Được truyền thông quốc tế khen ngợi trong suốt tuần qua, sau bài phát biểu gây chú ý tại Đối thoại Shangri-La 2013, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trở nên nổi bật trên chính trường Châu Á . Vai trò quan trọng của ông củng cố niềm tin cho nhà đầu tư tới Việt Nam, ông là người không thể thiếu trong bối cảnh nền kinh tế mới nổi này đang bị thử thách bởi những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Nhiều học giả danh tiếng trên thế giới đã dành cho ông Dũng những lời ngợi khen, ủng hộ những thông điệp của ông về “xây dựng niềm tin chiến lược” như chìa khóa để gìn giữ hòa bình và thúc đẩy sự phát triển. Từ sau chiến tranh tới nay, ông Dũng là vị nguyên thủ đầu tiên của Việt Nam có tầm ảnh hưởng như vậy tới chính trường quốc tế. Ông Dũng- vị thủ tướng trẻ nhất của Việt Nam kể từ 1975, cũng như nhiều thế hệ lãnh đạo của Việt Nam- đều kinh qua chiến tranh. Ông là “con nhà nòi”, có cha là cán bộ kháng chiến và là người lính dũng cảm trên mọi mặt trận. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với bài phát biểu được dư luận đánh giá cao
tại Đối thoại Shangri-La
Ông từng kinh qua nhiều nhiệm vụ từ cơ sở tới T.Ư, từng là Thứ trưởng Bộ Công an nhưng cũng từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bằng tài năng xuất chúng của mình và sự trải nghiệm ở nhiều vị trí công tác ông đã “lật ngược” nhiều thế cờ khó. Ông đã tạo ra bước ngoặt cho Việt Nam.
Ông Dũng lên nhậm chức Thủ tướng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khủng hoảng nhưng Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế GDP 8,23% năm 2007. Kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ đô la Mỹ, tăng 24% so với năm 2005, và vượt kế hoạch 2 tỷ đô la. Thị trường chứng khoán đạt 800 điểm, đầu tư nước ngoài tăng đột biến đạt trên 10 tỷ đô la, ODA cam kết hỗ trợ 4,5 tỷ đô la.
Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại thế giới WTO, và chính phủ Mỹ thông qua quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam (PNTR). Quan trọng hơn, tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội trong suốt hai nhiệm kỳ của ông Dũng được đánh giá là khá ổn định. Ông đã đẩy mạnh việc xóa đói giảm nghèo, có chính sách cởi mở hơn trong quan hệ ngoại giao đa phương. Ông được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, như một chính trị gia xuất sắc của Châu Á.
Là Thủ tướng, người lính của nhân dân, với ông Dũng không gì quan trọng hơn bảo vệ chủ quyền đất nước. Suốt 30 năm qua, từ lúc cầm súng cho tới khi cầm bút ký vào những quyết định quan trọng liên quan tới vận mệnh đất nước, ông Dũng chưa bao giờ quên trọng trách đó của mình. Kiên quyết nhưng khôn khéo, đầy bản lĩnh, ông trở thành chính trị gia có tầm ảnh hưởng, có tiếng nói thuyết phục về vấn đề biển Đông với quan điểm cần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Tại Shangri-La 2013, một lần nữa thông điệp về hòa bình được ông đưa ra dưới quan điểm cần xây dựng niềm tin chiến lược. Ông tỏa sáng khi bàn về một niềm tin giữa các nước với nhau nhằm củng cố, giữ gìn an ninh châu Á, hòa bình khu vực và thế giới.
Cũng niềm tin ấy, ông Dũng đang hướng các nhà đầu tư tới với Việt Nam và nhìn Việt Nam với cái nhìn dài hạn và tin tưởng. Ông chứng minh cho nhà đầu tư thấy họ có thể tin tưởng vào Chính phủ Việt Nam, bằng các chính sách tài khóa, bằng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, minh bạch trong thu hút đầu tư, cải cách hành chính công và chống tham nhũng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã có những đánh giá tích cực về một số diễn biến kinh tế vĩ mô và điều hành chính sách của Việt Nam.
IMF khẳng định thị trường tài chính Việt Nam đã bình ổn trở lại, nhờ nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc cung cấp thanh khoản và sáp nhập một số ngân hàng nhỏ, yếu kém. Thặng dư cán cân vãng lai tăng lên hơn 9 tỷ USD trong năm 2012 một phần nhờ nhập khẩu thấp và hoạt động kinh tế yếu. Nhờ đó, tổng dự trữ quốc tế tính đến cuối tháng 2/2013 đã tăng lên hơn 2,5 tháng nhập khẩu dự kiến đối với hàng hóa và dịch vụ. Cũng theo IMF, chính sách kinh tế của Việt Nam đã khá thành công trong việc tái lập sự ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này được thể hiện qua việc lạm phát giảm mạnh, mà nhờ đó củng cố niềm tin vào đồng nội tệ.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng trở lại, nổi bật là dòng vốn từ các doanh nghiệp Hàn Quốc. Hiện có 1500 nhà máy của các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện diện ở Việt Nam. Thậm chí, ở thời điểm này, các doanh nghiệp Hàn Quốc lên kế hoạch chi hàng tỷ USD vào Việt Nam qua các dự án công nghệ cao và trở thành điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.
Sau khi đã có tổ hợp sản xuất điện thoại di động trị giá 1,5 tỷ USD tại Bắc Ninh, tháng 3 vừa qua, Samsung đã khởi động việc rót thêm 2 tỷ USD để xây tổ hợp sản xuất điện thoại di động và các thiết bị công nghệ cao tại Thái Nguyên. Với dự án mới này, dự kiến mỗi năm tập đoàn cho ra đời thêm 100 triệu sản phẩm. Tập đoàn LG Electronics cũng đang có kế hoạch đầu tư 300 triệu USD triển khai dự án điện tử, điện máy tại Hải Phòng.
Mới đây, Công ty TNHH Heasung Vina chuyên sản xuất camera cho điện thoại thông minh của Samsung đã tăng vốn gấp 3 lần lên 36 triệu USD nhằm nâng công suất lên 25 triệu sản phẩm mỗi năm. Ngày 14/5 vừa qua, công ty TNHH Doosun Industries cũng được cấp giấy chứng nhận đầu tư 14 triệu USD để xây một nhà máy in công nghệ cao phụ trợ cho Samsung. Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) cho biết: “thời gian tới sẽ có ngày càng nhiều các doanh nghiệp vệ tinh đầu tư vào Việt Nam theo các dự án của Samsung và LG”.
Không còn nghi ngờ gì nữa, chỉ có niềm tin vào sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội mới “níu” chân được các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam thay vì đầu tư vào những “mảnh đất vàng” của Châu Á như Myanmar hay Philippin. Chính phủ của ông Dũng đã làm rất tốt điều đó, đã xây dựng được niềm tin cho nhà đầu tư. Và ông Dũng, vị nguyên thủ suất sắc của Châu Á, mỗi ngày vẫn miệt mài xây dựng niềm tin đó cho đất nước mình từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông trong điều hành đất nước cũng như các hoạt động ngoại giao. Ông là vị thuyền trưởng dũng cảm, dày dạn kinh nghiệm và bản lĩnh trên con thuyền đưa Việt Nam ra biển lớn.
Theo Lee Moon-shik
The Korea Herald