Lãng phí không kém gì... tham nhũng

Thứ tư - 19/06/2013 02:23 - Đã xem: 1114
“Lãng phí hiện nay ở nước ta không kém gì với tham nhũng nhưng chế tài, quy trách nhiệm cho người đứng đầu trong luật không chặt chẽ”, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) nêu quan điểm thảo luận luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi của QH sáng nay (18.6).

Cùng đánh giá đó, hầu như các ĐB phát biểu đều đề nghị luật có chế tài xử lý nghiêm người đứng đầu cơ quan để lãng phí, lãng phí nhiều có thể là tham nhũng, phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

ĐB Nguyễn Xuân Thủy cho rằng nhiều trường hợp lãng phí có nguyên nhân do việc đưa ra các quyết định đầu tư dự án, mua máy móc của người đứng đầu, cơ quan tổ chức không phù hợp, không đúng, dàn trải.

“Vì vậy, cần chế tài xử lý nghiêm minh, phù hợp; quy định người đứng đầu chịu trách nhiệm, quản lý và sử dụng đúng định mức tiêu chuẩn, chế độ”, ĐB Thủy nói.

 


Đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) đánh giá lãng phí ở nước ta hiện nay không kém gì với tham nhũng - Ảnh: Ngọc Thắng

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) và nhiều ĐB khác nhận định điểm nghẽn then chốt trong luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiện nay là “định mức chế độ, tiêu chuẩn”.

Theo các ĐB phân tích, “định mức chế độ, tiêu chuẩn” chính là trọng tâm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; là khung để đánh giá lãng phí hay không lãng phí.

 

 
 
Nếu lãng phí ít thì xử lý hành chính, còn lãng phí nhiều là tham nhũng, phải có quy định truy cứu trách nhiệm hình sự
 
ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang)
 
Qua đó, ĐB Nguyễn Mạnh Cường đề nghị: “Luật phải bổ sung, có giải pháp cụ thể để giải quyết định nghẽn then chốt là “định mức chế độ, tiêu chuẩn”. Mà định mức này phải sát thực tiễn, chứ không sát thực tiễn, không phù hợp thì lại gây lãng phí”.

“Nếu lãng phí ít thì xử lý hành chính, còn lãng phí nhiều là tham nhũng, phải có quy định truy cứu trách nhiệm hình sự”, ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) phát biểu.

Vì vậy, theo ĐB Tấn cần có quy định hành vi, mức độ lãng phí để có chế tài xử lý.

“Phải xem xét và có chế tài xử phạt nghiêm với định mức này”, ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) góp ý.

“Hiện chỉ có kiểm toán, kho bạc phát hiện ra lãng phí nhưng nhiều lúc kho bạc, kiểm toán cũng xuê xoa. Quý vị cứ lấy số tiền hằng năm các đơn vị phải nộp lại do kho bạc, kiểm toán phát hiện ra thì tôi nghĩ con số đó cũng chỉ mới là một nửa; còn một nửa cũng giống như vậy lãng phí đã được “xuê xoa”, ĐB Thạch nói.

Bên cạnh đó, một số ĐB có ý kiến rằng phạm vi điều chỉnh của luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chỉ nên trong phạm vi Nhà nước (quản lý, sử dụng vốn, ngân sách nhà nước, tài sản - tài chính công,…), không quy định điều chỉnh trong phạm vi doanh nghiệp tư nhân, cá nhân vì như vậy là không khả thi.

Nguyên Mi
 

LÃNG PHÍ TRONG LÃNH VỰC ĐẤT ĐAI VÀ TÀI SẢN CÔNG HIỆN NAY AI CHỊU TRÁCH NHIỆM?
Qua tính toán của Bộ tài chính nếu quản lý tốt và có phương án thu ngân sách từ đất đai, thì có thể số thu ngân sách từ đất có thể đạt từ 4 đến 5 tỷ USD/ năm, đây là con số không nhỏ nhà nước có thể đầu tư cho cơ sở hạ tầng còn thấp kém của nước ta hiện nay. Hiện nay tình trạng lãng phí đất đai và tài sản công ( trụ sở cơ quan) phổ biến trong cả nước nhất là tập trung ở các đô thị lớn ở các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, địa phương kiểm tra phát hiện muốn thu hồi sử dụng chuyển sang mục đích khác phục vụ cho phúc lợi công cộng hoặc thương mại dịch vụ nhưng không thực hiện được. Xuất phát do cơ chế quản lý đất đai hiện nay , các đơn vị tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp…và các đơn vị khác trực thuộc Bộ ban ngành trung ương quản lý ; do vậy địa phương không có thẩm quyền thu hồi đất đai . Trong thời gian vừa qua nhiều địa phương đã tích cực thành lập nhiều đoàn rà soát lại tình hình sử dụng đất đai của địa phương mình, nhằm phát hiện qũy đất công để có phương án để sử dụng cho phúc lợi công cộng như chợ, siêu thị , trường học , bệnh viện , hoa viên, công viên, khu dân cư… , tuy nhiên qua kiểm tra phát hiện đất đai sử dụng chưa hiệu quả còn lãng phí tập trung ở các đơn vị trực thuộc trung ương; như ở TP.HCM nhiều kho bãi với diện tích hàng trăm ha đơn vị không sử dụng , hoặc tự ý cho tổ chức hoặc cá nhân thuê để tăng thu nhập cho đơn vị mình, không nộp cho ngân sách nhà nước một đồng nào, đáng lẽ khoản thu này phải được nộp cho ngân sách nhà nước; như tại Hà Nội các cháu học sinh hệ mầm non mẫu giáo các trường đều quá tải, nhưng địa phương không có đất để xây dựng trường học cho các cháu, mặc dù có nhiều tài sản, đất đai thuộc các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước không sử dụng lại cho các tổ chức cá nhân thuê. Qua kiểm tra địa phương đã kiến nghị với các Bộ ban ngành trung ương, thu hồi đất của các đơn vị để lãng phí giao cho địa phương quản lý sử dụng, nhưng không được, vì Bộ ban ngành nào đều muốn giữ đất cho ngành mình. Để khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, thực hiện theo quy hoạch đất đai dài hạn , kế hoạch sử dụng từng thời kỳ đã được Hội đồng nhân tỉnh, thành phố thông qua và được Chính phủ phê duyệt cho địa phương, đề nghị trung ương nên phân cấp cho địa phương thẩm quyền thu hồi đất và tài sản trên đất đối với các đơn vị trung ương sử dụng không hiệu quả , tránh tình trạng lãng phí đất đai như hiện nay, để địa phương xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, hoặc xây dựng phương án đấu giá đất tăng thu cho ngân sách, đầu tư cơ sở hạ tầng. Điều chỉnh kịp thời tiền thuê đất sát với giá thị trường, để các đơn vị thuê bao nhiêu diện tích cần cân nhắc tính toán nhu cầu cần thiết diện tích để thuê. Một số đơn vị thuộc bộ ban ngành trung ương có qũy đất rất lớn nằm trong nội thị thuộc khu vực trung tâm thương mại dịch vụ , nhưng không phát huy hiệu quả tiềm năng của đất , như ở TP.HCM, Hà Nội vv… với quan điểm tấc đất tấc vàng, đề nghị cho phép địa phương được chuyển đổi qũy đất ở vị trí khác thích hợp , nhằm khai thác tiềm năng qũy đất trên phù hợp với quy hoạch đất đai được phê duyệt. Nếu thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ chống được sự lãng phí trong lãnh vực đất đai, đồng thời khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

MINH TRÍ

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây