Chính phủ họp thường kỳ tháng 6: Lạm phát không còn là mối lo ngại lớn

Thứ năm - 27/06/2013 18:41 - Đã xem: 956
Đó là báo cáo đánh giá của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 6.2013 đang diễn ra sáng nay (27.6) thông qua hình thức truyền hình trực tuyến với lãnh đạo 63 tỉnh, thành.

Hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp chủ trì sẽ thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng bàn về việc tái cơ cấu Vinashin, tình hình mua máy bay tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam…

 
Theo báo cáo của Chính phủ, lạm phát không còn là mối lo ngại lớn trong năm 2013, hoàn toàn có khả năng kiềm chế

Về tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh, lạm phát được kiềm chế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sau 7 tháng tăng liên tiếp đã có xu hướng giảm hoặc tăng không đáng kể từ tháng 3.2013 đến nay, với mức tăng trong 6 tháng là 2,4%, mức thấp nhất vòng trong 10 năm qua.

Nguyên nhân, theo lí giải, một phần là do mặt bằng giá thế giới giảm, tổng cầu trong nước thấp, sản xuất chậm, giá lương thực thực phẩm cũng giảm… Từ đó, lạm phát không còn là mối lo ngại lớn trong 2013, hoàn toàn có khả năng kiềm chế, nhưng so cùng kỳ năm trước vẫn còn cao.

Tuy nhiên, theo ông Vinh, việc triển khai Nghị quyết 01, 02 tại một số nơi còn chậm làm giảm hiệu quả của chính sách. Mức tăng trưởng GDP quý II tăng 5%, cao hơn mức tăng của quý I và đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm lên 4,9%. Tốc độ tăng GDP theo đánh giá là không như mong đợi, nhưng là mức tăng hợp lý do phải tập trung mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Về chính sách tiền tệ, sau khi Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất cho vay, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã bắt đầu tăng trở lại, tỷ giá có xu hướng tăng nhẹ, dự trữ ngoại hối tăng... Nhưng, việc tiếp cận vốn vay của nhiều doanh nghiệp còn trở ngại, tín dụng có tốc độ tăng thấp so với nhu cầu phát triển. Tốc độ thu ngân sách Nhà nước thấp, việc giảm thuế VAT, tổng thu đến ngày 15.6.2013 ước đạt 324.000 tỉ đồng, tổng chi khoảng 409.000 tỉ đồng.

Hàng tồn kho được cải thiện đáng kể, cơ bản dần dần trở về trạng thái bình thường. Tuy nhiên, lĩnh vực xây dựng như thép, xi măng... vẫn còn tồn kho cao. 

Anh Vũ

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây