Doanh nghiệp là động lực phát triển

Thứ ba - 20/03/2018 17:46 - Đã xem: 1049
Trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, UBND tỉnh đã nhấn mạnh quan điểm: Doanh nghiệp là động lực phát triển của tỉnh Đắk Nông. Việc xác định quan điểm này cho thấy, tỉnh đánh giá rất cao vị trí, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.

Rõ ràng, hiệu quả, sự thành công hay thất bại trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp mà còn có sự tác động rất lớn đối với tình hình chung của tỉnh. Thực tế, trong bối cảnh của một tỉnh còn nhiều khó khăn, việc huy động toàn bộ lực lượng xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân để khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội luôn là một vấn đề được tỉnh hết sức quan tâm, chú trọng.

Với tinh thần đó, tỉnh đã khẳng định mục tiêu là tập trung xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và trở thành động lực phát triển của tỉnh. Trong đó, nội dung trọng tâm là đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư; khuyến khích các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Sản xuất cơ khí tại Cơ sở cơ khí Võ Hùng, thị trấn Ea T'ling (Chư Jút). Ảnh: Lê Dung

Đáng chú ý, tỉnh cũng nhấn mạnh nguyên tắc, quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp được bảo vệ theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Doanh nghiệp là đối tượng mà cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh phải phục vụ, tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh và phát triển. Môi trường kinh doanh được bảo đảm sự ổn định, nhất quán, theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện. Tất cả các doanh nghiệp đều được bảo đảm quyền bình đẳng, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực về vốn, tài nguyên, đất đai và đầu tư kinh doanh. Cơ quan chức năng không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự và phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, cái quan trọng nhất chính là thực lực, khả năng phát triển và văn hóa, đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp như thế nào. Một trong những nguyên tắc được tỉnh nhấn mạnh đó là, doanh nghiệp phải nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh. Doanh nghiệp, doanh nhân phải biết xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh và có trách nhiệm xã hội, cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội ở đây không chỉ dừng lại ở việc thành công trong sản xuất, kinh doanh, làm công tác xã hội từ thiện mà đòi hỏi các doanh nghiệp phải biết cách ứng xử với môi trường, với người lao động và tuân thủ pháp luật…

Công ty TNHH Trang trại xanh Thu Thủy, xã Nâm N'Jang (Đắk Song) thực hiện hiệu quả dự án trồng rau sạch an toàn hữu cơ ordanic trong nhà kính theo tiêu chuẩn của châu Âu. Ảnh: Hồ Mai

Với quan điểm doanh nghiệp là động lực phát triển của tỉnh, tỉnh trân trọng, sẵn sàng hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những nhà đầu tư, doanh nghiệp thực sự có ý tưởng làm ăn chân chính, có trách nhiệm với xã hội, góp sức xây dựng Đắk Nông phát triển. Thế nhưng, đối với những doanh nghiệp có ý đồ xấu, làm ăn bất minh, vô trách nhiệm với xã hội, làm vẩn đục môi trường đầu tư, tỉnh cũng sẽ kiên quyết loại trừ.

Tường Mạnh

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây