Nằm ở cửa ngõ Nam Tây Nguyên, có Quốc lộ 14 chạy qua nối liền Tây Nguyên với các trung tâm kinh tế lớn vùng miền Đông Nam bộ và Thành phố Hồ Chí Minh; Quốc lộ 28 nối Đắk Nông với tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh duyên hải miền Trung; tỉnh có 02 cửa khẩu quốc gia là Bu Prăng, Đắk Peur được Nhà nước quan tâm đầu tư, đã góp phần thuận lợi thúc đẩy giao thương hàng hóa với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia). Là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế lớn như khí hậu ôn hòa; mạng lưới thủy văn, hồ, đập phân bố tương đối đều khắp; với cơ cấu thổ nhưỡng khá phong phú, đa dạng; có nhiều tài nguyên khoáng sản quý hiếm, nhất là trữ lượng bô xít khoảng 5,4 tỷ tấn.
Đắk Nông được biết tới là mảnh đất có truyền thống lịch sử hào hùng, là ngọn cờ đầu trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp đô hộ của đồng bào các dân tộc ở cao nguyên M’nông dưới sự lãnh đạo của các vị tù trưởng, tộc trưởng Ama Jhao, N’Trang Gưh, N’Trang Lơng. Dưới sự lãnh đạo của đảng, được đánh dấu bằng sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập trong nhà Ngục Đắk Mil (năm 1943). Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng bào các dân tộc M’nông, Mạ,… đã sớm giác ngộ và đi theo cách mạng, từ đây Đắk Nông trở thành căn cứ địa vững chắc, là hậu cứ quan trọng, là địa bàn trọng yếu của hành lang chiến lược Bắc – Nam, từ Nam Tây nguyên vào Đông Nam bộ. Đắk Nông cũng là nơi nổ phát súng đầu tiên cùng với các huyện của tỉnh Đắk Lắk và Buôn Ma Thuột mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên lịch sử, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nói đến Đắk Nông không thể không đề cập tới nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc riêng của nhiều dân tộc, cư dân bản địa, là chủ nhân của nhiều hiện vật văn hóa độc đáo, tiêu biểu là đàn đá Đắk Kar có niên đại hàng ngàn năm tuổi, là hệ thống các nghi lễ, lễ hội đặc sắc, là kho tàng truyện cổ, dân ca, dân vũ, có kho tàng sử thi Ot N’drông với tầm vóc và số lượng đồ sộ với hàng vạn câu văn vần.
Dưới ánh sáng nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2005 -2010, cùng với tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đúng đắn, của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ và sự hỗ trợ của các tỉnh bạn, Đắk Nông đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa trên các lĩnh vực, trong đó nền kinh tế của tỉnh đã phát triển nhanh, chuyển dịch theo hướng tích cực tạo ra bước đột phá và làm cơ sở cho sự phát triển trong nhiều năm tiếp theo.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ (2010 - 2015) đã xác định phương hướng, mục tiêu tổng quát đó là: “ Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; giữ vững ổn định chính trị xã hội. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng thiết yếu về kinh tế - xã hội và đô thị hạt nhân, thu hút đầu tư; tạo bước phát triển đột phá về kinh tế trong công nghiệp khai khoáng và năng lượng, công nghiệp chế biến và nông nghiệp kỹ thuật cao, dịch vụ và du lịch; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá phong phú, đa dạng của các dân tộc. Phấn đấu đến năm 2015 thoát ra khỏi tỉnh nghèo và năm 2020 đưa kinh tế Đăk Nông đạt mức bình quân chung của cả nước; tạo tiền đề cơ bản để phát triển toàn diện và bền vững theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá”
Tỉnh Đắk Nông xác định “hai tập trung” và “ba đột phá” là phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2011 – 2015, trong đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng thiết yếu về kinh tế - xã hội và đô thị hạt nhân, thu hút đầu tư; tạo bước phát triển đột phá về kinh tế trong công nghiệp khai khoáng và năng lượng, công nghiệp chế biến và nông nghiệp kỹ thuật cao, dịch vụ và du lịch. Nhằm biến “hai tập trung” và “ba đột phá” trở thành đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, Đảng bộ tỉnh đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề: về quản lý, khai thác khoáng sản, về phát triển nguồn nhân lực, về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng hạ tầng thiết yếu về kinh tế - xã hội, đô thị hạt nhân. Sau thời gian 3 năm triển khai, đến nay các Nghị quyết chuyên đề trên đang đi vào thực tiễn, đã khẳng định đây là hướng đi đúng đắn trong việc phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh và từng bước đem lại những chuyển biến rõ nét, tăng trưởng kinh tế đạt trung bình 12,45% /năm; thu ngân sách nhà nước liên tục tăng, dự kiến trong năm 2013 ước đạt 1.560 tỷ đồng (tăng gấp 5,3 lần so với 2003); quy mô, chất lượng của nền kinh tế được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2012 đạt 27,23 triệu đồng, gấp 1,96 lần năm 2009; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu đầu tư tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Phát triển công nghiệp, được xác định là một trong những khâu đột phá của tỉnh, có nhiều tín hiệu tích cực. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được khoảng 111 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 7.830 tỷ đồng. Tỉnh đã hình thành được 02 khu công nghiệp Tâm Thắng và Nhân Cơ, trong đó khu công nghiệp Tâm Thắng có tỷ lệ lấp đầy dự án đến trên 70% và khu công nghiệp Nhân Cơ đang đầu tư xây dựng; các cụm công nghiệp Đắk Song, Thuận An, Nhân Cơ, Đắk Ha đang ngày càng thu hút sự quan tâm, xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp.
Về tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là bô xít, được Tỉnh ủy xác định là một tiềm năng lợi thế to lớn để phát triển ngành công khiệp khai khoáng, tạo bước đột phá thúc đẩy toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Thực hiện chủ trương khai thác, chế biến bô xít của Trung ương, với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ, sự điều hành, phối hợp của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, hiện nay tỉnh Đắk Nông cùng với Tập đoàn Công nghiệp Than khóang sản Việt Nam đang tích cực triển khai xây dựng Nhà máy Alumin Nhân Cơ có công suất 650.000 tấn alumin tinh chế/năm, với tổng vốn đầu tư 512 triệu USD, dự kiến đưa nhà máy đi vào hoạt động trong quý IV/2014. Trong năm 2013, tỉnh đã thu hút thêm 01 Dự án xây dựng nhà máy điện phân Nhôm tại Cụm công nghiệp Nhân Cơ có công suất dự kiến 300.000 tấn sản phẩm/năm, các dự án trên khi đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Nông nói riêng và của khu vực Tây Nguyên nói chung.
Trên lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản liên tục tăng trưởng và giữ vai trò nền tảng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã có bước chuyển biến tích cực theo hướng chú trọng sản xuất hàng hóa và có giá trị kinh tế cao. Thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 7/4/2011 về phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2010 – 2015, định hướng 2020, trên cơ sở những thế mạnh về thổ nhưỡng, khí hậu, tỉnh đang tập trung đầu tư phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao với các mô hình phù hợp với từng vùng ở các địa phương, từng bước hình thành vùng chuyên canh, gắn với công nghiệp chế biến, bước đầu tạo dựng một số thương hiệu đặc trưng, có giá trị xuất khẩu cao.
Trên lĩnh vực phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh xã hội thu được những kết quả nổi bật, có ý nghĩa to lớn. Đến nay, có 91% hộ gia đình đã dùng điện lưới, 100% số xã được phủ sóng truyền hình. Giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ, 100% huyện, thị xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục Trung học cơ sở. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố và kiện toàn với 5,4 bác sỹ trên 1 vạn dân; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng chống dịch bệnh được tăng cường. Đời sống nhân dân và bộ mặt nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (năm 2004 là 50%, giảm còn 23,25% năm 2012); các hoạt động văn hóa, thông tin, phát thanh, truyền hình, thể dục, thể thao được quan tâm đầu tư. Các chính sách an sinh xã hội được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Công tác bảo trợ xã hội, chăm sóc người có công, người nghèo, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là chính sách hỗ trợ học sinh nghèo, con em đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm thực hiện tốt. Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc được chú trọng, một số di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư sưu tầm, phục dựng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được phát triển sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực.
Quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường, chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các loại tội phạm, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; kịp thời đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, các vấn đề mâu thuẫn nảy sinh trong xã hội, để thực hiện âm mưu chiến lược “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn, lật đổ; không để xảy ra biểu tình, bạo loạn, vượt biên, xâm nhập trái phép. Hoạt động đối ngoại được mở rộng trên nhiều lĩnh vực; quan hệ đối ngoại giữa tỉnh Đắk Nông và tỉnh Mondulkiril - Vương quốc Campuchia được củng cố. Hoạt động hợp tác kinh tế, văn hoá - xã hội với các doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ và chính phủ của các nước từng bước phát triển; nhiều dự án đầu tư đã mang lại hiệu quả và có tác dụng xã hội thiết thực.
Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh không ngừng được nâng cao; hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước được chú trọng tăng cường. Đảng bộ tỉnh Đắk Nông thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức; vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng các cấp không ngừng được củng cố; mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và nhân dân ngày càng trở thành máu thịt. Từ 7.000 đảng viên, 322 tổ chức cơ sở đảng ngày đầu thành lập, đến nay Đảng bộ tỉnh có 383 tổ chức cơ sở đảng, 1.702 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở; tổng số đảng viên toàn tỉnh là trên 18.000 đồng chí; 100% thôn, buôn, bon có chi bộ; tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh chiếm tỷ lệ 65 – 70% năm, với 78 – 80% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các chủ trương, nghị quyết và chỉ thị của Đảng được Đảng bộ triển khai kịp thời, nghiêm túc và đã mang lại những kết quả quan trọng, đặc biệt là triển khai thực hiện Chị thị số 03 - CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"
Với chặng đường 10 xây dựng và phát triển, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã đạt được nhiều kết quả to lớn, tuy nhiên Đảng bộ cũng thẳng thắn nhìn nhận còn những tồn tại cần khắc phục như: sự phát triển của Đắk Nông trong thời gian qua là chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; phát triển nhanh nhưng chưa bền vững; đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; một số mặt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa còn hạn chế, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị chưa đáp ứng yêu cầu và chưa ngang tầm với nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông phải tập trung khắc phục.
Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, để tiếp tục có những bước đi đúng đắn, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông cấn phải tiếp tục quán triệt sâu sắc 02 quan điểm cơ bản (1) xem yếu tố nội lực là quyết định, yếu tố ngoại lực là quan trọng, phát triển bền vững là mục tiêu phấn đấu để xây dựng lộ trình, bước đi thích hợp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm của tỉnh. (2) xử lý hài hoà giữa yêu cầu các lợi ích kinh tế với yêu cầu của quốc phòng - an ninh, văn hoá - xã hội, bảo vệ môi trường cho cả trước mắt và lâu dài. Không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà xem nhẹ các lợi ích cơ bản lâu dài; kết hợp lồng ghép các chương trình, mục tiêu; chú trọng phát triển bền vững. Thời gian tới, Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:
Một là, Tập trung làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay gắn với việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị; góp phần đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; từng bước đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống quan liêu, lãng phí, tham nhũng, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ chủ chốt các cấp, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, tạo sự đồng thuận xã hội.
Hai là, Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế; tập trung vào các ngành mũi nhọn là tiềm năng lợi thế của tỉnh theo định hướng phát triển của “hai tập trung” và “ba đột phá” đã đề ra nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.
Ba là, Chăm lo đầu tư phát triển sự nghiệp văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đẩy mạnh việc xây dựng nông thôn mới, phấn đấu tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đến năm 2015 đạt 20%, đến năm 2020 đạt 50% góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiêp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Bốn là, không ngừng tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân của tỉnh cách mạng, chính quy, từng bước theo hướng hiện đại, đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng nhằm tập trung sức mạnh tổng hợp đánh bại chiến lược “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc bảo vệ vững chắc những thành quả cách mạng qua các thời kỳ và bảo vệ chế độ XHCN.
Năm là, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại, thông qua các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân với các hình thức phong phú, thiết thực nhằm không ngừng giới thiệu đến bè bạn trong và ngoài nước về hình ảnh con người và mảnh đất Đắk Nông giàu đẹp, quảng bá những tiềm năng, lợi thế hợp tác, thu hút đầu tư. Đặc biệt, chú trọng thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai tỉnh Đắk Nông - Mondulkiri (Campuchia), góp phần thúc đẩy xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển.
Bước vào năm 2014 là năm bản lề, quyết định việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ X, nhiệm kỳ (2010 – 2015) đã đề ra, Đảng bộ, quân và dân Đắk Nông tiếp tục phát huy truyền thống bất khuất, quật cường của quê hương N’Trang Lơng anh hùng, đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn thách thức, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của giai đoạn 2010 – 2015, phấn đấu đến năm 2015 thoát ra khỏi tỉnh nghèo và năm 2020 đưa kinh tế Đăk Nông đạt mức bình quân chung của cả nước, tạo tiền đề cơ bản để phát triển toàn diện, bền vững theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá./
Nguyễn Văn Thử
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy
Nguồn tin: Trang TTĐT kỷ niệm 10 năm thành lập tỉnh Đăk Nông
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...