Người dân còn chủ quan đối phó
Đơn cử như ở xã Đắk R’tíh (Tuy Đức), qua quan sát, đa phần người dân khi tham gia giao thông đều vi phạm như: chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm mang vác cồng kềnh…
Một số người dân xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) chưa chấp hành việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy |
Tương tự, tại xã Đắk R’măng (Đắk Glong) tình trạng người dân không chấp hành luật GTĐB cũng diễn ra khá nhiều, tập trung chủ yếu ở các lỗi vi phạm như: không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định… Một số người dân mặc dù vẫn mang theo mũ bảo hiểm hẳn hoi, nhưng chỉ treo trên xe, chứ không hề sử dụng khi tham gia giao thông.
Khi được hỏi, nhiều người dân cho rằng, vì chỉ di chuyển trên những quãng đường ngắn nên việc đội mũ bảo hiểm chỉ thêm vướng víu, nặng đầu. Hơn nữa, khi đi làm rẫy, để tiết kiệm nhiên liệu, đỡ mất công trông coi xe, nên họ thường xuyên chở trên xe 3-4 người cho thuận tiện.
Việc họ mang mũ bảo hiểm đi cùng chỉ là nhằm đề phòng lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát đột xuất, chứ ít khi sử dụng. Thực tế, ngay cả khi lực lượng chức năng có mặt thì việc xử lý các lỗi vi phạm cũng không phải là điều dễ dàng. Thông qua điện thoại hoặc các cách liên lạc khác, những người vi phạm thường thông báo cho nhau tìm cách đối phó, né tránh, qua mặt. Thế rồi, sau khi lực lượng chức năng đi khỏi địa bàn thì mọi chuyện đâu lại vào đó, việc vi phạm luật GTĐB tiếp tục diễn ra.
Tìm hiểu thực tế trên các tuyến đường liên thôn, liên xã ở các xã: Đắk Ngo (Tuy Đức), Quảng Hòa, Đắk P’lao (Đắk Glong), Nam Nung, Buôn Choáh (Krông Nô)…cho thấy, tình trạng người dân khi tham gia giao thông bằng xe máy còn chủ quan, đối phó, vi phạm luật GTĐB cũng rất phổ biến.
Hiệu quả tuyên truyền chưa cao
Qua tìm hiểu được biết, hàng năm, cùng với việc tổ chức riêng những buổi tuyên truyền luật GTĐB cho người dân vùng sâu, vùng xa thì thông qua các buổi sinh hoạt đoàn thể, thôn, bon…thì công tác này cũng đã được các ngành chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên lồng ghép thực hiện.
Tuy nhiên, với thực tế tình trạng người dân không chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông vẫn còn diễn ra phổ biến cho thấy hoạt động tuyên truyền chưa đạt được những kết quả như mong muốn. Theo lãnh đạo một số địa phương thì tại các buổi tuyên truyền luật GTĐB mới chỉ tập hợp, thu hút được một số lượng nhỏ người dân, chủ yếu là các già làng, người lớn tuổi.
Với việc chỉ có rất ít đối tượng tham gia học tập, tiếp thu các kiến thức của luật GTĐB đã kéo theo hệ quả là người dân vi phạm diễn ra phổ biến như hiện nay là điều khó tránh khỏi. Mặt khác, từ khi lực lượng công an xã không còn được phép dừng xe, kiểm tra người điều khiển phương tiện xe máy, nên đã giảm hẳn tính răn đe đối với người dân.
Có thể nói, trước thực trạng trên, việc các cấp chính quyền, ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền luật GTĐB, bằng cách thu hút thật nhiều thành phần người dân tham gia là điều hết sức cần thiết.
Công tác tuyên truyền cũng cần được đổi mới hình thức, hướng đến sự hiệu quả, làm thay đổi ý thức, xóa bỏ tư tưởng chủ quan, đối phó, giúp người dân nhận thức được việc chấp hành luật GTĐB là để đảm bảo an toàn cho bản thân, vì hạnh phúc của cả gia đình và xã hội.
Bài, ảnh: Phan Tuấn