Vươn lên đạt danh hiệu thôn văn hóa

Thứ tư - 19/12/2018 03:13 - Đã xem: 1068
Với đặc thù có trên 90% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc đến lập nghiệp, thôn 5, xã Trúc Sơn (Cư Jút), đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, điều đáng ghi nhận, đồng bào luôn đoàn kết, gắn bó, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng nếp sống văn hóa, quê hương ngày càng khởi sắc.

Người dân thôn 5 luôn đoàn kết, gắn bó, bảo ban nhau làm ăn, xây dựng nếp sống văn hóa

Mời họp bằng... tin nhắn

“Sáng hôm nay, mời toàn thể bà con ra trạm y tế xã để khám mắt miễn phí”, chưa đầy 5 phút với vài thao tác soạn tin nhắn đơn giản rồi nhấn nút gửi, Trưởng thôn Triệu Luân Thuấn đã kịp thông báo, nhắc nhở 107 hộ dân trong thôn biết để đi khám mắt tại trạm y tế xã.

Mật độ dân cư thưa thớt, có những nhà cách nhau 1-2 km là bình thường, việc thông báo mời họp, thông tin các hoạt động trên địa bàn cho bà con biết, nắm kịp thời không phải là điều dễ dàng. Đường sá đi lại xa xôi, nhiều gia đình lại đi làm nương, làm rẫy không có ai ở nhà, việc gửi giấy mời họp, thông tin các hoạt động cho người dân một cách kịp thời là một bài toán nan giải đối với ông Thuấn cũng như Ban tự quản thôn.

Trăn trở suy nghĩ, cuối cùng, ông Thuấn đã tìm ra cách gửi thông báo qua tin nhắn điện thoại đến bà con trong thôn. Sử dụng phần mềm gửi tin nhắn hàng loạt, ông Thuấn chỉ việc soạn một tin nhắn có nội dung cần thông báo rồi gửi thì ngay lập tức các hộ trong thôn đều nhận được qua số điện thoại đã đăng ký trước đó.
Ngày chưa áp dụng cách nhắn tin tự động, Trưởng thôn Thuấn cùng các thành viên trong Ban tự quản thôn phải mất 3 ngày mới đi hết được các nhà trong thôn để thông báo thì bây giờ chỉ trong vài phút, các thông tin cần thiết đã đến được với bà con.

Lúc đầu áp dụng cách nhận tin nhắn thông báo, người dân cũng gặp đôi chút khó khăn. Đa số người dân trong thôn là dân tộc thiểu số, chủ hộ tuổi cũng tầm trung niên, nên việc sử dụng điện thoại cũng không được thông thạo. Chẳng nói đâu xa, chính Trưởng thôn Thuấn cũng phải mày mò, nhờ con cháu, người trẻ dạy cho các thao tác để đăng nhập vào phần mềm, soạn tin nhắn gửi đến cho bà con.

Không biết thì học, người biết chỉ cho người chưa biết, cứ thế, các hộ trong thôn đã biết sử dụng điện thoại di động thành thạo, đọc tin thông báo của trưởng thôn mà sắp xếp thời gian, công việc để đi họp cho đúng giờ, tham gia các hoạt động của thôn một cách kịp thời. Nhờ cách làm này, từ đầu năm 2018 đến nay, các cuộc họp, hoạt động trong thôn được đông đảo bà con tham gia, ủng hộ với tỷ lệ 80% có khi lên đến 100% (trước đây chỉ khoảng 50%).

Anh Lương Văn Sìn, người dân trong thôn vui vẻ: “Từ ngày thôn 5 áp dụng gửi tin nhắn thông báo tự động đến người dân, việc tiếp nhận tin tức trong thôn trở nên đơn giản, dễ dàng. Tôi đi đâu, làm gì chỉ cần mang điện thoại theo cũng có thể biết được thông báo họp hành, hoạt động ở thôn, xã mà chấp hành. Nhiều khi quên nội dung, mở điện thoại ra đọc là lại nhớ ngày nào, giờ nào đi họp”.

Trưởng thôn gửi tin nhắn đến các chủ hộ để thông báo, mời họp, giúp bà con tham gia kịp thời, đông đủ

Duy trì những tập quán tốt đẹp

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, người dân thôn 5 đã có nhiều thay đổi trong các hoạt động, đời sống sinh hoạt hàng ngày. Trong việc cưới, các thủ tục được đơn giản, gọn nhẹ, việc đăng ký kết hôn thực hiện đúng quy định pháp luật, các nghi lễ trong cưới hỏi trang nghiêm và giữ được thuần phong mỹ tục.

Việc tổ chức tang ma cũng có nhiều chuyển biến tích cực, gắn với các quy định của pháp luật, quy ước, hương ước của thôn. Khi có người qua đời, các gia đình đều khai tử, báo cáo với chính quyền địa phương và thôn. Hội hiếu của thôn tổ chức quyên góp để đứng ra giúp gia đình có người mất lo tang ma chu đáo. Qua đó, không những thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà bà con ngày càng thắt chặt tình làng nghĩa xóm, gắn bó với quê hương mới.

Đáng ghi nhận, các hủ tục lạc hậu như để người chết 4-5 ngày mới chôn cất đã không còn nữa. Việc lưu giữ thi hài người quá cố trong gia đình thường trong vòng 48 giờ. Việc chôn cất người mất cũng thực hiện đúng nơi quy định, không chôn cất trên đất sản xuất hay trong khuôn viên gia đình như trước đây.

Ông Triệu Luân Thuấn, Trưởng thôn 5 cũng là Trưởng hội hiếu của thôn cho biết: “Việc lập Hội hiếu trong thôn nhằm góp sức người, sức của, chia sẻ những khó khăn đối với gia đình có người mất, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó giữa người dân trong thôn với nhau. Gia đình có người mất sẽ không phải lo bất kì một chi phí nào, mọi công việc tang ma đều có Hội hiếu đứng ra gánh vác”.

Đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ nhau cùng phát triển, người dân thôn 5 dần thay đổi tư duy, sinh ít con để xây dựng kinh tế gia đình. 5 năm trở lại đây, trong thôn không còn có trường hợp nào sinh con thứ 3. Cả thôn hiện chỉ còn 10 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo (giảm 2 hộ nghèo và 8 hộ cận nghèo so với năm 2017); thu nhập bình quân đầu người là 35 triệu đồng/năm (năm 2017 là 30 triệu đồng/năm), với 90/107 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Ông Lã Thái Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Trúc Sơn cho biết: “Sinh sống lập nghiệp trên vùng quê mới, đồng bào thôn 5 vẫn luôn giữ gìn những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, đoàn kết, gắn bó, tích cực giúp nhau trong lao động sản xuất, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng nếp sống văn hóa trong dân cư. Với những nỗ lực đó, năm 2018, thôn 5 đã được công nhận là thôn văn hóa, vậy là 6/6 thôn trên địa bàn xã đều đạt danh hiệu văn hóa”.

Bài, ảnh: Đặng Hiền

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây