Không tăng thêm biên chế cán bộ công chức

Thứ ba - 25/06/2013 10:44 - Đã xem: 1196
Sáng qua, Bộ Nội vụ đã tổ chức cuộc hội thảo góp ý Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức.

Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ) Thái Quang Toản, tính đến hết năm 2012, tổng biên chế cán bộ, công chức (CBCC) từ Trung ương đến cấp huyện ở nước ta là 388.480 biên chế (không bao gồm viên chức và biên chế của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), trong đó chiếm tỷ lệ nhiều nhất là khối hành chính nhà nước với 274.694 biên chế (tương đương 70,7%); tổng biên chế CBCC cấp xã là 257.675 biên chế.

Kết quả 5 năm thực hiện tinh giản biên chế các cơ quan Trung ương và 61/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương (trừ một số bộ và 2 tỉnh còn lại chưa có số liệu) cho thấy, tổng số đối tượng hưởng chính sách tinh giản biên chế là 67.398 người với tổng kinh phí gần 3.200 tỉ đồng, trong đó chiếm tới 90,53% các đối tượng nghỉ hưu trước tuổi.

Trong các giải pháp ông Toản trình bày để thực hiện Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCC thời gian tới, đáng chú ý là từ nay đến năm 2016, về cơ bản không tăng thêm biên chế CBCC trong các cơ quan tổ chức hành chính và số lượng viên chức trong các sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. “Trừ trường hợp lập thêm tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới”, ông Toản cho hay.

Đồng thời với giải pháp trên, quy định trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trong việc chủ động tổ chức lao động hợp lý, phân định rõ người làm tốt và người làm chưa tốt, người không làm được việc để sắp xếp, bố trí CBCC, viên chức và giải quyết thôi việc.

Dự kiến thời gian tổ chức thực hiện đề án này trong 7 năm, từ 1.1.2014 - 31.12.2020.

Bảo Cầm - Hoàng Thủy

 

CẦN PHẢI CƠ CẤU LẠI ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CHO PHÙ HỢP TỪNG NGÀNH
Để triển khai Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức của Bộ Nội vụ đề ra có hiệu quả, phát huy được năng lực sở trường chuyên môn của từng cán bộ công chức viên chức nhà nước. Đồng chí Phó thủ tướng Nguyễn xuân phúc đã từng phát biểu tại cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ , công chức: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào” Vấn đề ở đây là tinh giản biên chế như thế nào, ở đâu, ngành nào, cấp nào ? Thực hiện Nghị định số 13, 14/2008/Nđ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và cấp tỉnh. Ở cấp huyện hiện nay, có 13 phòng ban chuyên môn trực thuộc, mỗi phòng ban có từ 5 đến 10 biên chế, tổng biên chế hành chính ở cấp huyện biến động trong khoảng từ 90 đến 110 biên chế. Tuy nhiên qua xem xét biên chế các sở ban ngành của tỉnh, trước đây có các phòng ban trực thuộc sở cùng làm việc trong trụ sở, biên chế chỉ có từ 5 đến 7 công chức. Nhưng hiện nay Bộ Nội vụ cho phép nâng cấp rất nhiều các phòng ban thành các Chi cục trực thuộc sở, bộ máy rất cồng kềnh biên chế phải từ 20 công chức trở lên, ngoài ra phải xây dựng trụ sở riêng để hoạt động, rõ ràng rất tốn kém ngân sách nhà nước. Cụ thể như một Sở nông nghiệp phát triển nông thôn của một tỉnh có đến gần 10 chi cục trực thuộc , tương tự các sở khác như sở y tế, sở công thương …cũng có rất nhiều Chi cục trực thuộc sở. Nếu tính trong phạm vi cả nước không biết số lượng biên chế các chi cục là rất lớn. Đối với các bộ ban ngành của trung ương theo quy định cũng có các cục, vụ, viện vv… trực thuộc, tuy nhiên hiện nay cũng thành lập rất nhiều các đơn vị Tổng cục trực thuộc bộ dưới tổng cục cũng rất có nhiều cục trực thuộc do vậy biên chế tăng rất lớn. Xem xét tình hình thực tế của bộ máy hành chính của nước ta hiện nay, xin đề xuất giải pháp hướng tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức cho phù hợp. Trước tiên đối với đơn vị hành chính các cấp, nên xem xét rà soát lại chức năng nhiệm vụ các chi cục trực thuộc sở, nếu thật cần thiết thì để lại, còn nên chuyển thành các phòng trực thuộc sở, vì trước đây các phòng ban cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nếu thực hiện được chắc chắn số lượng biên chế hành chính trong cả nước sẽ giảm đi rất nhiều.
Tương tự đối với các bộ ngành trung ương cần xem xét chức năng các đơn vị Tổng cục trực thuộc các bộ, nếu thấy không cần thiết thì chỉ nên thành lập các Cục, vụ trực thuộc bộ, có như vậy chắc chắn số lượng biên chế của các bộ ngành trung ương sẽ giảm rất nhiều. Thứ hai đối với cán bộ công chức có độ tuổi từ 55 trở lên đối với nam và từ 50 tuổi trở lên đối với nữ , có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 30 năm trở lên, Nhà nước có chính sách cho phép họ có đơn tự nguyện xin về nghỉ hưu và không bị trừ tỷ lệ % do nghỉ hưu trước tuổi chắc chắn sẽ có nhiều người tự giác xin về hưu, biên chế sẽ giảm. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên hi vọng trong thời gian tới, việc triển khai Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức của Bộ Nội vụ đề ra có hiệu quả, sẽ có nguồn cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ công chức viên chức nhà nước.

MINH TRÍ

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây