Hướng đến Lễ hội "Đắk Nông - Mùa Bơ chín": Bơ Đắk Nông cần liên kết, nâng tầm giá trị

Thứ tư - 13/06/2018 06:09 - Đã xem: 1000
Với khả năng xuất khẩu cao, cây bơ được xem là loại cây trồng chiến lược ở Đắk Nông. Hiện nay, nhiều hộ trồng bơ đã chủ động xây dựng mô hình sản xuất bơ theo hướng bền vững để tìm được đầu ra ổn định, lâu dài.

Với hơn 300 cây bơ Cu Ba, ông Lê Văn Hưng ở thôn Tân Phú, xã Đắk R’Moan (Gia Nghĩa) mỗi năm thu trên 1 tỷ đồng

Làm ăn "chụp giật" sẽ giảm giá trị sản phẩm   

Thời điểm này, một số nhà vườn ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) trồng bơ sáp da xanh, bơ 034, bơ booth 7… đang cho ra quả trái vụ. Trên các cụm đồi trồng cà phê, bơ được trồng xen đang lủng lẳng quả. Trên đường làng, đường vào rẫy, bơ được thương lái chuyên chở trên những chiếc xe gắn máy, xe công nông vào ra tấp nập.

Gia đình ông Trần Văn Liệu trồng xen hơn 50 cây bơ trong vườn cà phê. Vụ thu năm nay, bơ trúng mùa, giá lại tăng cao, giúp gia đình ông thu về hàng chục triệu đồng.

Ông Liệu cho biết: “Hiện nay, giá bơ đạt gần 80.000 đồng/kg loại 1, nhưng tôi chủ yếu bán cả vườn không kể già hay non và thương lái mua với giá 30 – 35.000 đồng/kg”.

Dạo một vòng quanh các thôn có trồng bơ, chúng tôi nhận thấy, tình trạng thương lái mua bơ non đang diễn ra khá phổ biến. Thương lái hay mua bơ non vì sẽ lâu chín hơn, việc vận chuyển đường dài sẽ ít bị hư hỏng. Người trồng cũng muốn bán bơ non vì nguyên nhân sâu xa là, nếu lưu bơ trên cây 1 – 2 tháng, chờ đúng tuổi bán, vườn cây sẽ xuống sức, gió rụng, nấm bệnh phát sinh, hao tốn thuốc men, chăm sóc… Vì vậy, nhiều người bán bơ non vào thời điểm này để có tiền “bỏ túi” trước đã chứ ít suy nghĩ đến chất lượng.

Ông Trần Văn Tựu, một hộ trồng bơ ở xã Đắk Ha (Đắk Glong) cho biết: “Nói thật, bà con mình chưa ý thức được giá trị sản phẩm do mình làm ra, làm ăn quá dễ dãi. Trong khi thương lái thì mua bán “chụp giật”, bơ mới vừa lớn lên, trái vừa to, da vừa bóng là hái sạch”. Theo ông Tựu, muốn cho quả bơ thơm ngon, bảo đảm chất lượng thì phải để đủ tháng, bơ đủ già.

Ông Lê Văn Hưng, Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Bơ M’nông ở thôn Tân Phú, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) cho biết, hiện nay đang là mùa bơ trái vụ, đến tháng 6 – 7 âm lịch, thời điểm nhiều bơ nhất thì việc thu hái, mua bán, bảo quản sẽ có nhiều vấn đề rất đáng lưu tâm. Nếu thu hoạch bơ non, bảo quản kém, vận chuyển không bảo đảm sẽ làm quả bơ giảm chất lượng, hư hỏng khiến người tiêu dùng ở các tỉnh, thành phố trong cả nước nhìn nhận sai lệch về quả bơ Đắk Nông.

Nông dân xã Đắk R’Moan tham khảo kinh nghiệm từ vườn bơ của ông Lê Văn Hưng

Hướng đến mục tiêu liên kết, nâng tầm giá trị quả bơ Đắk Nông

Trong những năm qua, tại nhiều cuộc hội thảo, hội chợ nông sản toàn quốc về sản phẩm nông nghiệp ở các tỉnh, thành khác nhau, khi quả bơ của tỉnh được đưa đến trưng bày đều được khách tham quan thưởng thức và đánh giá cao không thua kém gì bơ của nhiều nơi trên thế giới.

Trong số những sản phẩm bơ đưa đi trưng bày ở các cuộc hội thảo, hội chợ có bơ của Công ty TNHH MTV TMDV Bơ M’nông, thôn Tân Phú, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa). Công ty này hiện trồng trên 300 cây bơ Cuba theo hướng VietGAP, mỗi năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng. Theo ông Hưng, Giám đốc Công ty, hiện tại nhu cầu bơ sạch trên thị trường rất cao. Mặc dù năm nay sản lượng bơ của tỉnh tăng cao hơn mọi năm nhưng để tìm được nguồn bơ bảo đảm chất lượng, đủ cung cấp cho đối tác vẫn rất khó khăn.

Vườn bơ của gia đình anh Trương Đức Thành ở khối 12, thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) cho trái to bảo đảm chất lượng. Ảnh: Đức Hùng

Ông Hưng cho biết: “Vừa rồi, Công ty nhận được đơn đặt hàng của đối tác Hàn Quốc, với số lượng trên 1.000 tấn. Do không có hàng, đối tác đề nghị giảm xuống còn 100 tấn, nhưng đi khắp các huyện vẫn chưa tìm ra nguồn hàng bảo đảm chất lượng. Tôi cũng gửi một số mẫu đi kiểm tra nhưng đều không đạt yêu cầu”.

Ông Hưng cho rằng, muốn có được sản phẩm đạt chất lượng, bên cạnh các cơ chế, chính sách của Nhà nước, nông dân cần tổ chức lại sản xuất. Theo đó, ngoài quy trình kỹ thuật, khâu giống cần được quan tâm nhiều nhất. Hiện nay, nhiều nhà vườn đang “lao đao” do sử dụng giống trôi nổi, không bảo đảm. Nhiều trường hợp, vì giống mà cây không phát triển, phải chặt bỏ. Ngay ở công ty của ông Hưng cũng phải chặt bỏ hàng trăm cây bơ booth trồng được 3 – 5 năm, vì không ra quả.

Trước thực tế sản xuất và nhu cầu tiêu thụ của thị trường, ông Hưng đã xúc tiến, xây dựng mô hình liên kết sản xuất bơ sạch. Những hộ đang làm bơ theo hướng GAP thì tập hợp lại, những hộ khác muốn liên kết, ông sẵn sàng đón nhận. Qua đó, ông và mọi người sẽ bắt tay xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm nâng tầm sản phẩm bơ Đắk Nông. Hiện tại, ông Hưng đã liên kết được trên 300 hộ trồng bơ, với diện tích hơn 500 ha ở trên địa bàn tỉnh. Ông Hưng tin tưởng rằng, khi mà người nông dân thấy được lợi ích, điều kiện thực hành trong tầm tay thì họ sẽ ủng hộ và thực hiện làm theo.

Văn Tâm

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây