“Lãng phí" ...từ đâu?

Thứ hai - 15/07/2013 03:08 - Đã xem: 1010
Trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 28/6/2013, Ông Phạm Quang Nghị đã thẳng thắn chia sẻ: “Lãng phí có thể nói là nhìn thấy rất rõ, từ 1 dự án được cấp phép mãi không thấy làm: từ một lô đất được giải phóng mặt bằng bao nhiêu năm không được triển khai, từ công trình xây dựng thi công xong thấy chất lượng kém.
"Nguyên nhân là do bệnh hình thức, phô trương và đặc biệt là ý thức không tiết kiệm …”

Đúng nhưng chưa đủ


Ông Nghị Phạm Quang Nghị tại buổi tiếp xúc cử tri
Có thể nói đây là phát biểu thường thấy của các chính trị gia lão luyện. Thông tin mà Ông Nghị đưa ra không mới. Thậm chí nếu xem xét dưới góc độ là nêu thực trạng để tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp thì coi như không có thông tin. Đại loại là 1 cộng 1 bằng hai vậy. Tôi không nghi ngờ gì cái TÂM trong sáng của Ông  khi nêu vấn đề này với mong muốn góp phần giải quyết Quốc nạn lãng phí vốn nguy nan không thua gì tham nhũng. Nhưng rõ ràng tác dụng của thông điệp có giúp gì cho chống lãng phí hay không lại là câu chuyện khác.

Thật vậy, trước hết là Ông đã nói đúng nhưng chưa đủ. Lãng phí hiện nay không chỉ là như vậy. Thậm chí đấy là lãng phí cò con, là “hiện tượng” chưa đại diện cho “bản chất”. Tôi xin nêu thí dụ khác, có thể quy mô của lãng phí nhỏ hơn, nhìn cũng thấy mờ hơn nhưng theo tôi gần với bản chất hơn. Đó là hiện tượng đào đường rồi lấp lại hàng năm; là thủ tục hành chính rườm rà nhưng không quy được trách nhiệm cho ai cả làm cho nhân dân bức xúc; Là đầu tư cổng chào (may mà phanh kịp), hay cấp tập hoàn thành hàng trăm công trình mỗi dịp lễ hộị mà không nói thì chắc Ông  cũng đồng ý với tôi rằng chất lượng chắc chắn xấu, và sẽ phải đập đi làm lại. Đó chính là lãng phí do tư duy, do thuộc tính vốn có của con người trước hàng đống của công mà không có ai quản lý (Chính xác hơn, là rất nhiều quản lý nhưng thực chất lại không ai chịu trách nhiệm cả).

Đó còn là lãng phí do thiết kế cơ chế quản lý, do phân công phân cấp chồng chéo và do môi trường quản lý thiếu minh bạch đã luôn là điều kiện cần và đủ để cặp bài trùng tham nhũng, lãng phí sinh sôi. Xin đừng ai so sánh sự lãng phí mà tôi kể trên như là lát lại vài mét vỉa hè hay đào vài chục mét đường để đặt cái cống  giỏi lắm chỉ tỷ bạc so làm sao với hàng trăm tỷ mà Ông Nghị nói trên nhé. Xét đến cùng sự lãng phí đang làm nghèo đất nước mỗi ngày đều do cơ chế quản lý bất cập, thiếu sự cọ xát, va đập và soi xét của nhân dân. Trách nhiệm của ai, thưa Ông   –Ông là Người “to” nhất Hà nội!?.

Tôi băn khoăn khi nghe Ông nói: “Tuy nhiên, thực tế nhiều nơi còn xảy ra sai phạm khi lơi lỏng trong quản lý với nhiều mức độ khác nhau, từ xin một đằng, xây một nẻo tới xây dựng không phép… Trên thực tế những công trình đã bị xử lý và những cán bộ sai phạm đã bị kỷ luật. Nếu còn sai phạm sẽ phải xử lý cho chặt chẽ…”. Bởi nói như thế cũng như bắt bệnh sai. Không có chuyện cán bộ lơi lỏng. Trái lại họ đang rất chú tâm. Chỉ có điều đang chú tâm tìm kẻ hở để trục lợi trong  kiểu quản lý bưng bít thông tin như hiện nay.  Rõ ràng, nếu cấp phép xây dựng, cấp đất triển khai dự án mà được tiến hành minh bạch, có cạnh tranh (Phải là minh bạch có cạnh tranh chứ không phải minh bạch theo kiểu anh em một nhà đâu nhá) thì làm gì có những tồn tại nói trên, tai mắt nhân dân đâu phải dễ qua được.

Có giúp chống lãng phí?

Tôi băn khoăn còn bởi lẽ, không khéo lần tiếp xúc cử tri tới đây Ông Nghị sẽ nói lại đúng những điều Ông ấy nói hôm nay, có chăng chỉ sắp xếp lại ý tứ, ngôn từ mà thôi. Thế thì buồn quá. Câu chuyện nhà siêu mỏng đã qua ít nhất 3 nhiệm kỳ bí thư Thành uỷ, các Ông ấy hiện lại vẫn đang tại nhiệm đấy thôi, có xử lý được gì đâu. Rồi làng cổ Đường Lâm nơi Ông Nghị đã trực tiếp lên chỉ đạo. Xin nói thêm câu chuyện Đường lâm không phải chỉ bột phát gần đây đâu nhé, không phải chỉ là câu chuyện Ông cán bộ xã xây nhà thì được mà bà con xây lại không được, cũng không phải là bà con thắc mắc không được hưởng lợi gì từ vé tham quan đâu nhé. Đấy chỉ là giọt  nước tràn ly. Đường Lâm là hậu quả của thói quản lý văn hoá gặp đâu, hay đấy, ăn xổi ở thì, rất thiếu tầm nhìn. Tôi cũng nghĩ rằng, trong việc này, Ông Nghị có trách nhiệm thời Ông ấy làm Bộ trưởng Văn hoá. Độ lùi trong các chính sách quản lý Văn hoá là vậy đấy. Tôi còn nhìn thấy Ông Bộ trưởng Văn hoá hiện nay: Thích làm văn hoá nhưng không hiểu gì về văn hoá cả!. 5 năm, 10 năm tương đương 1 – 2 nhiệm kỳ của Ông, bốn xung quanh người ta phát triển như vũ bão thậm chí có nước đã mở ra kỷ nguyên phát triển mới mà mình thì lẹt đẹt quá.

Đích thị là cơ chế. Nhưng cơ chế là do con người và đất nước này ai làm cơ chế và quyết định cơ chế?.

Mặt khác, cũng cơ chế đấy nhưng sao Hội An, Ông Nguyễn Sự gầy gò, không sợ công luận lại làm tốt như vậy. Tôi không tin là Ông Nghị chưa đến Hội An nhưng tôi lại cũng mơ hồ nghĩ biết đâu trên con đường bách bộ thăm phố cổ thanh bình, hoà nhã, văn minh lịch sự Ông chả nghĩ: Hà Nội mình không thể thế này được như có lần Ông  từng nghĩ khi dẫn đại quân vào Đà Nẵng học tập kinh nghiệm. Nhân đây nói thêm, Tôi là một công dân lớn tuổi, là Đảng viên lâu năm, không bà con, họ hàng, không quen biết gì với Ông Nghị Hà nội cũng như Ông Bá Thanh Đà Nẵng. Nhưng nếu được lựa chọn để tôn vinh giữa 2 việc: Ông Bá Thanh ở Đà nẵng giảm tiền sử dụng đất cho Doanh nghiệp, người dân nếu họ nộp ngay 1 lần dẫn đến thất thu (theo kiểu tính cua trong lỗ) nghe đâu khoảng 3400 tỷ mà DN và nhân dân phẩn khởi, phát triển ổn định, ai cũng ghi nhận như 1 hiện tượng với việc các Doanh nghiệp BĐS Hà nội còn nợ tiền sử dụng đất hàng chục ngàn tỷ đồng (mặc dù nghe đâu Chính quyền làm đúng) thì dứt khoát tôi tôn vinh Ông Bá Thanh.

Rồi đây sẽ có rất nhiều chuyện để nói về việc chậm nộp tiền sử dụng đất này. Hàng nghìn người dân có nguy cơ mất trắng nhà cửa vì các tập đoàn BĐS và hệ thống chân rết của nó đấy. Nghĩ ngay từ bây giờ với quả bom này đi nếu không sẽ quá muộn đấy. Nhân dân nghĩ về sự đúng sai, chân thật đơn giản lắm. Ai mang lại lợi ích cho dân, ai ngày đêm trăn trở tìm ra điểm đột phá (chứ không phải kiểu trăn trở làm sao cho đúng, cho tròn mình, mặc kệ hậu quả…đâu nhé) để dẫn dắt dân tộc đến chỗ phồn vinh, hạnh phúc, ai tham ô, tham nhũng, ai chỉ nói mà không làm, ai giáo điều xơ cứng… dân biết hết. 

Vấn đề khác cũng quan trọng là lựa chọn con người, xử lý sai phạm. Tôi cho rằng, Ông Nghị chưa làm hết trách nhiệm của mình trong xử lý sai phạm nhất là xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các Sở Ban Ngành của Hà nội. Có thể nào tin thế kỷ 21 mà có đơn kiến nghị gửi Thường vụ thành uỷ để lưu ý lãnh đạo Hà nội, đại ý làm gì thì làm, có "liên quan" đấy. Hèn gì người vi phạm giao thông cứ thích nói mình là cháu bác này, bác nọ… Vụ bến xe Mỹ Đình làm gì mà phải cân nhắc lâu thế, có 2 việc, tôi đồng tình theo cách chỉ tận tay, day tận mặt của Ông Nguyễn Sỹ Dũng VPQH trên báo Lao động. Rõ thế mà phải cân nhắc, phải chờ kiến nghị thì những vụ việc khác phải làm sao.  Tôi thật sự không trách Ông Liên Hiệp hội vận tải Hà nội về kiến nghị theo nhiều người nói là lạ đời đó. Tôi chỉ trách Ông Nghị "đứng đầu" Thủ đô mà lại xảy ra chuyện như vậy. Chắc là do cách ứng xử của Thường vụ Hà nội ở một vụ na ná vụ này thế nào đó thì người ta mới dám giấy trắng mực đen mà tâm tình vậy chứ.

Cuối cùng, Tôi viết bài này theo đúng tinh thần NQTW4. Phê phán trực diện với mong muốn mọi việc sẽ tốt hơn. Ai cũng có cái khó, nhưng nếu thật tâm thì chắc chắn sẽ có chuyển biến nhất là những người có vị trí cao như Ông. Còn ngược lại nếu coi đây là tiếng nói trái chiều thì cũng chẳng sao. Nhưng lúc đó có vế đối: Ông Nghị tên Nghị nhưng không phải Ông Nghị. Nhờ mọi người không phải Hán Nôm đối lại và tôi sẽ nhờ các bác Hán Nôm chấm điểm như chấm bài văn này nhé.


Tâm Nguyện

 
CẦN CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG ĐẦU TƯ XDCB
Trong những năm qua ở nước ta việc đầu tư công các công trình không dứt điểm, kéo dài , chất lượng quá kém như tuyến đường quốc lộ 1a, một số đoạn đường, cầu mới hoàn thành đưa vào sử dụng năm trước thì năm sau đã bị hư hỏng xuống cấp và không ai chịu trách nhiệm. Đồng thời việc đầu tư không tập trung dứt điểm quá kéo dài thời gian, nên không phát huy được hiệu quả, đây chính là sự lãng phí rất lớn trong xã hội. Để có thể khắc phục tình trạng thi công các công trình xây dựng, giao thông kém chất lượng trong thời gian vừa qua xin nêu một số giải pháp như sau: Trước tiên trong Luật đấu thầu được sửa đổi cần phải xác định rõ trách nhiệm của Ban quản lý dự án , đơn vị tư vấn thiết kế , đơn vị thi công , đơn vị tư vấn giám sát công trình , đây là những đơn vị chủ công trong việc quyết định đến chất lượng công trình, tiến độ thi công .Đối với các Chủ đầu tư kiên quyết không để các đơn vị thi công đã từng thi công công trình chất lượng kém tham gia đấu thầu , cần ưu tiên cho các đơn vị nhà thầu nào có nhiều công trình đạt chất lượng được dư luận xã hội và các bộ ngành chức năng công nhận . Không phải đơn vị nào tham gia đấu thầu bỏ giá thấp là được trúng thầu, cấm tuyệt đối các đơn vị trúng thầu lại không thi công mà bán, chuyển nhượng lại gói thầu cho đơn vị khác thi công lấy hoa hồng .Đây chính là nguyên nhân dẫn đến chất lượng công trình kém chất lượng. Do vậy cần sớm sửa đổi luật đấu thầu để phù hợp với tình hình thực tế của nước ta hiện nay.Để đảm bảo chất lượng công trình bền vững Đơn vị thiết kế cần phải chú ý đến kết cấu công trình chịu đựng được vận chuyển tải trọng nặng, tùy theo địa hình thổ nhưỡng đất đai mà thiết kế loại vật liệu gì cho phù hợp. Đối với các Đơn vị tư vấn giám sát phải giám sát phải hết sức khách quan trung thực, thường xuyên có mặt tại hiện trường . Có như vậy mới có chuyển biến đối với chất lượng các công trình giao thông.Đối với Đơn vị thi công đây là đơn vị có tính quyết định đến chất lượng công trình , đòi hỏi đơn vị thi công phải có lương tâm và trách nhiệm của mình. Thứ hai: Trong Luật đấu thầu sửa đổi cần quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị chuyên ngành quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra chất lượng công trình, phải xử lý nghiêm khắc đối với các đơn vị thi công thiếu trách nhiệm để công trình kém chất lượng, thu hồi giấy phép vĩnh viễn đối các nhà thầu thiếu trách nhiệm, cần thiết truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó cần tăng cường vai trò giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, cũng như cơ chế giám sát của người dân và các tổ chức xã hội đối với các công trình đang thi công, thì chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng công trình thi công kém chất lượng , chống thất thoát, lãng phí xây dựng đường giao thông như hiện nay. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên hy vọng trong thời gian đến chất lượng công trình giao thông xây dựng sẽ được tốt hơn.
MINH TRÍ

Nguồn tin: Báo Tầm Nhìn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây