Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới: Chưa có xã nào đạt được tiêu chí về môi trường

Thứ năm - 02/05/2013 17:55 - Đã xem: 1284
Môi trường là tiêu chí thứ 17 trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (NTM) gồm 5 nội dung: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.


Bãi rác tạm ở bon Đắk B'lao, thị trấn Kiến Đức (Đắk R'lấp) luôn quá tải


Tuy nhiên, đến nay, tất cả 61 xã của tỉnh, kể cả các xã điểm vẫn chưa có xã nào đạt được tiêu chí này. Ðiều đó cho thấy, những khó khăn, thách thức lớn đối với việc hoàn thành tiêu chí môi trường trong quá trình xây dựng NTM ở Ðắk Nông.
 
Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh thì đến nay, toàn tỉnh mới có khoảng 78% số hộ dân cư nông thôn được dùng nước sạch hợp vệ sinh, nên chỉ tiêu này chưa đạt so với quy định chung của khu vực Tây Nguyên là 85%. Ðiều đáng nói là tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước từ các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung vẫn chưa cao, trong khi vẫn còn nhiều công trình bị hư hỏng, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
 
Ðiển hình như ở huyện Ðắk Glong, theo UBND xã Ðắk Som thì hiện nay, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh chỉ đạt khoảng hơn 50%, còn lại là sử dụng nước từ các giếng khoan, giếng đào, khe suối. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng xảy ra ngay cả với xã  Ðắk P’lao vừa được tái định cư. Vào mùa khô, nhiều hộ dân trên địa bàn thường phải sử dụng nước từ các khe, suối, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
 
Bên cạnh cái khó về nguồn nước hợp vệ sinh thì chỉ tiêu các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và thu gom, xử lý chất thải, rác thải bảo đảm theo qui định cũng còn gặp nhiều khó khăn. Trung bình mỗi ngày, toàn tỉnh phát sinh hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt; trong đó, khoảng 50% rác ở các khu vực trung tâm được thu gom. Thế nhưng, tỷ lệ rác được xử lý bảo đảm công nghệ, kỹ thuật là không có mà chủ yếu được xử lý sơ bộ ban đầu như đốt, chôn lấp ở các bãi rác tạm của các huyện.
 
Cụ thể như ở thị trấn Kiến Ðức (Ðắk R’lấp) thì trong những năm qua, rác thải trên địa bàn chỉ được thu gom và xử lý sơ bộ tại bãi rác tạm của huyện nằm trên địa bàn bon Ðắk Blao. Do bãi rác có diện tích nhỏ, lại nằm trên khu vực đồi nên thường ứ đọng, gây hôi thối, đó là chưa kể tới những ảnh hưởng như làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, là nơi ủ và phát tán mầm bệnh cho con người và vật nuôi.
 
Còn tại xã Nhân Ðạo (Ðắk R’lấp), địa bàn có một số cơ sở khai thác đá ba zan làm vật liệu xây dựng thì công tác đảm bảo môi trường vẫn chưa được chú trọng đúng mức, không thực hiện đúng theo bản cam kết bảo vệ môi trường, không giám sát, báo cáo môi trường định kỳ cho ngành chức năng theo dõi…
 
Còn đối với các xã còn lại trên địa bàn, việc xử lý rác thải cũng đang là một cái khó, bởi chưa có bãi rác, người dân vẫn tùy tiện vứt rác ra môi trường xung quanh. Ðối với nước thải thì thực tế cho tới nay, hầu hết các xã trong tỉnh chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Hiện chỉ một phần nhỏ nước thải từ các nhà vệ sinh và nước thải chăn nuôi được thu gom và xử lý sơ bộ. Còn lại toàn bộ nước thải sinh hoạt từ tắm giặt, ăn uống và một phần từ chăn nuôi đều được thải tự do ra môi trường.
 
Chỉ tiêu về nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch, hiện nay cũng không có xã nào hoàn thành được, hầu hết đang dừng ở quy hoạch quỹ đất hoặc giữ nguyên hiện trạng nghĩa trang cũ của địa phương. Việc sử dụng đất nghĩa trang vẫn phụ thuộc vào phong tục, tập quán địa phương, chủ yếu quan tâm đến chôn cất người qua đời mà chưa quan tâm nhiều đến diện tích cây xanh, các công trình phụ trợ, tạo mỹ quan.
 
Về vấn đề này, ở một số xã cũng đã có những khởi động tích cực. Ông  Trần Hoàng Ngọc, Chủ tịch UBND xã Nam Ðà (Krông Nô) cho biết: “Hiện nay, xã cũng đã quy hoạch quỹ đất hơn 4 ha để xây dựng nghĩa trang tập trung ở thôn Nam Thạnh. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nên nhân dân đều ủng hộ việc chôn cất người đã mất ở địa điểm được quy định. Người dân còn tự nguyện đóng góp gần 60 triệu đồng để xây dựng cổng nghĩa trang”.
 
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thì bảo vệ môi trường gắn với bảo vệ sức khỏe con người là một trong những yêu cầu bức thiết trong xây dựng NTM hiện nay. Tuy nhiên, đây đang là tiêu chí đạt thấp và được đánh giá là vào loại khó khăn hàng đầu trong tiến trình xây dựng NTM. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này ở nông thôn chưa đảm bảo cũng như nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
 
Ðặc biệt, ý thức về bảo vệ môi sinh, môi trường trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân chưa cao...Ðể khắc phục tình trạng này, sớm đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước thì các địa phương cần có các chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, huy động được nguồn lực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp vào các hoạt động cải tạo, bảo vệ môi trường bền vững…
 
Bài, ảnh: Hồng Thoan

Nguồn tin: Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây