Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, là dịp để các thế hệ học sinh, phụ huynh và toàn xã hội tri ân quý Thầy, Cô giáo – “những người anh hùng vô danh” đã giáo dục, đào tạo lớp lớp người trưởng thành, đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội, Thầy giáo Nguyễn Hùng của Trường THCS Cao Bá Quát xã Đăk Wil, là một gương điển hình của hàng ngàn “người đưa đò” thầm lặng trên địa bàn huyện Cư Jut
"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng
Gian khổ biết dành phần ai".
Câu hát nhẹ nhàng, du dương, giản dị mà triết lí sâu xa. Càng ngâm nga câu hát tôi càng nhớ đến một người đồng nghiệp. Thân quen, hòa đồng, trách nhiệm và có phần cương nghị bộc trực là những nét mà hễ ai đã gặp đều nhận ra điều đó ở người thầy giáo Nguyễn Hùng.
Sinh ra ở vùng quê nghèo Quảng Trị, nơi nỗi tiếng bởi gió Lào và cát trắng. Sau khi Tốt nghiệp Đại học, Thầy đã chọn xã biên giới Đăk Wil làm nơi lập nghiệp. Địa bàn với hơn 70% dân số là người đồng bào thiểu số, học sinh nghỉ học nhiều vì phải lao động kiếm sống, vì tập tục truyền thống, và vì những lí do khác nữa mà chúng tôi không hiểu, không giải thích nổi, học sinh học khá cũng nghỉ học, học sinh gia đình khá giả cũng nghỉ học.
Xã hội ngày càng phát triển, cám dỗ của vật chất, của những thú vui tiêu khiển đã lôi kéo các em sa ngã. Các em đã nói dối cha mẹ, nói dối thầy cô, để lao vào quán game, vào những trò chơi không lành mạnh. Còn cha mẹ các em thì bảo: “Chúng tôi bận đi làm đồng cả, trăm sự nhờ thầy nhờ cô”. Sự gửi gắm thật thà và có phần thoái thác ấy đã đỗ hết trách nhiệm lên vai Thầy Cô giáo.
Địa bàn xã rộng, điều kiện đi lại khó khăn, phải làm gì dể hạn chế học sinh nghỉ học. Thế là hành trình đi “thăm” gia đình học sinh đã được thầy cô trường Cao Bá Quát xúc tiến. Những thôn xa nhất, khó đến nhất như thôn 18, thôn Đồi Mây, thôn Ba Tầng…đều in đậm bước chân chân thầy giáo Nguyễn Hùng. Nhưng tiếc thay, khi Thầy đã đến nhà mà cửa im ỉm khóa. Thầy chợt nghĩ ra và rong ruổi xe đến những quán Internet, đến những tụ điểm vui chơi mong gặp được đứa học trò của mình để đưa em về lớp.
Dù bất kỳ việc gì, trong việc vận động học sinh ra lớp hay trong công tác chủ nhiệm của thầy Hùng luôn để lại dấu ấn tốt đẹp. Những lớp khó dạy nhất, dưới sự, dạy dỗ, dẫn dắt của Thầy đã trở thành lớp ngoan được tuyên dương, những học trò cá biệt nhất khi được thầy Hùng tâm sự động viên đã trở thành những học sinh nghe lời và chăm đến lớp. Tất cả những điều tưởng chừng như dễ dàng ấy đã được thầy Hùng lặng lẽ làm việc một cách tích cực, đầy trách nhiệm và chan chứa tình yêu thương.
Ngoài ra, thầy Hùng là người luôn đi đầu trong các phong trào của trường, khích lệ, động viên học sinh đồng nghiệp cùng chung tay. Ai đứng nhìn, thấy thầy Hùng làm cũng ngại, phải làm theo. Ai không ủng hộ, thấy thầy Hùng nhiệt tình chẳng thể ngồi im. Ở thầy Hùng, càng đáng quý hơn những điều đó cứ diễn ra âm thầm lặng lẽ. Để rồi kết quả cuối cùng là sự quý mến cảm phục và sự tin yêu của học sinh, của đồng nghiệp, của nhân dân. Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong trường mà Thầy còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, bao nhiêu lần đi hiến máu nhân đạo là bấy nhiêu lần thầy Hùng thể hiện tinh thần nhân đạo nhân văn cao cả, “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.
Trưởng khu tập thể, Ủy viên Ban chấp hành công đoàn kiêm phụ trách công tác phong trào, rồi Trưởng Ban thanh tra nhân dân… Những chức vụ, những công việc không chút thù lao nhưng dù ở đâu, ở bất cứ công việc nào thầy Hùng cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Để rồi niềm tin nối tiếp niềm tin, uy tín ngày càng nhân rộng, sự tin yêu của Ban giám hiệu, của đồng nghiệp, của học sinh ngày càng lan tỏa rộng khắp.
Cuộc sống của nhân dân xã Đăk Wil ngày càng phát triển, đã xuất hiện những nóc nhà tầng, những chiếc xe tay ga chạy lướt trên đường. Trong dòng đời hối hả tấp nập ấy, thầy và trò trường Cao Bá Quát đang cố gắng xây dựng để trở thành trường chuẩn quốc gia. Những việc thầy Nguyễn Hùng đã và đang làm, để lại ấn tượng đẹp trong lòng học sinh, trong lòng người dân biên giới Đăk Wil. Rồi mai đây, lớp lớp học sinh sẽ cất cánh bay xa.
Trong sáng sớm của mùa Đông, gió Đông Bắc se se lạnh, tôi giáp mặt người đồng nghiệp đáng mến trong hành lang lớp học, trong đầu tôi chợt vang lên câu hát:
“Chân lí thuộc về mọi người(3).
Không chịu sống đời nhỏ nhoi.
Xin hát về bạn bè tôi.
Những người sống vì mọi người.”
Cao Thị Hương