Kinh tế Tây Nguyên có bước phát triển ấn tượng

Thứ bảy - 14/04/2018 06:58 - Đã xem: 1039
Vừa qua, tại Gia Lai, Cụm thi đua Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị tổng kết giao ước thi đua năm 2017 và ký kết giao ước thi đua năm 2018. Qua đánh giá, kinh tế khu vực đã có mức tăng trưởng ấn tượng. Đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao.

Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk R'lấp) sản xuất đạt 501.000 tấn trong năm 2017 đã đóng góp lớn vào phát triển kinh tế khu vực Tây Nguyên. Ảnh tư liệu

Trong năm 2017, kinh tế các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục giữ được sự ổn định và phát triển. Các chỉ số kinh tế cơ bản của các tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Giá trị tổng sản phẩm (GRDP) theo giá cố định năm 2010 toàn vùng đạt hơn 163.183 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,09%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 88.393 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước toàn vùng đạt hơn 20.081 tỷ đồng, vượt hơn 9,1% kế hoạch.

Sản xuất công nghiệp-xây dựng, thương mại và dịch vụ được duy trì và phát triển. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện quyết liệt và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong năm 2017, toàn vùng có thêm 51 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã trong khu vực Tây Nguyên lên 179 xã và 1 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Các mục tiêu về văn hóa, xã hội, y tế đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, tăng cường. Kinh tế phát triển đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người toàn vùng đạt 41,6 triệu đồng.

Trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, nông nghiệp được đánh giá đã tạo bước đột phá lớn. Đặc biệt là các tỉnh trong vùng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC) tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế. Lâm Đồng tiếp tục là địa phương đi đầu trong ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp.

Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 50.000 ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, thu hút 1.400 doanh nghiệp tham gia, đạt thu nhập bình quân năm 300 triệu đồng/ha. Nhiều diện tích nhờ đầu tư, sản xuất hiệu quả đã có thu nhập đạt từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/ha. Cá biệt có nơi, doanh thu đạt tới từ 8 đến 24 tỷ đồng/ha.

Đối với tỉnh Đắk Nông, trong năm 2017, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ tích cực  ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp nên thu nhập trên một đơn vị sản xuất cũng đạt tương đối khá. Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 230.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Thu nhập bình quân đã đạt hơn 75 triệu đồng/ha. Sản xuất nông nghiệp ổn định kết hợp với sản xuất công nghiệp có đóng góp tích cực từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy Alumin Nhân Cơ góp phần quan trọng để năm 2017, Đắk Nông đạt mức tăng trưởng kinh tế 9,47%, cao nhất vùng Tây Nguyên.

Trên lĩnh vực du lịch và dịch vụ, với sự liên kết vùng được thúc đẩy hơn nên năm 2017, tổng doanh thu từ du lịch và dịch vụ đạt 61.758 tỷ đồng, chiếm 37% GRDP toàn vùng. Năm 2017, toàn vùng có 32.656 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 21,62%, với tổng vốn đăng ký 20.370 tỷ đồng, tăng 17,98%. Hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước đến vùng Tây Nguyên cũng được các tỉnh chú trọng thực hiện. Toàn vùng đã thu hút được 235 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 103.357 tỷ đồng, tăng gần 203% và 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn gần 110 triệu USD.

Hoạt động liên kết sản xuất cà phê theo hướng nông nghiệp công nghệ cao giữa doanh nghiệp và nông dân ngày càng được đẩy mạnh. Ảnh: Lê Phước

Trong năm 2018, các tỉnh thuộc Cụm thi đua Tây Nguyên quyết tâm thực hiện đạt và vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của mỗi tỉnh nhằm xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước; có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc.

Các tỉnh Tây Nguyên xác định sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020. Toàn vùng chú trọng đánh giá thực trạng sở hữu đất đai; điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, kết hợp tổ chức, sắp xếp lại nông lâm trường theo hướng tinh gọn, hiệu quả; triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bình Minh

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây