Xây dựng nông thôn mới: “Điểm sáng” Nam Dong

Chủ nhật - 24/02/2013 19:54 - Đã xem: 1274
Trong thời gian qua, bằng nhiều cách làm thiết thực, xã Nam Dong (Chư Jút) đã huy động các thành phần xã hội chung tay, góp sức xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư cho an sinh xã hội… giúp địa phương trở thành “điểm sáng” về chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM).


Người dân thôn 10 tham gia làm đường giao thông
 

Làn gió mới ở một vùng quê
 
Về xã Nam Dong trong những ngày này, bên cạnh các hoạt động thu hoạch cây trồng vụ thu đông thì người dân ở các thôn, xóm hồ hởi cùng địa phương chỉnh trang, xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa cộng đồng….
 
Ông Phan Văn Công, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Khi tiến hành làm đường giao thông, xã đã bàn bạc, lấy ý kiến của người dân để mở rộng các con đường. Thật sự không có gì vui bằng khi mọi kế hoạch đều diễn ra khá thuận lợi, đó là nhờ sự đồng thuận, nhất trí của người dân với chương trình XDNTM của địa phương”.
 
Cũng như hàng trăm hộ dân và các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, gia đình bà Phạm Thị Mây ở thôn 10 đã sẵn sàng tháo dỡ công trình, chặt bỏ cây cối để nhường đất làm đường giao thông.
 
Bà Mây cho biết: “Tôi nhận thấy rằng, việc gia đình tôi tự phá bỏ tường rào, cây cối và đóng góp thêm tiền, nhân công cùng chính quyền địa phương làm đường vẫn còn khá khiêm tốn so với các hộ dân khác khi đã hiến một khối tài sản có giá trị cả trăm triệu đồng mà không câu nệ hơn thiệt... Từ tinh thần tự nguyện đó của mọi người, không những góp phần giúp cho địa phương ngày một phát triển mà chính bản thân của mỗi người cũng được hưởng lợi từ chương trình này”.
 
Hưởng ứng chương trình hành động của huyện và thực hiện phương châm cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đầu tàu trong XDNTM, ông Nguyễn Văn Khoán ở thôn 3 là cán bộ hưu trí, 52 năm tuổi đảng đã hiến 240 m2 đất ngay tại trung tâm xã, với trị giá trên 500 triệu đồng.
 
Ông Khoán tâm sự: “Mặc dù các con của tôi mới lập gia đình, rất cần đất vườn để tách hộ, nhưng trước thực tế đường trung tâm huyện quá tải, tôi đã khuyên gia đình cùng với người dân trong thôn hiến đất mở đường nhằm giảm bớt tình trạng giao thôn lộn xộn, các cháu đi học thuận lợi hơn”.
 
Từ những việc làm cụ thể của mỗi người dân, đơn vị doanh nghiệp, sự vào cuộc của đoàn thể, chính quyền địa phương đã giúp cho chương trình XDNTM thật sự trở thành làn gió mới lan tỏa khắp các vùng quê ở địa phương.
 
Khi nông dân là chủ thể
 
Nhận thức được tầm quan trọng của chương trình XDNTM, Ðảng bộ, chính quyền xã Nam Dong đã tập trung quyết liệt vào công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Nói về vai trò chủ thể của người dân trong cuộc vận động XDNTM, ông Phan Văn Công cho biết thêm: “Khi người dân hiểu được mình là chủ thể của phong trào XDNTM thì cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, họ đã chủ động tiếp cận thông tin, kiến thức về thị trường, khoa học kỹ thuật để ứng dụng trong sản xuất và đời sống. Họ còn chủ động bàn và tham gia vào việc xây dựng kế hoạch phát triển, vận động các thành viên trong cộng đồng cùng tham gia ngay từ đầu. Ðối với địa phương, khi thực hiện thì mọi việc thông qua quy chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ” thay vì “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” như các chương trình mục tiêu đã đầu tư trước đây. Nhờ đó, người dân đã lựa chọn và quyết định làm như thế nào cho phù hợp với nguồn lực sẵn có cũng như nguồn lực hỗ trợ để đạt hiệu quả cao nhất”.
 
Với cách làm đó, đến nay, xã đã hoàn thiện và kiện toàn được Ban quản lý cấp xã và 19 ban phát triển thôn với thành phần là cán bộ chủ chốt của xã, thôn. Nhờ tập trung chỉ đạo quyết liệt, xã đã hoàn thành đồ án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới trong 6 tháng đầu năm 2012. Xã cũng đã chủ động triển khai thực hiện được một số hạng mục như làm 1.529 m đường bê tông thôn 2, mở rộng 1.030 m đường tuyến 2 ở thôn 6, lắp đặt hệ thống điện đường chiếu sáng dọc các tuyến đường liên xã, liên thôn; xây dựng đường vào bãi rác và bãi chứa rác thải tại thôn 11 với diện tích 4.000m2.
 
Ngoài ra, địa phương cũng đã xây dựng sân bóng đá mini tại thôn 2, xây dựng 2 nhà văn hóa tại thôn Trung Tâm và Tân Ninh. Hiện nay, xã đang tiến hành thi công xây dựng Trường THCS Nguyễn Tất Thành và xây dựng chợ mới, nhà văn hóa xã, đường giao thông nội đồng thôn 9 dài 1,5km.
 
Ðể làm được những việc đó, chính quyền và nhân dân xã Nam Dong phải cùng nhau huy động nguồn lực để XDNTM. Tính đến nay, địa phương đã huy động được trên 1 tỷ đồng từ ngân sách, doanh nghiệp đóng góp 1,2 tỷ đồng, hàng trăm hộ dân tham gia đóng góp tiền mặt, hiến đất, tự nguyện phá bỏ cây trồng, tường rào để giải phóng mặt bằng với giá trị tiền mặt lên đến 3 tỷ đồng và  9.000m2 đất…
 
Có thể nói, với quan điểm nhất quán trong việc xác định rõ những tiềm năng, lợi thế và khó khăn, thách thức, xã Nam Dong đã lấy nội lực của cộng đồng dân cư làm lực lượng chính, khơi dậy được tính tích cực, tự giác của người dân, các thành phần kinh tế với sự hỗ trợ của Nhà nước; thừa kế và lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện hiệu quả chương trình XDNTM tại địa phương.

 

Ông Lê Văn Công, Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Chư Jút cho biết: “Sau 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM, xã Nam Dong đạt thêm 2 tiêu chí, nâng số tiêu chí đạt chuẩn là 8/19 gồm: Quy hoạch, bưu điện, thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, hệ thống chính trị - xã hội vững mạnh. Qua từng năm thực hiện, xã tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm, đồng thời biểu dương, khen thưởng các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân chung tay XDNTM”.
 
 
Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây