Cuộc đời ly kỳ của mẹ con người suýt ám sát Fidel Castro

Thứ ba - 03/11/2015 03:46 - Đã xem: 1588
“Mẹ tôi lãnh nhiệm vụ ám sát ông Fidel Castro, và cha tôi là nhà độc tài Venezuela”, người phụ nữ tóc vàng quyến rũ khẳng định chắc nịch với phóng viên…
Theo hồi tưởng của Monica Jiménez, cuộc đời bà chẳng khác nào kịch bản một bộ phim bom tấn kinh điển về đề tài điệp báo căng thẳng. Người phụ nữ 53 tuổi, đang sống tại thành phố biển Puerto Viejo (Costa Rica), là con của nữ gián điệp Marita Lorenz, vốn dính líu đến những âm mưu bí ẩn nhất Tây bán cầu trong thập niên 1960.
Người đẹp gốc Đức Lorenz từng được Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) giao nhiệm vụ tiếp cận để ám sát lãnh tụ Cuba Fidel Castro, có quan hệ tình ái với nhà độc tài Venezuela Marcos Pérez Jiménez và bị cho là liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F. Kennedy. Trong mấy chục năm qua đã có rất nhiều cuốn sách, bộ phim và bài báo nói về cuộc đời bà. Tuy nhiên, phải đến cuộc phỏng vấn mới nhất diễn ra ngày 27.10 giữa Monica Jiménez với phóng viên The Tico Times, tờ báo lớn nhất của Costa Rica, những chi tiết ly kỳ nhất mới được hé lộ.
Cuộc đời ly kỳ của mẹ con người suýt ám sát Fidel Castro
Bà Monica Jiménez hiện nay - Ảnh: The Tico Times
Âm mưu ám sát Fidel Castro
Marita Lorenz sinh năm 1939 tại Bremen, Đức, có cha là một thuyền trưởng tàu viễn dương, còn mẹ là một diễn viên người Mỹ. Sau Thế chiến 2, bà trải qua những ngày rong ruổi cùng cha trên những chuyến tàu chở du khách qua lại giữa hai bờ Đại Tây Dương. Tháng 2.1959, cuộc đời Lorenz gặp bước ngoặt lớn đầu tiên khi chiếc tàu MS Berlin do cha bà điều khiển chở những người châu Âu có cảm tình với Chủ nghĩa Cộng sản ghé thăm Cuba. Khi đó, ông Fidel Castro cũng lên thăm tàu và Lorenz có dịp làm quen với nhà lãnh tụ.
Sau khoảng 1 tháng ở Cuba, chiếc tàu rời đi và cô gái 20 tuổi quyết định không theo cha lênh đênh trên biển nữa mà chuyển tới bang Florida của Mỹ sống cùng mẹ. Còn trẻ người non dạ lại sống ngay tâm điểm hoạt động của những người Cuba lưu vong thời đó, Lorenz dần dần bị dụ dỗ vào các hoạt động chống Cộng và lọt vào tầm ngắm của những chuyên gia chiêu mộ làm việc cho CIA.
Monica Jiménez kể người trực tiếp chiêu dụ, quản lý và chỉ đạo mẹ bà không ai khác hơn là điệp viên khét tiếng Frank Sturgis (1924 -1993). Ông này dính líu tới hầu hết các lực lượng chống Cộng do Mỹ bảo trợ trên khắp thế giới và là 1 trong 5 người đột nhập vào trụ sở vận động tranh cử của đảng Dân chủ tại tòa nhà Watergate vào năm 1972, dẫn đến vụ bê bối chính trị chấn động hạ bệ Tổng thống Ric-hard Nixon.
Trong mắt CIA, cô gái trẻ trung, biết nhiều thứ tiếng và đã từng quen biết ông Fidel Castro là ứng viên hoàn hảo cho nhiệm vụ ám sát nhà lãnh tụ Cuba. Thế là Lorenz bắt đầu phải trải qua những đợt huấn luyện lẫn tẩy não cực kỳ khắc nghiệt. Theo Monica Jiménez, CIA đã khống chế trí não mẹ bà bằng cách liên tục cho uống thuốc ảo giác, không cho ngủ và dùng âm thanh, hình ảnh để ám thị. “Họ phát đi phát lại câu “Chúa muốn cô giết Castro” và họ nghĩ rằng đã tạo ra được một sát thủ hoàn hảo”,The Tico Times dẫn lời Jiménez kể.
Sau đó, Frank Sturgis tạo ra một vỏ bọc trong sạch cho Lorenz và thông qua các tay trong ở Cuba để giúp bà bắt liên lạc với trợ lý của ông Castro. Kế hoạch tiến triển suôn sẻ khi nhà lãnh đạo mời người bạn cũ làm phiên dịch cho ông vào cuối năm 1960. Trước khi lên đường, Sturgis giao cho Lorenz một viên thuốc độc thần kinh botulinum để lén bỏ vào nước uống của ông Castro. Tuy nhiên, âm mưu của CIA đã phá sản hoàn toàn khi Lorenz không những không tuân lệnh mà còn nằng nặc đòi về nước. Nhận thấy bà vẫn còn giá trị lợi dụng, Sturgis thuyết phục cấp trên không giết người diệt khẩu mà cho Lorenz về Mỹ.
Sau này, Lorenz mới tiết lộ rằng bà không thể ra tay vì sau thời gian ở cạnh Castro, bà đã đem lòng ngưỡng mộ rồi yêu thầm ông lúc nào không hay, theo phim tài liệu Lieber Fidel - Maritas Geschichte (tạm dịch: Fidel kính yêu: Câu chuyện của Marita) phát hành năm 2000. Việc Lorenz có thổ lộ lòng mình với Castro hay không đến nay vẫn còn là một bí mật, chỉ biết rằng bà quay lại Cuba một lần duy nhất để thăm nhà lãnh đạo vào năm 1981.
Sống sót giữa rừng rậm Amazon
Tháng 3.1961, Lorenz nhận lệnh tiếp cận nhà độc tài Marcos Pérez Jiménez của Venezuela (1914 - 2001), lúc đó đang sống lưu vong tại Florida sau khi bị lật đổ vào năm 1958. Nhiệm vụ của Lorenz là quyến rũ và dụ dỗ ông Jiménez đổ tiền tài trợ cho các nhóm chống Cộng tại Trung và Nam Mỹ. Dù đang phải lưu vong nhưng Jiménez được cho là có khối tài sản lên tới 600 triệu USD. Kết quả là Monica Jiménez ra đời năm 1962, bất chấp việc Jiménez đã có vợ và 4 con gái sống ở Tây Ban Nha.
Ấm êm được khoảng 2 năm thì Mỹ bất ngờ đồng ý cho dẫn độ Jiménez về Venezuela để xét xử về nhiều tội ác vào giữa năm 1963. Lo lắng cho người tình và con gái nhỏ, ông ta để lại một quỹ tín thác hàng trăm ngàn USD cho Monica với điều kiện ghi rõ là không được tiết lộ tên tuổi người lập quỹ. Đến tháng 8 cùng năm, các luật sư của Jiménez tiếp cận Lorenz và khuyên bà đâm đơn kiện đòi nhận cha cho con gái nhằm trì hoãn việc dẫn độ nhà độc tài. Tuy nhiên, đây là một hành động sai lầm vì cũng chỉ trì hoãn được vài tháng trong khi 2 mẹ con mất trắng quỹ tín thác nói trên do vi phạm điều kiện giữ kín thân phận người lập quỹ. Sau này suy nghĩ lại, Monica Jiménez cho rằng tất cả là âm mưu của bà chánh thất Flor Chalbaud nhằm không để mẹ con Lorenz có được xu nào, theo The Tico Times.
Sự ám hại của bà Chalbaud nhằm vào mẹ con Lorenz không dừng lại ở đó. Năm 1964, 2 người bất ngờ được mời đến Venezuela thăm ông Jiménez đang ngồi tù bằng một máy bay cỡ nhỏ. Điều họ không thể ngờ là chiếc máy bay bất ngờ hạ cánh giữa rừng rậm Amazon và viên phi công ép họ rời khỏi máy bay. Trước khi đi, ông ta còn khuyên là nếu gặp thổ dân thì nhớ đừng cười hở răng, nếu không sẽ bị cho là có ý gây hấn vì đối với nhiều bộ tộc ở Amazon, cười hở răng trông giống như thú dữ đang nhe nanh đe dọa.
“Lúc đó tôi mới gần 2 tuổi nhưng còn nhớ rõ xung quanh mình chỉ toàn một màu xanh. Tôi ôm chân mẹ và cảm giác được bà run như cầy sấy”, Jiménez kể với The Tico Times. May mắn là Lorenz và Jiménez được một bộ lạc hiền hòa và khá hiện đại cưu mang. Không những chăm sóc hai mẹ con, họ còn giúp liên hệ với giới chức địa phương và Hội Chữ thập đỏ để giải cứu đưa 2 người về Mỹ.
(còn tiếp)

Thụy Miên

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây