Về lãng phí và luật chống lãng phí

Thứ ba - 18/06/2013 03:39 - Đã xem: 1015
Vừa qua Chính phủ trình QH cho ý kiến lần đầu dự thảo đề nghị sửa đổi luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, với mục tiêu để “hoàn thiện thêm cơ chế đấu tranh chống các hành vi gây lãng phí một cách hiệu lực”.

Dưới góc nhìn của các chuyên gia về luật pháp thì từ ngữ của văn bản luật này còn xa rời thực tế và mục tiêu thực hiện. Phần giả định, quy định và chế tài còn khấp khểnh.

Vì vậy dù từ  tháng 1 năm 2006 luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu lực.

Nhưng sau 7 năm thực hiện thì báo cáo của Chính phủ thừa nhận: "Tình trạng lãng phí chưa ngăn chặn được, vẫn xảy ra trên nhiều lĩnh vực", từ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; quản lý đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, đến lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước…

Thực tế cho thấy cái mệnh đề tên của luật và mục tiêu của văn bản này còn khấp khểnh như tên luật là “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí “. Nếu coi chống lãng phí là trọng tâm thì không nên có một mệnh đề kiểu hô hào khẩu hiệu ở tên của luật là “thực hành tiết kiệm”. Vì thực hành tiết kiệm là mệnh đề có tính động viên khích lệ không có yếu tố chế tài. Như vậy ngay cái tên gọi của luật này cũng cần phải hiệu chỉnh cụ thể là luật chống lãng phí, để thể hiện rõ mục tiêu cho việc thiết kế các cơ chế phát hiện, chế độ trách nhiệm và đặc biệt là biện pháp chế tài của luật. Ta phân tích từng khía cạnh của vấn đề như sau:

Thứ nhất: Trong logic của văn bản luật sự kết nối giữa giả định quy định và chế tài phải khoa học rõ ràng mạch lac, đặc biệt phần chế tài cần chỉ rõ tính nghiêm minh của luật pháp nó là dấu ấn quan trọng nhất của một văn bản luật.

Thứ hai: Luật chống lãng phí thì phải có sự nhận diện hay định nghĩa hoặc quy định thế nào là lãng phí, mức độ thế nào được coi là lãng phí, ở mức độ bao nhiêu thì xử lý như thế nào và đặc biệt cần quy định rõ trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân. Tránh tình trạng suốt 7 năm, không có một cá nhân, tập thể nào bị xử lý vì để xảy ra lãng phí, thất thoát; trong khi tình trạng cầu xây xong bỏ hoang vì không có đường dẫn, công trình trăm tỉ “đắp chiếu” do thiếu trang thiết bị ... Rồi Biệt thự bỏ hoang .... rồi lãng phí cả ở các bộ ngành như y tế, giáo dục vẫn là hiện tượng thường xuyên.

Thứ ba: Có thể gây lãng phí ngay từ khi làm luật

Cụ thể Quốc hội đưa ra một bộ luật thì tốn biết bao thời gian, công sức và tiền thuế của nhân dân nhưng tên gọi còn chung chung. Trong khi đó, suốt 7 năm qua, báo cáo của Chính phủ thừa nhận: "Tình trạng lãng phí chưa ngăn chặn được, vẫn xảy ra trên nhiều lĩnh vực".

Nhìn ra thế giới Khi đọc về nguyên tắc tiết kiệm và kinh tế trong các nguyên tắc cơ bản về ngân sách của Đức trong tài liệu online đơn giản Wikipedia họ đã nhắc đến Hiến pháp (Đ.114) và các Luật về ngân sách. Tôi không tin ở Đức có Luật riêng về tiết kiệm mà họ dựa vào các Luật về ngân sách có sẵn (và Hiến pháp), thiệt hại do lãng phí gây ra ngang bằng hoặc hơn cả tham nhũng. Ngược lại, ở Việt Nam, tham nhũng  khi bị phát hiện thì ít nhiều bị xử lý còn lãng phí thì không một ai phải chịu trách nhiệm.  “Ngay cả việc ban hành luật của Quốc hội, nhiều đạo luật nằm trên giấy không đi vào cuộc sống thì đó cũng là một loại lãng phí” - Lời của ĐB Lê Thanh Vân Đoàn HP.

Gần đây nhất tại điều 29 trong dự thảo nghị định xử phạt còn đề ra mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi “mua dâm có tính chất đồi trụy”. Dư luận và giới chuyên gia lại đặt ra vấn đề mua dâm thế nào thì “có tính chất đồi trụy”. Đây là khái niệm rất khó định nghĩa rõ ràng. Như thế, nếu quy định này có hiệu lực thì làm sao có thể thực thi và có hiệu quả không?

Dẫu biết rằng các quy định trên chỉ mới ở mức dự thảo và việc Bộ Công an công bố để xã hội góp ý, phản biện là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, những bất cập được chỉ ra cũng rất cơ bản và lẽ ra cơ quan chức năng phải tính đến từ sớm. Đến ngày 8/6, Bộ Công an thông báo phải chỉnh lý lại dự thảo trên rồi mới tiếp tục đăng tải để lấy ý kiến người dân. Dù chỉ là dự thảo nhưng cứ phải đưa lên - rút xuống chắc chắn gây lãng phí thời gian, công sức của cơ quan chức năng lẫn của xã hội đây cũng là một loại lãng phí.

Tương tự, sự lãng phí này còn xuất hiện trong các điều luật hợp lý có hướng dẫn rồi nhưng do thiếu tính toán xa hơn mà không đem lại kết quả gì đáng kể. Điển hình như quy định xử phạt người gọi điện thoại di động ở các trạm xăng thì ai sẽ xử phạt.

Vì vậy để chống hay là tránh lãng phí khi ban hành những điều luật không thể đi vào cuộc sống, chúng ta cần hoàn thiện bộ quy chuẩn để ban hành luật ngay từ bước lập dự thảo. Điển hình như tiêu chí, định nghĩa rõ ràng về mức vi phạm, lực lượng và phương thức thực thi quy định cụ thể từ phần giả định,quy đinh và chế tài cần đáp ứng bộ quy chuẩn.

Thứ tư: Chế tài xử lý lãng phí chưa nghiêm

Chế tài là phần căn bản và cốt lõi của một văn bản pháp luật nhưng hầu hết các quy định ở phần chế tài ở các điều luật, hay bộ luật của chúng ta đều chưa rõ mức độ và đặc biệt là chưa nghiêm Ví dụ điển hình về chế tài chống lãng phí là tình trạng điều chỉnh tăng DAĐT quá lớn ở hầu hết các dự án, dẫn đến mất cân đối về nguồn vốn và hiện tượng điều chỉnh tổng vốn đầu tư tới 6 lần là có thực trong quá trình thực hiện này theo dẫn chứng của cơ quan giám sát thông báo.

Những ngành, lĩnh vực có dự án đội vốn đầu tư lên nhiều so với dự toán được cơ quan giám sát dẫn theo Báo cáo số 196 của Chính phủ, là các dự án giao thông, các dự án thủy lợi, các dự án bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh và đặc biệt là khâu chế tài để xử lý vẫn còn là khoảng chống pháp lý cho các hiện tượng này.

Thứ năm: Gây lãng phí lớn ngay trong luật

Ví như quy định tại khoản 2 điều 27 của luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, dự án đầu tư trước khi quyết định đầu tư phải xác định rõ nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện dự án đúng tiến độ. Nghiêm cấm việc bố trí dàn trải vốn đầu tư gây nợ đọng khối lượng xây dựng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có rất nhiều dự án trước khi quyết định đầu tư chưa đảm bảo thực hiện đúng quy định này, nhiều dự án ở nhiều bộ, ngành và địa phương thường không cân đối đủ vốn đầu tư, vượt quá khả năng kinh tế, có quá nhiều dự án được phê duyệt nhưng không đủ nguồn lực thực hiện, dẫn tới thiếu vốn nghiêm trọng, nợ đọng XDCB, nhiều dự án dở dang, gây lãng phí lớn cho ngân sách, chính vì văn bản luật không rõ ràng và thực thi không nghiêm chế tài lỏng lẻo mà tạo thành một làn sóng “chạy dự án“ mà không đủ lực thực hiện để rồi dự án lại bỏ dở gây lãng phí nghiêm trọng.

Thứ sáu: Vì sao không giám sát được lãng phí!

Dân không thể giám sát các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng vốn ngân sách, tài nguyên quốc gia, tài sản nhà nước vì được che giấu, đóng kín cửa . Người dân cũng không có quyền và cũng không có chế tài về quyền được giám sát.

Trong dự thảo luật chưa điểm đúng huyệt về hạn chế, yếu kém, cũng như khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện. “Chính phủ báo cáo triển khai kết quả đáng khích lệ về tiết kiệm, tuy nhiên lãng phí chưa ngăn chặn được, đặc biệt trên nhiều lĩnh vực. Cách báo cáo kiểu đi hàng hai, đi cách nào cũng được, chưa dám nhìn thẳng vào sự thật”.

Nếu có căn cứ tùy theo mức độ vi phạm lãng phí trong đơn vị, trước hết là kỷ luật, nếu nghiêm trọng thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Và luật phải đưa ra quy định minh bạch trong sử dụng vốn, tài sản nhà nước, đất đai... từ mục đích, hiệu quả sử dụng, như vậy sẽ xóa bỏ được cơ hội tham nhũng, lãng phí và tạo điều kiện cho người dân giám sát. “Các cơ quan cứ đóng kín cửa, dân đứng ngoài thì biết đâu trong đó lãng phí cái gì”.

Thứ bảy: Các văn bản ban hành cũng có thê là nguyên nhân gây lãng phí

Tại sao vẫn còn nhiều thất thoát, lãng phí? Cụ thể trong quản lý đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra: Việc quản lý và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong những năm qua còn nhiều hạn chế, yếu kém, thất thoát, lãng phí xảy ra ở hầu hết các giai đoạn của quá trình đầu tư, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp. Trong năm 2010, cả nước có 3.386 dự án chậm tiến độ, 221 dự án vi phạm quy định về quản lý đầu tư... Còn kết quả kiểm toán 8 tháng đầu năm 2012 cho thấy hầu hết các dự án đầu tư được kiểm toán đều có sai phạm trong công tác đấu thầu, thẩm định, phê duyệt dự án, nghiệm thu khống, nghiệm thu sai...Sở dĩ có tình trạng trên, ngoài các nguyên nhân như đã biết còn do sự lạc hậu, sư hở của chính các văn bản. Trong cuộc sống hàng ngày, có thể thấy rõ điều này khi chế tài sử phạt cao nhất cũng chỉ chục triệu trong khi lãi của một chuyến hàng gấp nhiều lần số ấy.

Kết luận: Luận bàn về lãng phí và luật chống lãng phí cũng như quy trinh ban hành một văn bản pháp luật của Quốc Hội điều kiện cần và đủ là  đảm bảo tính thực tế khách quan và tính khoa học, từ ngữ phải đủ,đúng và minh bạch. Từ những tiêu chí đó, có thể thấytiêu đề tên của luật là luật chống lãng phí chứ không phải là luật “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” hơn thế nữa cần làm rõ các phần giả định, quy định và chế tài để thực thi có hiệu lực. 

Hy vọng rằng những nhà làm luật khi xây dựng và ban hành một văn bản pháp luật cần nghiên cứu, khảo sát và tính toán sao cho  không lãng phí và có hiệu lực giá trị thi hành đó cũng là một hình thức chống lãng phí.

 
Mai Huy
 
CẦN CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG LÃNH VỰC ĐẤT ĐAI VÀ TÀI SẢN CÔNG HIỆN NAY
Qua tính toán của Bộ tài chính nếu quản lý tốt và có phương án thu ngân sách từ đất đai, thì có thể số thu ngân sách từ đất có thể đạt từ 4 đến 5 tỷ USD/ năm, đây là con số không nhỏ nhà nước có thể đầu tư cho cơ sở hạ tầng còn thấp kém của nước ta hiện nay. Hiện nay tình trạng lãng phí đất đai phổ biến trong cả nước nhất là tập trung ở các đô thị lớn ở các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, địa phương kiểm tra phát hiện muốn thu hồi sử dụng chuyển sang mục đích khác phục vụ cho phúc lợi công cộng hoặc thương mại dịch vụ nhưng không thực hiện được. Xuất phát do cơ chế quản lý đất đai hiện nay , các đơn vị tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp…và các đơn vị khác trực thuộc Bộ ban ngành trung ương quản lý ; do vậy địa phương không có thẩm quyền thu hồi đất đai . Trong thời gian vừa qua nhiều địa phương đã tích cực thành lập nhiều đoàn rà soát lại tình hình sử dụng đất đai của địa phương mình, nhằm phát hiện qũy đất công để có phương án để sử dụng cho phúc lợi công cộng như chợ, siêu thị , trường học , bệnh viện , hoa viên, công viên, khu dân cư… , tuy nhiên qua kiểm tra phát hiện đất đai sử dụng chưa hiệu quả còn lãng phí tập trung ở các đơn vị trực thuộc trung ương; như ở TP.HCM nhiều kho bãi với diện tích hàng trăm ha đơn vị không sử dụng , hoặc tự ý cho tổ chức hoặc cá nhân thuê để tăng thu nhập cho đơn vị mình, không nộp cho ngân sách nhà nước một đồng nào, đáng lẽ khoản thu này phải được nộp cho ngân sách nhà nước; như tại Hà Nội các cháu học sinh hệ mầm non mẫu giáo các trường đều quá tải, nhưng địa phương không có đất để xây dựng trường học cho các cháu, mặc dù có nhiều tài sản, đất đai thuộc các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước không sử dụng lại cho các tổ chức cá nhân thuê. Qua kiểm tra địa phương đã kiến nghị với các Bộ ban ngành trung ương, thu hồi đất của các đơn vị để lãng phí giao cho địa phương quản lý sử dụng, nhưng không được, vì Bộ ban ngành nào đều muốn giữ đất cho ngành mình. Để khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, thực hiện theo quy hoạch đất đai dài hạn , kế hoạch sử dụng từng thời kỳ đã được Hội đồng nhân tỉnh, thành phố thông qua và được Chính phủ phê duyệt cho địa phương, đề nghị trung ương nên phân cấp cho địa phương thẩm quyền thu hồi đất và tài sản trên đất đối với các đơn vị trung ương sử dụng không hiệu quả , tránh tình trạng lãng phí đất đai như hiện nay, để địa phương xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, hoặc xây dựng phương án đấu giá đất tăng thu cho ngân sách, đầu tư cơ sở hạ tầng. Điều chỉnh kịp thời tiền thuê đất sát với giá thị trường, để các đơn vị thuê bao nhiêu diện tích cần cân nhắc tính toán nhu cầu cần thiết diện tích để thuê. Một số đơn vị thuộc bộ ban ngành trung ương nhất là Bộ quốc phòng có qũy đất rất lớn nằm trong nội thị thuộc khu vực trung tâm thương mại dịch vụ , nhưng không phát huy hiệu quả tiềm năng của đất , như ở TP.HCM, Hà Nội vv… với quan điểm tấc đất tấc vàng, đề nghị cho phép địa phương được chuyển đổi qũy đất ở vị trí khác thích hợp , nhằm khai thác tiềm năng qũy đất trên phù hợp với quy hoạch đất đai được phê duyệt. Nếu thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ chống được sự lãng phí trong lãnh vực đất đai, đồng thời khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
MINH TRÍ

Nguồn tin: Báo Tầm Nhìn Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây