Người dân "làng Mông" vui hội đầu năm |
Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, chúng tôi đã có hơn một lần luồn lách bằng lối mòn chỉ đủ cho 2 người đi bộ tránh nhau vào đến làng Mông này. Bấy giờ, làng mới thành lập cuộc sống "không điện, không đường" vô cùng vất vả. Làng chỉ có vài cái nhà là vách ván, mái tôn còn hầu hết là "chòi" mái lợp tranh, vách được ghép bằng những tấm phên tre tạm bợ, cuộc sống chủ yếu nhờ vào số lương thực nhà nước trợ cấp hàng tháng để khai phá đồi hoang lấy đất sản xuất.
Thế nhưng hôm nay vào thăm lại, đứng ngay từ Dốc Cao (thuộc thôn 7) đã nhìn thấy cả làng san sát nhà mái tôn trắng, tôn màu sặc sỡ lẫn trong màu mái ngói đỏ tươi. Tới nơi mới biết làng Mông đã "đổi đời", hầu hết mọi nhà đều quay mặt ra con lộ chính rộng rãi, sạch sẽ, phía dưới là cánh đồng chuyên trồng lúa nước có diện tích hơn 20 ha giáp với bờ hồ Đắk D’rông.
Ông Nguyễn Văn Lợi, hiện là Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Chư K'nia, được tăng cường vào làm Bí thư Chi bộ thôn 10, người cùng đi với chúng tôi kể: Từ ngày vào lập nghiệp ở đây, 100% số hộ người Mông chỉ biết làm nông nghiệp chứ không có ai biết buôn, biết bán gì cả, vì lẽ đó mà ruộng, rẫy là nguồn sống chính của cả làng. Hiện thôn 10 có tới 98 ha đất sản xuất, trong đó hơn 20 ha ruộng trồng được 2 vụ lúa nhờ có công trình thủy lợi dẫn nước từ hồ Đắk D’rông về. Hơn 70 ha đất rẫy bà con trồng luân canh các loại đậu xanh, đậu phộng, đậu nành, bắp, củ mì… Sản lượng nông sản trong thôn mỗi năm đều tăng, cụ thể năm 2016 lúa nước năng suất 5,5 tấn/ha/vụ, bắp 6 tấn/ha/vụ, đậu xanh, đậu nành đều đạt 1,5/ha/vụ…, tăng xấp xỉ 20% so với trước năm 2014.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Sùng A Khuôn, 60 tuổi, là một trong những người đầu tiên đặt chân đến khai khẩn làng này bộc bạch: “Buổi đầu khó làm ăn lắm vì không quen đất, quen thời tiết, mùa vụ…, nên trồng bắp không cho trái to, lúa cũng thu được ít lắm. Nhưng nhờ nhà nước hỗ trợ lương thực và cán bộ địa phương tận tình hướng dẫn cách làm ăn mà chỉ vài năm sau nhà nào cũng làm được trái bắp to, bông lúa dài là hết đói, hết khổ ngay thôi. Bây giờ thì mọi gia đình đều có đất sản xuất cả nên không sợ nghèo lại, đói lại nữa đâu”.
Trước kia ai đã từng đến “làng Mông’’ và hôm nay về thăm lại mới biết nơi đây nhanh chóng "thay da, đổi thịt". Điện lưới được kéo về làng từ năm 2008 chấm dứt cảnh đèn dầu tù mù. Đường từ trung tâm xã vào làng rộng hơn 8 mét được cấp phối phẳng lì, đoạn Dốc Cao dài gần 200 m được đổ bê tông để mùa mưa không bị trơn trượt.
Chỉ đi trong làng thì người ta mới dùng xe đạp, còn ra khỏi làng thì nhà nào cũng có xe máy để chạy. Làng có 4 máy cày và 2 máy gặt đập liên hoàn của tư nhân đủ đáp ứng nhu cầu cho bà con trong địa bàn sản xuất kịp thời vụ. Người Mông lâu rồi không phải giã gạo bằng tay hay bằng chân nữa, mà riêng thôn 10 đã có 2 nhà máy xay xát và nghiền thức ăn gia súc; nhờ vậy mà có đến 50% số hộ phát triển chăn nuôi heo…
Cho tới nay, thôn 10 có tới 90% số hộ gia đình có nước sạch kéo đến tận nhà, chỉ số rất ít những hộ ở cuối rẫy xa quá không mắc ống xuống được, nhưng cũng có giếng khoan hoặc giếng đào bảo đảm vệ sinh trong sinh hoạt.
Điều đặc biệt hơn là có tới 95% trẻ em người Mông trong độ tuổi cấp tiểu học và THCS đều được đến trường, nhiều em đang học cấp THPT. Phân hiệu trường mầm non chỉ cách làng chưa đầy 300 m đã tạo điều kiện cho các bậc cha mẹ có con nhỏ có điều kiện, thời gian lao động sản xuất tăng thu nhập gia đình. Vui hơn nữa là người Mông 5-6 năm nay nhờ biết kế hoạch hóa gia đình mà các cặp vợ chồng trẻ từ tuổi 35 trở xuống mỗi gia đình cũng chỉ có 1 đến 2 con mà thôi…
Bài, ảnh: Phạm Hoàng Ninh
Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...