Nhiệt tình không cứu nổi sự dốt nát

Chủ nhật - 20/07/2014 22:41 - Đã xem: 1791
Ngày xưa, sự dốt nát chủ yếu là kết quả của chính sách ngu dân của đế quốc Pháp, là kết quả tự nhiên của sự nghèo đói do chính sách bần cùng hóa của các tầng lớp thống trị.

Ngày nay, Đảng ta, Nhà nước ta đang áp dụng mọi chính sách, mọi biện pháp để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài như phổ cập giáo dục, cử học sinh đi du học, cử cán bộ chuyên gia đi nghiên cứu ở nước ngoài, đẩy mạnh mọi hoạt động văn hóa (phát thanh, truyền hình, sinh hoạt câu lạc bộ sách báo, sân khấu, điện ảnh...)

Việc học tập, trau dồi khả năng không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ. Sự dốt nát sẽ gây đau khổ, làm thiệt thòi nhiều mặt cho bản thân, không hòa nhập được với cuộc sống trí tuệ của thời đại mà còn có tội với gia đình, với cộng đồng, với đất nước.


Chân lý vốn giản đơn, nhận ra chân lý lại không đơn giản

Chân lý không khác là sự thật, là hiện thực khách quan. Chân lý vốn đơn giản như vậy thôi; chỉ có điều là nó tồn tại ngoài ý muốn chủ quan của con người. Nó chỉ bước vào nhận thức con người thông qua một quá trình tư duy nghiêm túc, đúng đắn, có phương pháp.

Chân lý vốn giản đơn nhưng có phải ai cũng nhận ra được chân lý dễ dàng, đó là chưa kể không ít người hết lần này đến lần khác đã nắm trật chân lý, quay lưng với chân lý, thậm chí còn đi ngược lại với chân lý. Muốn nhận thức đúng chân lý, con người phải có tâm lành và chí vững, phai có phương pháp tư duy đúng và một tinh thần kiên trì, nhẫn nại. Ai không có những yếu tố đó, chân lý mãi mãi đứng ngoài nhận thức của họ.

Nhà đại văn hào Pháp Victor Huygo đã viết: "Chân lý chỉ xuất hiện trong chiều sâu của tư duy". Đúng như vậy, tư duy hời hợt sẽ không bao giờ bắt gặp chân lý.


Dạy con người biết suy nghĩ là kết quả vĩ đại của giáo dục

Nói đến giáo dục người ta thường nghĩ đến việc truyền thụ kiến thức, giáo dục đức hạnh, hầu như chỉ có thế.

Đành rằng tri thức và đức hạnh rất cần cho sự trưởng thành của con người, rất cần cho việc xây dựng con người mới toàn diện. Song vấn đề quan trọng mà nhiều nền giáo dục chưa làm được, nhiều thời đại giáo dục chưa làm được hoặc chưa làm được đến nơi đến chốn, đó là việc dạy cho con người biết suy nghĩ.

Biết suy nghĩ là một phẩm chất hết sức quan trọng đối với con người, nhất là ở giai đoạn lịch sử mà nền kinh tế tri thức đang là mục tiêu phấn đấu của nhiều quốc gia. Có biết suy nghĩ thì mới nhân lên nhiều lần cái vốn tri thức đang có, mới tiếp cận được với tri thức mới; có biết suy nghĩ mới vận dụng được mọi hiểu biết vào thực tiễn cuộc sống hàng ngày, vào việc nghiên cứu những đề tài khoa học cần thiết.

Giáo dục muốn làm được điều đó thì phải cải tiến mạnh mẽ phương pháp giảng dạy, phương thức giáo dục. Mấy cuộc cải cách trước đây chỉ đề cập đến vấn đề hệ thống trường lớp, vấn đề chương trình sách giáo khoa. Gần đây trong kế hoạch chỉ đạo của ngành giáo dục có đặt vấn đề cải tiến phương pháp giảng dạy nhưng kết quả vẫn chưa nhiều. Nếu cứ phương pháp giảng dạy phổ biến hiện nay ở các trường thì học sinh ra đời sẽ không có phương pháp tư duy tốt và lười suy nghĩ.

Nhà văn hóa phương Tây Edison đã nói một câu chí lý: "Nhiệm vụ quan trọng của nền văn minh là dạy con người biết suy nghĩ".

                                                                                                                                          PVTH

Nguồn tin: tamnhin.net

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây