Những điểm đen chết người - Kỳ 4: Cung đường “rợn tóc gáy”

Thứ năm - 20/06/2013 22:12 - Đã xem: 1011
Nguyên nhân những vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra gần đây tại Khánh Hòa được cho là do ý thức người tham gia giao thông. Tuy nhiên, điều kiện đường sá và công tác giám sát của các cơ quan chức năng cũng “có vấn đề”.

Những điểm đen chết người: Cung đường “rợn tóc gáy”

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc hôm 7.6 trên tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt - Ảnh: Nguyễn Chung

QL1A, đoạn qua địa phận 2 xã Vĩnh Lương và Vĩnh Phương (TP.Nha Trang) được xem là điểm đen về tai nạn giao thông (TNGT) khiến nhiều tài xế khi qua đây phải “rùng mình ớn lạnh”.

Có thâm niên chạy xe bắc - nam hơn chục năm, anh Nguyễn Văn  Hoàng (H.Yên Định, Thanh Hóa) cho biết đoạn đường này nhiều sống trâu, ổ gà nên rất nguy hiểm. Nhất là khi đến chân đèo Rù Rì, đoạn gần ngã ba Nhà Máy Sợi (xã Vĩnh Phương), các tài xế xe khách thường phóng nhanh, đi sai phần đường để giành, trả khách dọc đường nên dễ xảy ra tai nạn.

Trung tá Nguyễn Quốc Dũng, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP.Nha Trang, nhìn nhận QL1A qua hai xã nói trên dài chưa đầy 14 km nhưng thường xuyên xảy ra TNGT. Năm 2012, TP.Nha Trang xảy ra 34 vụ tai nạn làm 38 người chết thì đoạn đường này chiếm khoảng 50% số vụ và số người chết; trong quý 1/2013, toàn thành phố có 12 người chết do TNGT thì hai xã này có đến 7 người. Thành phố đã có nhiều đề xuất, kiến nghị sửa chữa lại một số điểm giao thông tiềm ẩn tai nạn tồn tại lâu nay trên đoạn đường này, nhưng phía cơ quan quản lý đường bộ chưa khắc phục vì nói thiếu kinh phí.

Điểm đen “mới nổi”

 

 
 

Con chuột lên xe cũng biết

Một chủ kinh doanh vận tải tại Khánh Hòa nói: “Xe có gắn hộp đen thì việc một con chuột lọt lên xe cũng biết nó đi đâu, xuống đâu, huống hồ gì nói đến kiểm soát tốc độ, vì mọi thông số đều hiện chi tiết trên đó, người ở nhà biết mật khẩu hộp đen là có thể biết chi tiết hành trình. Thế nhưng hiện nay, các sở GTVT trên cả nước có mấy tỉnh nắm được mật khẩu hộp đen của các nhà xe. Vì thế, các nhà xe dù có gắn hộp đen đi chăng cũng chỉ nhằm đối phó là chủ yếu”.

 

Nhiều đoạn đường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chẳng khác gì những... mương nước, như: ngã ba thị xã Ninh Hòa, ngã ba QL1A giao với đường đi Đà Lạt, nhiều đoạn từ P.Ba Ngòi (TP.Cam Ranh) đến giáp ranh tỉnh Ninh Thuận... Xe trọng tải nặng đã khiến đường bị lún, tạo thành những rãnh rất sâu. Tài xế Trần Minh Hiếu (quê Quỳnh Lưu, Nghệ An) chia sẻ: “Lái xe đường dài đều phải nằm lòng những đoạn đường này. Đi đến đây buộc phải giảm tốc độ, cho xe lăn bánh vào giữa những rãnh ấy, nếu không bánh xe chệch rãnh, dễ bị mất lái, lật. Ớn nhất vẫn là hôm gặp trời mưa, đường trơn nên nhiều xe cứ liệng qua liệng lại. Đường xấu, lơ là sẽ chết như chơi”.

Ông Nguyễn Công Định, Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa, Phó trưởng ban ATGT tỉnh, cũng than: “Ban ATGT tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Tổng cục Đường bộ đầu tư kinh phí để giải quyết những hạn chế về hạ tầng giao thông trên tuyến nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng”.

Vụ tai nạn khiến 7 người chết, 22 người bị thương xảy ra sáng 7.6.2013 tại Km 43 như một điểm đen mới nổi trên tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt. Có lẽ, vì trước đó chưa có vụ tai nạn nghiêm trọng nào xảy ra trên tuyến đường này nên nhiều tài xế chủ quan khi qua đây. Trên thực tế, tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt dài hơn 130 km, phần lớn là đường đèo, có nhiều khúc cua gấp với một bên là vách núi cheo leo và một bên là vực sâu; riêng đoạn qua đèo Hòn Giao dài khoảng 30 km nằm ở độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển nên thường có sương mù bao phủ. Gần 20 năm trong nghề, anh Nguyễn Thái Trung (tài xế chạy xe khách tỉnh Quảng Trị, chuyên đưa khách tham quan Nha Trang và Đà Lạt) chia sẻ: “Mặc dù có mặt đường đẹp, lưu lượng xe qua lại ít nhưng lái xe qua đây đòi hỏi phải thông thạo đường, biết cách sử dụng thắng xe hợp lý, nhất là lúc đổ đèo”.

“Điểm đen” quản lý

Từ đầu năm đến nay, trước tình hình TNGT tại Khánh Hòa tăng mạnh (hơn 30% so với cùng kỳ), các ngành chức năng đã tăng cường nhân lực, phương tiện, trang thiết bị đến các huyện, thị, tập trung dọc QL1A (từ Km 1366+400 đến Km 1525). Lực lượng CSGT tăng thêm các tổ tuần tra kiểm soát, từ 4 tổ tuần tra/ca nâng lên 8 tổ/ca; tăng thêm các tổ đo tốc độ cả ngày và đêm trên toàn tuyến QL1A đi qua địa bàn (trước đây 2-3 tổ, nay nâng lên 4-5 tổ trên/ca).

Một vấn đề đặt ra ở đây là dù các xe khách, xe tải bắt buộc phải gắn hộp đen để theo dõi lịch trình, nhưng đến nay việc giám sát các đối tượng xe này qua hộp đen lại tỏ ra mù mờ, trong khi chạy quá tốc độ là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn. Ông Nguyễn Văn Dần, Phó giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa, thừa nhận: “Việc quản lý, giám sát lịch trình qua hộp đen thường do các nhà xe tự theo dõi. Từ tháng 4.2013, chúng tôi mới cho lực lượng đi kiểm tra, đến nay chưa có báo cáo cụ thể”.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh cũng cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn hầu hết là do ý thức người tham gia giao thông kém. Điển hình như vụ tai nạn khiến 12 người chết, gần 60 người bị thương xảy ra trên địa bàn TP.Cam Ranh là do xe khách biển số 76M-1154 chạy quá tốc độ, lấn đường và tông trực diện vào xe khách biển số 77B-003.69 chạy chiều ngược lại. Lúc xảy ra tai nạn, xe 76M-1154 chạy với tốc độ 90 km/giờ, xe 77B-003.69 chạy 89,9 km/giờ, trong khi tốc độ tối đa cho phép tại đoạn đường này là 70 km/giờ. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn là sau khi xảy ra tai nạn, các cơ quan chức năng phải mất gần 20 ngày mới tìm thấy hộp đen để giải mã, xác định tốc độ xe. Trong khi đó, nếu việc quản lý hộp đen này thực hiện nghiêm chỉnh thì chỉ cần hỏi nhà xe là dễ dàng biết được toàn bộ lịch trình của xe.

Hiền Lương - Nguyễn Chung
 

ĐỀ NGHỊ BỘ GIAO THÔNG NÊN PHÂN CẤP CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRỰC TIẾP QUẢN LÝ CÁC TUYẾN ĐƯỜNG QUỐC LỘ
Hiện nay các tuyến đường quốc lộ đều do Bộ Giao thông vận tải quản lý từ khâu làm mới đến khâu bảo dưỡng duy tu sửa chữa , các địa phương không có thẩm quyền trong vấn đề nâng cấp mở rộng hay duy tu sửa chữa. Hệ thống bộ máy quản lý đường quốc lộ trong cả nước rất cồng kềnh quá nhiều biên chế, Bộ giao thông vận tải giao cho Tổng cục đường bộ Việt Nam trực tiếp chỉ đạo chung trong cả nước, dưới Tổng cục có các Khu quản lý đường bộ trực tiếp quản lý gồm nhiều tỉnh, dưới Khu quản lý đường bộ có các Công ty quản lý sửa chữa đường bộ trực thuộc chịu trách nhiệm quản lý sửa chửa tuyến đường quốc lộ .
Cụ thể như tại khu vực miền trung và tây nguyên có Khu quản lý đường bộ khu 5 quản lý , riêng đối với 2 tỉnh Đăklăk và Đăknông có Công ty quản lý đường bộ Đăklăk chịu trách nhiệm quản lý duy tu sửa chữa. Trong những năm qua trên tuyến đường quốc lộ 14 chỉ có đoạn đường khoảng 350km từ Thành phố Buôn Ma Thuột đến Thành phố Hồ chí Minh trước đây có đến 7 trạm thu phí , tiền thu phí qua trạm rất nhiều ,nhưng Tổng cục đường bộ VN để dành cho duy tu sửa chữa không được bao nhiêu , tuyến đường quốc lộ 14 xuống cấp nghiêm trọng phóng viên báo đài phản ánh liên tục nhưng cũng không được khắc phục. Trong khi đó các vụ tai nạn giao thông xãy ra trên các tuyến đường quốc lộ Chủ tịch UBND các địa phương phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, lãnh đạo Bộ Giao thông hầu như không có trách nhiệm gì, thậm chí còn đề nghị cách chức Chủ tịch UBND Tỉnh nào để xảy ra nhiều vụ tai nạn, đây là vấn đề bất hợp lý.
Chúng ta đều biết một số nước trên thế giới nếu có 1 vụ tai nạn xảy ra nghiêm trọng thì lập tức Bộ trưởng Bộ Giao thông làm Đơn xin từ chức. Để khắc phục tình trạng trên, đề nghị Bộ giao thông vận tải, Tổng cục đường bộ VN nên phân cấp cho các địa phương quản lý trong việc bảo dưỡng bảo trì các tuyến đường quốc lộ đi ngang qua địa phận của Tỉnh mình. Nếu được phân cấp về cho địa phương quản lý trong việc duy tu sửa chữa, thì các Tỉnh sẽ chủ động trong việc sửa chữa khắc phục kịp thời các đoạn đường quốc lộ bị xuống cấp, các điểm đen thường xảy ra tai nạn giao thông và chịu trách nhiệm công tác đảm bảo an toàn giao thông ở địa phương mình trước Chính phủ và Bộ giao thông.

MINH TRÍ

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây