Cách đây ít năm, thông qua các công ty giới thiệu việc làm, bạn Nguyễn Thành Tâm, ở xã Trúc Sơn (Cư Jút) đã tham gia chương trình xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Sau 3 năm, trừ chi phí, Tâm trở về địa phương và tích lũy được hơn 300 triệu đồng. Số vốn này tuy chưa nhiều nhưng có thể giúp gia đình Tâm đầu tư phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương.
Thanh niên Nguyễn Thành Tâm, ở xã Trúc Sơn (Cư Jút) đề nghị giải thích rõ về những chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi tham gia xuất khẩu lao động tại hội nghị tư vấn huyện Cư Jút vừa qua |
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2017, Cư Jút đã có 21 lao động tham gia xuất khẩu làm việc tại Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc... Mới đây, Hội nghị tuyên truyền về chính sách việc làm, hỗ trợ và khuyến khích thanh niên xuất khẩu lao động do Tỉnh đoàn phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tại huyện Cư Jút đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia.
Ngoài việc được giải đáp liên quan đến chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương, các đoàn viên, thanh niên cũng được giải thích về những lợi ích khi tham gia xuất khẩu lao động.
Theo ông Trần Xuân Cảnh, Phó Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), trong điều kiện áp lực việc làm tại địa phương còn lớn, thanh niên - lực lượng lao động nòng cốt (chiếm khoảng 29% dân số địa phương) tham gia xuất khẩu lao động sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề. Về thu nhập, so với lao động cùng ngành nghề và trình độ trong nước thì các đối tượng lao động tham gia xuất khẩu có thu nhập cao hơn nhiều lần. Về trình độ, lao động tham gia xuất khẩu sẽ được đào tạo, rèn luyện và nâng cao ý thức trách nhiệm, tích lũy được kinh nghiệm, nâng cao tay nghề để trở thành lực lượng lao động có trình độ trong tương lai. Khi trở về nước, đây sẽ là lực lượng lao động quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của gia đình và địa phương. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cam kết sẽ giới thiệu cho người lao động doanh nghiệp có đủ pháp lý và năng lực hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động ở các thị trường có thu nhập ổn định.
Về vấn đề hỗ trợ vay vốn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Chi nhánh Cư Jút Huỳnh Quang Dung cho rằng Nghị định 61 ngày 9/7/2015 của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ Quốc gia về việc làm đã quy định rõ. Cụ thể, các đối tượng vay vốn đi xuất khẩu lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp và người lao động là người dân tộc thiểu số được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội theo quy định hiện hành. Còn người lao động thuộc hộ cận nghèo, thân nhân của gia đình có công với cách mạng được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Quỹ Quốc gia về việc làm. Các đối tượng này có thể vay tối đa 50 triệu đồng (không cần tài sản thế chấp) hoặc hơn (cần tài sản thế chấp) với mức lãi suất tương đương hình thức cho vay của hộ nghèo đang được áp dụng là 6,6%/năm. Các đối tượng lao động có nhu cầu vay vốn có thể liên hệ với chính quyền địa phương hoặc điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách Xã hội trong các ngày làm việc tại trụ sở UBND xã, thị trấn trên địa bàn để được hướng dẫn cụ thể.
Sau khi được trực tiếp giải đáp những thắc mắc, nhiều đoàn viên, thanh niên tại huyện Cư Jút được gợi ra hướng mới trong việc tìm kiếm việc làm và tham gia xuất khẩu lao động. Nhiều bạn trẻ đã hình dung được việc xuất khẩu lao động có thể mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội nên có nguyện vọng đăng ký tham gia. Với chính sách hỗ trợ, khuyến khích từ Nhà nước, nhiều bạn trẻ cho biết sẽ tích cực trang bị kiến thức cho bản thân một cách tốt nhất khi đi làm việc tại nước ngoài.
Bài, ảnh: Thanh Hà
Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...