Xét xử sơ thẩm án dân sự: Còn nhiều hạn chế

Chủ nhật - 24/02/2013 19:44 - Đã xem: 1051
Theo thống kê của ngành Tòa án, trong năm 2012, trong tổng số 94 vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình mà tòa án nhân dân (TAND) các cấp đã thụ lý, giải quyết thì có đến 20 vụ bị hủy và 12 vụ bị sửa. Có những vụ án do đánh giá chứng cứ không toàn diện, nên việc áp dụng các quy định của Bộ Luật dân sự không đúng, dẫn đến quyết định của bản án trái quy định của pháp luật.
Sai sót và vi phạm về tố tụng
 
Những sai sót và vi phạm phổ biến nhất của tòa án cấp huyện, thị xã khi xét xử sơ thẩm là vượt quá phạm vi đơn khởi kiện hoặc không giải quyết hết các yêu cầu khởi kiện. Ðơn cử là vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là anh Vũ Văn Hiển và bị đơn là anh Nguyễn Văn Liệu, chị Nguyễn Thị Mến ở huyện Ðắk R’lấp.
 
Ðơn khởi kiện của anh Hiển chỉ yêu cầu tòa án huyện giải quyết buộc anh Liệu và chị Mến trả lại hơn 12.000m2 đất và tài sản trên đất. Hai bên đương sự cũng không yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Thế nhưng, trong quá trình xét xử, TAND huyện Ðắk R’lấp lại tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các bên bị vô hiệu hóa và xử lý hậu quả của hợp đồng là vượt quá phạm vi đơn khởi kiện.
 
Còn trong vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn ông Trần Văn Bảo với bị đơn là ông Phạm Hữu Ðình Phước ở xã Nhân Cơ (Ðắk R’lấp) thì ông Dương Mã Long cũng là người có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ. Tuy nhiên, vào thời điểm ông Bảo khởi kiện ông Phước thì ông Long đã đi khỏi địa phương 2 năm. Thế nhưng, TAND huyện Ðắk R’lấp vẫn tiến hành giải quyết vụ án mà không yêu cầu ông Bảo thông báo tìm tin tức, địa chỉ của ông Long.
 
Việc xét xử của TAND huyện Ðắk R’lấp trong vụ án này là không đúng với quy định của pháp luật, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự thì “Nếu người khởi kiện không biết hoặc ghi không đúng địa chỉ của người bị kiện, người có nghĩa vụ liên quan để ghi trong đơn khởi kiện, thì họ phải thực hiện nghĩa vụ thông báo tìm tin tức, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
 
Bên cạnh đó, trong quá trình xét xử vụ án dân sự, tòa án các huyện, thị xã còn bỏ sót người tham gia tố tụng. Ðiều này phản ánh một thực tế đó là nhiều vụ án do cấp sơ thẩm xét xử không xem xét toàn diện chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, dẫn đến việc đưa người vào tham gia tố tụng và xác định tư cách tố tụng của họ có nhiều thiếu sót.
 
Ðơn cử như vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn ông Trần Ngọc Thời, bà Trần Thị Thu Lợi với bị đơn là bà Phạm Thị Quyên ở huyện Ðắk Mil. Cụ thể, sau khi nhận chuyển nhượng đất của bà Quyên thì ông Thời chuyển nhượng lại cho ông Trương Công Mỹ một ao cá với diện tích 200m2. Sự việc sau đó xảy ra khúc mắc nên ông Thời khởi kiện bà Quyên. Thế nhưng, khi xét xử, TAND huyện Ðắk Mil lại không đưa ông Mỹ vào tham gia tố tụng, trong khi ông cũng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
 
Không chỉ vậy, khi ông Thời đã có đơn yêu cầu luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông tại các phiên xét xử, thì TAND huyện Ðắk Mil còn cấp giấy chứng nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Ðáng nói hơn, tại phiên xét xử, TAND huyện Ðắk Mil lại không triệu tập luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Thời tham gia phiên tòa.
 
Ngoài ra, còn có những lỗi khác mà tòa án cấp huyện, thị xã mắc phải, đó là việc thu thập, đánh giá chứng cứ có nhiều sai sót, lấy lời khai chưa đầy đủ, không xem xét chứng cứ. Thậm chí, có những vụ án quyết định đưa ra xét xử một đằng, nhưng thành phần hội đồng xét xử lại khác.
 
Sai cả về nội dung
 
Việc sai phạm về nội dung của tòa án cấp sơ thẩm, dẫn đến việc áp dụng các quy định của Bộ Luật dân sự không đúng và quyết định của bản án trái với quy định của pháp luật cũng diễn ra khá nhiều
 
Ðiển hình cho sự sai phạm này là việc TAND thị xã Gia Nghĩa xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là anh Ðào Như Hoài với bị đơn là bà Lê Thị Phúc. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh Hoài và bà Phúc không lập thành văn bản có chứng nhận của công chứng Nhà nước hoặc chứng thực của UBND cấp có thẩm quyền.
 
Tại thời điểm giữa 2 bên chuyển nhượng đất chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng khi xét xử, TAND thị xã Gia Nghĩa cho rằng bà Phúc đã trồng cây lâu năm nên công nhận hợp đồng hợp pháp. Như vậy, TAND thị xã đã mắc sai lầm về đánh giá chứng cứ nên đã công nhận hợp đồng là vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các đương sự.
 
Một đơn cử khác trong việc sai phạm về mặt nội dung là của TAND huyện Krông Nô khi xét xử vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa chị Ngô Thị Ngọc Trúc với chị Nguyễn Thị Hạnh sinh sống trên địa bàn. Trong vụ án, giữa các đương sự không xác định rõ lãi suất, mức lãi suất lại vượt quá 150% lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố với loại cho vay tương ứng, nhưng TAND huyện Krông Nô vẫn áp dụng mức lãi suất cho các đương sự là trái với quy định của pháp luật tại khoản 2 Ðiều 476 Bộ Luật dân sự.
 
Tương tự, TAND huyện Chư Jút cũng đã sai phạm khi bác yêu cầu chia tài sản của chị Lăng Thị Hương trong vụ ly hôn với anh Lý Văn Hà là không đúng pháp luật, không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của chị Hương.
 
Theo đánh giá của TAND tỉnh thì những hạn chế, sai phạm trong việc xét xử các vụ án dân sự của TAND cấp huyện, thị cho thấy chất lượng xét xử vẫn còn nhiều hạn chế. Ðây là vấn đề mà ngành Tòa án, nhất là tòa án cấp huyện, thị xã cần nhanh chóng khắc phục, nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
 
Phạm Khánh

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây