc đối với bản thân và những người xung quanh”.
Không chỉ tại các bệnh viện mà tại nhiều địa điểm công cộng khác như bến xe, quán ăn, quán cà phê… tình trạng người dân hút thuốc lá vẫn diễn ra phổ biến. Anh Nguyễn Văn Quang, một lái xe tại bến xe Gia Nghĩa nói: “Trước những tác hại của thuốc lá, tôi cũng đã cố gắng từ bỏ nhiều lần. Tuy nhiên, do yêu cầu của công việc nhiều khi chạy xe ban đêm nên tôi vẫn phải tìm đến thuốc lá để đỡ căng thẳng và buồn ngủ”.
Có thể nói, mặc dù việc hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, nhưng hiện nay, nhiều người vẫn còn xem nhẹ, coi thường hiểm họa từ thuốc lá. Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến về tác hại của thuốc lá đã được các cơ quan chức năng quan tâm chú trọng. Tại các khu vực công cộng, việc tuyên truyền được thực hiện thông qua các pa nô, áp phích, hình ảnh trực quan… về những tác hại của thuốc lá.
Nhiều cơ quan, đơn vị cũng treo biển cấm hút thuốc cũng như phổ biến nội quy không hút thuốc lá trong các cuộc họp và đưa vào tiêu chí xếp loại thi đua hàng năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực thi môi trường không khói thuốc vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn.
Theo Sở Y tế, để công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực, các cấp, ngành địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc triển khai các hoạt động, giải pháp. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến cho mọi tầng lớp nhân dân về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của bản thân và cộng đồng phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài.
Đặc biệt, với chủ đề của Ngày thế giới không hút thuốc lá năm 2013 là “Cảnh báo sức khỏe từ tác hại của thuốc lá” thì việc sử dụng những hình ảnh trực quan cảnh báo sẽ góp phần giúp cho những người “nghiện” thuốc lá có thể nhận thức thấy ngay những tác hại đặc biệt nghiêm trọng của khói thuốc và thuyết phục họ từ bỏ thói quen hút thuốc.
Ngoài ra, việc Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1/5/2013 cũng là cơ sở pháp lý, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong thời gian tới. Tuy nhiên, để các quy định của luật đi vào cuộc sống, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi cá nhân trong việc từ bỏ thuốc lá, góp phần xây dựng một môi trường sạch, không khói thuốc.
Vũ Trang
Nguồn tin: Đăk Nông Online