Thông điệp văn hóa của cái nhà vệ sinh công cộng

Chủ nhật - 13/01/2013 19:27 - Đã xem: 1901
Một trong những ấn tượng về một thành phố, một quốc gia là gì? Rất có thể đó là cái nhà vệ sinh công cộng.

(
Ngôi nhà hình bồn cầu ở công viên Restroom Cultural (Hàn Quốc).)
Người viết bài này đã có dịp đến thăm 20 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, và 30 năm đã trôi qua, nhưng vẫn không sao quên được mùi khai nghẹt thở trong cái nhà vệ sinh ở nhà ga Tbilisi, Gruzia, thuộc Liên Xô cũ. Tôi đặc biệt có ấn tượng với Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi nhà vệ sinh công cộng không những nhiều, dễ tìm, mà còn hết sức sạch đẹp. Ở Nhật Bản, ngay cả những cái nhà vệ sinh ở chợ trời bán đồ cũ cũng sạch sẽ, thơm tho.

Nguyễn Khắc Viện, trong “Tự truyện”, kể chuyện một nhà báo nước ngoài đến thăm Việt Nam trong thời chống Mỹ. Ông ta ta năn nỉ xin được đến tuyến lửa Vĩnh Linh, nhưng được hai ngày đã quay về. “Tôi ở với nhân dân nông thôn rất thú vị, mà bom đạn cũng không có gì nguy hiểm. Nhưng có một vấn đề rất gay go là trong đó không có một cái hố xí nào chắc chắn cả. Nhà thì bé và thấp, mà tôi thì cao to, nặng 80-90 kg như thế này, đụng vai đụng chân, cái giàn tre nó cứ lung lay kêu rắc rắc, hình như nó sắp gãy, tôi sợ quá, đành về không tiếp tục được cái phóng sự này nữa”.     

Có thể trường hợp của tôi mang đậm cảm tính cá nhân, nhưng thử hỏi: Liệu du khách có thể có thiện cảm với một thành phố khi họ toát mồ hôi vẫn không tìm ra - hoặc nếu tìm ra thì đó là một nơi bẩn thỉu, hôi thối - để giải quyết cái nỗi bức bách vừa tế nhị vừa rất con người của mình? Khi đó, những danh hiệu như “thành phố văn hóa” hay “thành phố hòa bình” phỏng có ích gì? Vì thế, không phải hoàn toàn vô lý khi một người bạn tôi nói: “Hãy xem cái nhà vệ sinh công cộng ra sao, tôi sẽ nói người quản lý thành phố là người thế nào”.


Khai quật nhà vệ sinh 3.500 năm ở Long An.

Ở các thành phố của chúng ta, đặc biệt là Hà Nội, nhà vệ sinh công cộng là thứ cực kỳ hiếm hoi và nếu có thì thường hết sức bẩn thỉu. Đó là lý do khiến rất nhiều người Hà Nội bị bệnh đái đường - nghĩa là "đái ngoài đường", chứ không phải căn bệnh có tên tiếng Anh là "diabetes". Nhà văn V.T.X.H cho tôi xem một tập thơ do các nhà thơ Hàn Quốc sáng tác trong chuyến thăm Việt Nam. Trong tập có một bài thơ nhan đề là “Việt Nam”. Tôi không còn giữ được bài thơ đó, chỉ nhớ rằng tác giả viết về một người lao động Việt Nam, xưng “tôi”, câu cuối cùng là “Tôi quay mặt, đái vào tường”.

Có một câu chuyện vui khá nhiều người biết. Một du khách, khi đến thăm Việt Nam, chụp rất nhiều ảnh kỷ niệm. Về nước, xem ảnh, ông ta thấy trên rất nhiều bức tường có dòng chữ “CAM DAI”. Nghĩ rằng đó là một khẩu hiệu quan trọng, khi có dịp trở lại Việt Nam, ông ta hỏi đồng nghiệp “Cam Dai” nghĩa là gì. Do cách phát âm không dấu của vị khách, các đồng nghiệp Việt Nam chịu không sao hiểu nổi. Cho đến khi chủ khách kéo nhau ra phố và mục kích từ “CẤM ĐÁI”.

Ở Hà Nội, khách vãng lai rất có thể bị phân biệt đối xử, hay thậm chí bị xúc phạm, khi có nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh. Người viết bài này, trong một lần đến làm việc ở một trường đại học hàng đầu ở Hà Nội, lớ xớ đi vào nhà vệ sinh của Khoa Quản trị kinh doanh. Vừa tiểu tiện xong thì hai ông bảo vệ mặc đồng phục hùng hổ xông vào, mắng xa xả: “Đi ra ngay. Ai cho phép anh vào đây. Chúng tôi mất bao nhiêu tiền của, công sức để giữ vệ sinh. Đi ra ngay!”.

Tất nhiên, không phải cơ quan nào cũng dùng sách ấy. Họ dùng một giải pháp mang tính phòng ngừa, đó là khóa chặt nhà vệ sinh lại. Vậy là chẳng cần mắng mỏ ai, không có chìa khoá thì đừng vào. Nhu cầu của các anh các chị, tôi không quan tâm. Bức bách thì tự chịu. (Xin bạn đọc chớ liên hệ chuyện này với tình trạng vô cảm mà báo chí gần đây hay nói đến).  

Chưa hết. Nhiều nơi, cái nhà vệ sinh công cộng còn chịu sự điều tiết triệt để của nguyên tắc tự hạch toán. Một ví dụ là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu di tích được coi là biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Ở đấy, tại cửa nhà vệ sinh, người ta bố trí mấy người phụ nữ để thu tiền. Nhà vệ sinh khai mù, và hình như cả những đồng tiền lẻ của du khách cũng vậy.


Bồn tiểu - một tác phẩm nổi tiếng gây nhiều tranh luận của M. Duchamp.

Đã bao nhiêu lần tôi nhìn thấy cái lắc đầu của du khách. Đã bao nhiêu lần tôi tự hỏi, tại sao người ta không gộp luôn tiền vệ sinh vào tiền vé mà du khách phải trả để vào cửa? Tại sao không trích một phần tiền bán vé để trả lương xứng đáng cho những người lao công để họ yên tâm giữ gìn vệ sinh cho khu di tích? Rộng hơn, tại sao chính quyền thành phố không dùng tiền thuế của dân, hoặc những khoản tiền chi tiêu cho vô số các hoạt động khoa trương, để xây dựng và duy trì những nhà vệ sinh công cộng là thứ mọi người, bất kể sang hèn, giới tính, quốc tịch... đều cần và có thể dùng.

Trong chừng mực nào đó, có thể nói rằng so với những buổi hội thảo, trình diễn, lễ hội, những tượng đài, sách báo và cả ngàn cái trống dịp 1.000 năm Thăng Long, cái nhà vệ sinh công cộng miễn phí là thứ dân chủ, công bằng và tôn vinh con người nhiều hơn hẳn.     

Ở đây rõ ràng có vấn đề quản lý. Nếu người quản lý chưa nhìn nhận các vấn đề xã hội một cách tổng thể, vẫn áp dụng một cách cực đoan nguyên tắc tự hạch toán đến tận cái nhà vệ sinh công cộng, mà chưa thấy rằng đó cũng là vấn đề của du lịch, của văn hóa, thì câu trả lời vẫn “cuốn đi theo gió” (Blowin' in the Wind), nói như Bob Dylan trong ca khúc nổi tiếng của ông.

Bài này viết về cái nhà vệ sinh công cộng, nhưng không chỉ về cái nhà vệ sinh công cộng.
Ngô Tự Lập

Nguồn tin: Lao Động Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây