Thời Võ Nguyên Giáp

Thứ hai - 02/03/2015 23:07 - Đã xem: 1415
Thời Võ Nguyên Giáp là thời mà về quân sự quân dân ta đã đánh thắng hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ. Đã hơn 40 năm qua kể từ khi tôi bắt đầu vào làm tư liệu cho Đại tướng, căn buồng của ông đã trở nên thân thiết đối với tôi. Ông bảo: “Đừng gọi là Đại tướng nữa, gọi là anh Văn thôi”. Những gì tôi kể lại trong bài viết này được dẫn ra từ những đoạn phim tư liệu chúng tôi đã nghe và ghi lại theo lời kể của ông. Gần đây tôi có dựng trong bộ phim tài liệu về ông một vài đề mục mà tôi còn lưu lại được.

Chuyến tàu trở về cội nguồn

Có một đêm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Hà Nội về thăm gia đình. Ông kể: "Đã lâu lắm mới lại đi tàu hỏa. Nhớ những năm 1930, mình ra Hà Nội, vào Thanh Hóa, vào Vinh, vào Sài Gòn …". Ông gọi chuyến tàu này là chuyến tàu trở về cội nguồn, đưa ông về quê, về với cánh đồng cát trắng, nơi có mộ phần của ba mẹ ông, của các chị ông đang đợi. Tàu đi suốt đêm về đến Đồng Hới. Không biết có ai báo mà có nhiều người ra đón. Lũ trẻ ở quê, chạy qua cồn cát, vào tận trong ga đón ông về làng. 

Ngày ấy làng xóm còn nghèo chưa được khang trang như bây giờ. Đường làng trồng phi lao ngăn cát, che chở cho những vườn sắn quanh nhà. Trẻ con đi trước dẫn đường hò reo: "Ông về rồi! Ông về rồi! Ông mình về rồi!". Các cựu chiến binh trong làng bỏ dở việc ruộng vườn, làm hàng rào danh sự đón ông, ôm lấy ông: "Báo cáo anh Văn, chúng em đã hoàn thành nhiệm vụ!".

Ông vào nhà, thắp nén hương trên ban thờ chào ba mẹ: "Con đây, Giáp đây! Con đã về rồi!". Đêm ấy trăng suông, ông nằm mơ như ngày nào còn bé. Sau này ông kể lại: "Đêm đi ngủ, nằm nghe ba kể vè thất thủ kinh đô, dân mình bị Pháp tàn sát. Mẹ kể chuyện ông ngoại theo Cần Vương, lúc Tây đến đánh, mẹ còn bé phải ngồi trong thúng cho người ta khiêng đi. 

Lúc mới lớn, cùng với bạn bè bàn bạc, rủ nhau lên núi làm hội kín. Ông cụ rất nghiêm, nói rằng, con làm gì cũng được nhưng phải xem cái thời nó thế nào. Còn mẹ thì bảo tùy các con, nhưng đừng để Tây nó bắt làm cho nó". Ông nói thêm - Chữ thời mà cụ nói ở đây là thiên thời, là biến chuyển… "Thiên hành kiện", trời chuyển dịch mạnh mẽ. Con người phải theo kịp sự biến chuyển của thiên thời, muốn thành bậc tuấn kiệt phải biết thời cuộc, không theo dõi thời biến, làm việc trái với thiên thời thì thất bại. Cụ Võ Quang Nghiêm thân sinh ra ông là nhà Hán học uyên thâm. Ông lấy làm tiếc là không có đủ thời gian để học thêm ở ông cụ nhiều điều sâu sắc.

Trên chiếc thuyền ở Thúy Hồ

Năm 1940, Võ Nguyên Giáp cùng với Phạm Văn Đồng nhận chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng sang Côn Minh (Trung Quốc) nhận nhiệm vụ mới. Cuộc gặp gỡ ở Thúy Hồ với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một cuộc gặp gỡ lịch sử trong cuộc đời hoạt động của Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ với Robert McNamara năm 1997. Ảnh: T.L. 

Ông kể lại: "Tôi cùng các anh Phạm Văn Đồng, Phùng Chí Kiên đi đến bờ Thúy Hồ, cái hồ rất đẹp ở Côn Minh, xuống chiếc thuyền, thấy có một người đang đợi. Anh Phùng Chí Kiên giới thiệu là đồng chí Vương. Tôi biết ngay là đồng chí Nguyễn Ái Quốc rồi. Đồng chí Vương nói: Các đồng chí sang đây tốt quá, mà làm văn nhiều, cầm bút nhiều, bây giờ có lẽ nên cầm kiếm. Ta sẽ đi Diên An học Trường Kháng Nhật. 

Chuẩn bị để đi Diên An thì nhận được cái điện của đồng chí Hồ Quang, bí danh của đồng chí Vương, nói là Paris thất thủ, thời cơ đã đến, bây giờ hai đồng chí ở lại cùng với các đồng chí cách mạng Việt Nam trở về Quế Lâm chuẩn bị về nước, thời cơ đã đến!". Ông nhấn mạnh: "Tôi chú ý đến thời cơ là từ lúc ấy!".

Tháng Giêng năm 1941, Bác Hồ cùng với các anh trở về Cao Bằng. Đầu năm 1945, Tân Trào là thủ đô lâm thời của khu giải phóng. Võ Nguyên Giáp được cử làm Tổng chỉ huy các đội Việt Nam giải phóng quân, chuẩn bị tổng khởi nghĩa.

Trong lán rừng ở Tân Trào

Một buổi chiều ở hồ Tây, ông kể cho tôi nghe câu chuyện về Bác Hồ ở Tân Trào hồi ấy, mà đến bây giờ ông vẫn còn xúc động.

- Tôi làm việc ở dưới làng còn Bác ở trên lán, một đêm lên thì thấy Bác hôm đó mệt quá. Tôi xin với Bác là cho tôi ở lại, ở đây với Bác, Bác đồng ý. Bác lúc tỉnh lúc mê. Rồi đến lúc tỉnh lại nói một câu mà tôi nghe tôi rợn người: "Thời cơ lớn đã đến, lần này dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập!".

Sau nhờ có cụ lang người dân tộc tìm lá thuốc cho Bác uống, Bác qua khỏi.

Nhật đầu hàng Đồng Minh. Ngày 16.8.1945, Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào, quân lệnh số 1 của Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc ban hành: Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một không hai cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà! Cách mạng tháng Tám thắng lợi. Ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tổng hành dinh mùa Xuân 1975

Thời cơ lớn lại đến với nước ta một lần nữa! Ông nhớ lại những ngày tháng 3 năm 1975, cả nước như cơn bão táp, ào ào xung trận với một khí thế tiến công chưa từng có: Tất cả cho ngày toàn thắng! Lịch sử đã ghi nhận trí tuệ của một tập thể lãnh đạo tài năng sáng tạo ở một thời điểm quyết định với những quyết sách chiến lược, điều hành, tổ chức, huy động sức mạnh của toàn dân tộc cho cuộc kháng chiến thắng lợi.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần cuối cùng trở về Điện Biên. 

Sau chiến thắng Tây Nguyên, ta chủ trương mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng, tiêu diệt toàn bộ Quân khu I ngụy, đập tan âm mưu của địch co cụm về giữ Sài Gòn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kịp thời ra lệnh tranh thủ thời cơ giải phóng Trường Sa, một quyết định mà sau này mới thấy hết được tầm quan trọng về chiến lược. Cái chốt của thời cơ đã mở, phải đẩy mạnh cánh cửa để mở ra! Thần tốc và táo bạo, ông đã cho thành lập cánh quân phía Đông mau chóng tấn công tiến về Sài Gòn đánh chiếm Dinh Độc lập.

11h30 ngày 30.4.1975, cờ chiến thắng tung bay. Đứng ở sân Tổng hành dinh, ông khóc: Giá như còn có Bác Hồ…

Lời cuối

Sau nhiều năm, tôi vào thăm ông ở bệnh viện, ông cười rất vui khi nhắc lại cuộc gặp gỡ với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trên con thuyền ở Thúy Hồ năm 1940 cùng với Phạm Văn Đồng . "Tôi chú ý đến thời cơ là từ lúc ấy…". Đổi mới và Hội nhập đang là một thời cơ lớn của đất nước. Ông nhắc lại một câu nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào năm ông Đồng 90 tuổi: "Trời ơi! Còn biết bao nhiêu việc phải làm. Tôi sẽ kiên trì với các đồng chí, tôi sẽ kiên trì…".

Nguồn tin: Lao Động Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây