(Đầu năm mới, nhiều gia đình đi làm lễ giải hạn. Ảnh: BÌNH AN)
Nói đến các kiểu giải hạn, đầu tiên phải kể đến việc dâng sao giải hạn đầu năm, thường được các “tín chủ” thực hiện ở chùa hoặc mời thầy về cúng tại nhà. Mỗi người có mệnh riêng nên cũng có vận hạn khác nhau, người thì bị phán là sao xấu chiếu, người thì căn cao số nặng, nhà này có người phải trả lễ Tào quan, nhà thì mắc vào hạn tu sửa nhà làm động long mạch, hay chuyện âm phần không yên ổn, còn người có duyên âm phải cắt thì mới lấy chồng, lấy vợ được...
Có bao vận hạn thì có bấy nhiêu cách giải. Đã có vận hạn là phải làm lễ giải hạn. Có người đi xem thì thầy phán là tết này không được ở nhà thì mới mong tránh vận hạn của năm nay, nực cười đến nỗi đành phải tìm nhà nghỉ, khách sạn để ở trong những ngày tết. Có người bị thầy phán là về phải ly dị chồng thì mới mong giải được vận hạn trong năm. Có người dở khóc dở cười vì phải kiêng ngày xấu không được ra ngoài, kiêng mặc đồ màu đỏ vì màu đỏ là màu máu, kiêng ăn thịt,... đầy khổ sở. Biết là “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, nhưng bao chuyện cười ra nước mắt vì thầy phán phải “kiêng” và thầy phán có hạn phải “giải”.
Bà Nguyễn Thị Nga - sống tại huyện Từ Liêm (Hà Nội) - nghe mọi người nói ở quận Thanh Xuân có “thầy” xem bói rất linh nên đã rủ con dâu đi xem. Vừa xòe lá bài ra, thầy đã phán rằng anh con cả của cô không sống được đến năm 30 tuổi, bà cũng chưa tin lắm. Thấy thế, thầy nói thêm rằng con trai cô mắc nợ Tào quan, nên phải trả, vận hạn này nên giải sớm.
Nguyên là con trai cô sinh năm Ất Sửu, lấy vợ sinh năm Canh Ngọ, lấy nhau khác nào “đầu trâu mặt ngựa”, chị này tội cái cao số, nên hại đến chồng, lại sinh con gái đầu lòng tuổi hổ, mấy vận hạn chồng chất lên nhau. Nghe vậy, bà Nga hoảng hồn cầu cứu thầy, thầy chỉ đường sắm lễ để cầu cúng. Về đến nhà, bà luôn mồm trách con dâu rồi lại tá hỏa lên lo cho sắm lễ cúng cho con trai. Nếu làm chu đáo, mấy lễ giải hạn này cũng mất đến vài chục triệu đồng. Mới đầu năm, chẳng biết vận hạn giải thế nào thì gia đình đã lục đục.
Không dừng lại ở mất tiền bạc, anh Hoàng Văn Thịnh - sống tại quận Hà Đông (Hà Nội) - gặp cảnh làm ăn sa sút, vợ anh tự nhiên lăn ra ốm liệt giường, được bạn mách cho một thầy cao tay, xem rất đúng. Anh cùng con gái đến nhà thầy để xem. Khách đông, nên hai cha con anh phải chờ rất lâu mới đến lượt, đặt lễ xong thì thầy phán rằng vợ anh ốm vì năm trước nhà anh sửa công trình phụ đằng sau động đến long mạch, giờ phải làm lễ vá long mạch thì vợ anh mới khỏi bệnh, nếu không vá ngay thì vận hạn càng nặng.
Chỉ nghe tới thế thôi, anh Thịnh đã rụng rời chân tay. Anh Thịnh vội về nhà sắm sửa lễ, cộng mọi khoản đã tiêu tốn của gia đình gần chục triệu đồng. Sau lễ cúng, anh đinh ninh rằng vợ sẽ qua khỏi, không ngờ càng ngày bệnh tình vợ anh càng không thuyên giảm, cuối cùng tiền mất mà người cũng mất, cũng chẳng thể trách được ai...
Diền Hiên