Nguyên Bộ trưởngBộ Nội vụ lo lắng chuyện tinh giản biên chế

Thứ sáu - 12/07/2013 03:25 - Đã xem: 961
Tăng một bộ thôi, tinh giản biên chế thành vô nghĩa - nguyên Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Tuấn, nguyên Bộ trưởng Nội vụ, tại hội thảo lấy ý kiến về đề án tinh giản biên chế do Bộ tổ chức ngày 24/6 đã nói ;

"Tôi đã tham gia thành viên Chính phủ trong một nhiệm kỳ có thể nói là quyết liệt về tổ chức bộ máy, trong 4 năm đưa được số bộ từ 26 xuống 22. Nhưng nhiệm kỳ đó chưa chú ý, cũng chưa có điều kiện làm tinh giản biên chế."

Về tinh giản biên chế, chính Thủ tướng cũng nói: "Tôi làm nhiều nhiệm kỳ rồi nhưng cứ nói giảm thì nó lại tăng".


Nguyên BT Nội vụ Trần Văn Tuấn: Cứ nói giảm biên chế nhưng tôi thấy nhiều nơi đang muốn chuyển tổng cục thành bộ. Ảnh: Lê Anh Dũng
"Cứ nói giảm biên chế nhưng tôi thấy nhiều nơi đang muốn chuyển tổng cục thành bộ"

Phát biểu bên ngoài thì người ta dùng "giảm biên chế", nhưng tại các diễn đàn thì nói "tinh giản biên chế", nghĩa là có giảm có tăng, người nào không đáp ứng yêu cầu thì giảm, nhưng khi cần tăng vẫn phải tăng.

Nhưng tổng cộng tăng giảm nhẽ ra giảm được thì tốt.

Ổn định bộ máy

Trước ta cứ nói giảm 30%, nhưng chuẩn giảm không có, chỉ là sốt ruột, thấy đông thì bảo giảm. Nhưng tại sao đông thì cũng không ai lý giải.

Bây giờ thuận lợi là có luật Công chức, quy định rõ về xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức. Đây là việc phải làm bằng được và làm sớm, cơ bản đến 2015 các bộ, ngành, địa phương phải xong.

Chỗ nào cũng kêu khó, nhưng thử hỏi một ông thủ trưởng mà không nghĩ được bộ máy của mình cần bao nhiêu người, trình độ của từng người, thì làm thủ trưởng làm gì?

Nhiệm kỳ trước khi giảm số bộ, sắp xếp lại cũng căng lắm. Nhưng sang đầu nhiệm kỳ này, Thủ tướng cũng đồng ý giữ nguyên bộ máy, không tăng, không tách nhập, để tập trung tinh giản.

Nói như vậy nhưng thực hiện không dễ. Cứ nói giảm biên chế nhưng tôi thấy nhiều nơi đang muốn chuyển các tổng cục thành bộ. Mà các đồng chí ấy trình thì khéo lắm, không cẩn thận tăng một bộ thôi thì tinh giản biên chế thành vô nghĩa.

Nói ổn định không có nghĩa là không lập các cơ quan mới, nhưng phải rất thận trọng, thật cần mới làm.

Và phải ổn định cả bộ máy các tỉnh, thành phố. Bây giờ cứ cái đà các tỉnh đều "phấn đấu trở thành thành phố trực thuôc trung ương", nghĩa là tách phần nông thôn thành một tỉnh khác, là lại tăng tiền và bộ máy, trong khi kinh tế chưa chắc đã lên.

Thủ trưởng phải vất vả

Quy trình đánh giá cán bộ phải tính lại, cứ như hiện nay thì thủ trưởng nhàn lắm. Tổ chức một hội nghị, để anh em bỏ phiếu, ai cũng tốt cả, thủ trưởng cũng không thấy có trách nhiệm nhận xét, suy nghĩ xác đáng, có thể nghĩ khác nhưng phiếu bỏ thế rồi thì thôi.

Nhưng hậu quả là bình quân chủ nghĩa, anh làm tích cực không được khen, anh không làm được việc cũng không bị chê, vẫn cứ hai năm lên lương.

Theo nguyên tắc tập trung dân chủ của ta thì không làm khác được, nhưng nên chăng phiếu của tập thể chỉ để tham khảo, thủ trưởng vẫn có thể quyết định khác, trả lời nếu cấp dưới thắc mắc và chịu trách nhiệm với cấp trên về đánh giá của mình.

Thủ trưởng sẽ vất vả, nhưng không thế thì không thể đối thoại với cấp dưới về năng lực của họ, không thể chỉ ra trong đơn vị mình bao nhiêu người xuất sắc, bao nhiêu trung bình, bao nhiêu không làm được việc.

Như vậy thủ trưởng phải được quyền đánh giá và có cơ chế bảo vệ họ. Nếu không, có khi chưa kịp đánh giá, phân tích, đã nhận được mấy đơn nặc danh nói xấu, cấp trên lại mất thời gian xác minh cái đơn đấy trước.

Nói phiếu chỉ để tham khảo không có nghĩa là thiếu tôn trọng tập thể. Nhưng thủ trưởng là người sát hơn, phải chịu trách nhiệm. Như thế việc mua phiếu cũng không dễ.

PV

 
CẦN PHẢI TINH GIẢN BIÊN CHẾ CƠ CẤU LẠI ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CHO PHÙ HỢP TỪNG NGÀNH
Để triển khai Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức của Bộ Nội vụ đề ra có hiệu quả, phát huy được năng lực sở trường chuyên môn của từng cán bộ công chức viên chức nhà nước. Đồng chí Phó thủ tướng Nguyễn xuân phúc đã từng phát biểu tại cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ , công chức: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào” Vấn đề ở đây là tinh giản biên chế như thế nào, ở đâu, ngành nào, cấp nào ? Thực hiện Nghị định số 13, 14/2008/Nđ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và cấp tỉnh. Ở cấp huyện hiện nay, có 13 phòng ban chuyên môn trực thuộc, mỗi phòng ban có từ 5 đến 10 biên chế, tổng biên chế hành chính ở cấp huyện biến động trong khoảng từ 90 đến 110 biên chế. Tuy nhiên qua xem xét biên chế các sở ban ngành của tỉnh, trước đây có các phòng ban trực thuộc sở cùng làm việc trong trụ sở, biên chế chỉ có từ 5 đến 7 công chức. Nhưng hiện nay Bộ Nội vụ cho phép nâng cấp rất nhiều các phòng ban thành các Chi cục trực thuộc sở, bộ máy rất cồng kềnh biên chế phải từ 20 công chức trở lên, ngoài ra phải xây dựng trụ sở riêng để hoạt động, rõ ràng rất tốn kém ngân sách nhà nước. Cụ thể như một Sở nông nghiệp phát triển nông thôn của một tỉnh có đến gần 10 chi cục trực thuộc , tương tự các sở khác như sở y tế, sở công thương …cũng có rất nhiều Chi cục trực thuộc sở. Nếu tính trong phạm vi cả nước không biết số lượng biên chế các chi cục là rất lớn. Đối với các bộ ban ngành của trung ương theo quy định cũng có các cục, vụ, viện, Tổng cục vv… trực thuộc, tuy nhiên hiện nay các Bộ ngành cũng thành lập rất nhiều các đơn vị Tổng cục trực thuộc bộ dưới tổng cục cũng rất có nhiều cục trực thuộc do vậy biên chế tăng rất lớn. Hiện nay có rất nhiều Viện trực thuộc quản lý của các bộ biên chế quá lớn có nhiều Viện có trên 2000 biên chế toàn bộ được thụ hưởng từ ngân sách nhà nước, đây là sự lãng phí quá lớn trong khi đó biên chế ở các địa phương như ở cấp huyện biên chế hành chính quá ít, trong khi đó khối lượng công việc phát sinh rất nhiều nhất là khi xãy ra các loại dịch bệnh đối với con người cũng như các loại động vật khác, cháy rừng vv.. không có đủ lực lượng để thực hiện nhiệm vụ. Cần nghiên cứu điều chuyển biên chế từ các bộ ngành trung ương tăng cường cho các địa phương. Xem xét tình hình thực tế của bộ máy hành chính của nước ta hiện nay, xin đề xuất giải pháp hướng tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức cho phù hợp. Trước tiên đối với đơn vị hành chính các cấp, nên xem xét rà soát lại chức năng nhiệm vụ các chi cục trực thuộc sở, nếu thật cần thiết thì để lại, còn nên chuyển thành các phòng trực thuộc sở, vì trước đây các phòng ban cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nếu thực hiện được chắc chắn số lượng biên chế hành chính trong cả nước sẽ giảm đi rất nhiều. Tương tự đối với các bộ ngành trung ương cần xem xét chức năng các đơn vị Tổng cục trực thuộc các bộ, nếu thấy không cần thiết thì chỉ nên thành lập các Cục, vụ trực thuộc bộ, đồng thời cần xem xét tinh giảm biên chế các Viện, có như vậy chắc chắn số lượng biên chế của các bộ ngành trung ương sẽ giảm rất nhiều. Thứ hai đối với cán bộ công chức có độ tuổi từ 55 trở lên đối với nam và từ 50 tuổi trở lên đối với nữ , có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 30 năm trở lên, Nhà nước có chính sách cho phép họ có đơn tự nguyện xin về nghỉ hưu và không bị trừ tỷ lệ % do nghỉ hưu trước tuổi chắc chắn sẽ có nhiều người tự giác xin về hưu, biên chế sẽ giảm. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên hi vọng trong thời gian tới, việc triển khai Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức của Bộ Nội vụ đề ra có hiệu quả, sẽ có nguồn cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ công chức viên chức nhà nước.
MINH TRÍ

Nguồn tin: Báo Tầm Nhìn Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây