Di sản văn hóa phi vật thể trên đất Đắk Nông

Thứ bảy - 11/06/2016 06:11 - Đã xem: 1140
“Bức tranh” văn hóa tỉnh Đắk Nông được tô điểm thêm những sắc màu tươi mới của các giá trị văn hóa đặc sắc của nhiều dân tộc đang gìn giữ và phát huy trên chính mảnh đất họ đến định cư, lập nghiệp. Đó cũng là những sinh hoạt văn hóa truyền thống đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và thế giới.

Kỳ 1: Nghe câu quan họ trên Cao nguyên

Muốn nghe quan họ thì về Chư Jút, một người bạn giới thiệu như thế và khi đến nơi đây chúng tôi như lạc vào vùng quan họ Kinh Bắc với các liền anh, liền chị áo dài, khăn đóng.

Các thành viên Câu lạc bộ đàn tính hát then thôn 11, xã Đắk D'rông (Chư Jút) thường xuyên luyện tập. Ảnh: Hồ Mai

“Quan họ - dù đi đâu cũng nhớ”

Thôn Tân Ninh, xã Nam Dong (Chư Jút) có 170 hộ, khoảng 300 khẩu chủ yếu là người Bắc Ninh, Bắc Giang vào lập nghiệp từ năm 1995 đến nay. Sinh sống trên cùng một địa bàn nên những người con Kinh Bắc đã cùng nhau thành lập Câu lạc bộ (CLB) quan họ “Mười Nhớ”.

Ông Hà Văn Giới, người thành lập và là trưởng CLB tâm sự: “Ý tưởng về việc thành lập CLB bắt nguồn từ năm 2012, khi những người dân Kinh Bắc vào lập nghiệp kinh tế đã dần ổn định. CLB được thành lập với mong muốn bà con quê hương giao lưu với nhau cho bớt nhớ quê”.

Cũng theo ông Giới thì sinh ra và lớn lên ở vùng quê Kinh Bắc, những lời ru, tiếng hát đã ăn sâu vào trong tâm thức từ thuở còn nằm trong nôi. Ðến khi lớn lên được đi học, được tham gia các buổi hát đối đáp của các liền anh, liền chị, các nghệ nhân trong làng vào các dịp sinh hoạt hội hè đã khơi dậy niềm say mê hát quan họ trong mỗi người con Kinh Bắc.

CLB quan họ Mười Nhớ được thành lập từ năm 2012 gồm 18 thành viên là những người đam mê hát quan họ. Buổi đầu thành lập, các buổi tối thứ Bảy, Chủ nhật  sau những giờ làm việc họ sẽ dành thời gian để ngồi cùng nhau, tập luyện ôn lại những bài hát quan họ. Người đàn, người hát rộn ràng cả một khu dân cư.

Để hiện thực ý tưởng ngoài việc huy động và tập hợp được những con người có cùng đam mê, cùng sở thích và có những năng khiếu trong việc hát quan họ thì CLB phải có trang phục truyền thống, nhạc cụ để mọi thứ đi vào sinh hoạt một cách bài bản. Ông Hà Văn Giới đã đích thân về quê mua sắm toàn bộ trang phục, nhạc cụ để phục vụ cho tập luyện và biểu diễn. Ông Giới còn tự mày mò, tìm hiểu và đầu tư dàn dựng công phu, bài bản nhất có thể.

Biểu diễn hát quan họ. Ảnh: Đức Hùng

“Sân chơi mới” cho quan họ

6 thành viên trong CLB quan họ Mười Nhớ gồm Hà Văn Giới, Nguyễn Thị Phúc, Đào Văn Sinh, Lê Thị Xuân, Hoàng Văn Ngai, Lê Thị Chùng đã khá quen thuộc với nhiều nhà hàng tiệc cưới trên địa bàn Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Phước, Gia Lai. Mùa cưới, 6 thành viên lại chuẩn bị sắp xếp công việc rẫy nương cho những “sô diễn” đã được đặt trước cả tháng. Sân khấu là điểm diễn ra tiệc cưới trong nhà hàng, khách sạn. Trong bộ trang phục áo dài khăn đóng, họ bước lên sân khấu hát quan họ phục vụ những người quê hương Kinh Bắc. Đây là sân khấu mới của những thành viên, ngoài việc tham gia hát trong các sinh hoạt của CLB, tham gia biểu diễn trong các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, các chương trình văn nghệ của xã, huyện, tỉnh.

Từ khi thành lập, được mời đi hát trong hội đồng hương và CLB trở thành một địa chỉ để những người Kinh Bắc thích nghe quan họ liên lạc. Và cũng từ đó, 6 thành viên trong CLB trở thành những liền anh, liền chị mang quan họ đến với các buổi tiệc đám cưới.

Ông Giới cho biết: “Mỗi tháng có khoảng hơn 10 sô diễn tại các đám cưới, thường thì hát trong các tiệc đám cưới có con em là người quê hương Bắc Ninh. Những sô diễn đã tiếp sức cho đam mê quan họ của những liền anh, liền chị giữa bộn bề lo toan cơm, áo, gạo, tiền.

Những ca khúc quan họ được biểu diễn ở đâu đều được ông Giới và các thành viên trong CLB đầu tư thời gian, công sức, dàn dựng công phu để tạo sự hấp dẫn cho người xem, người nghe. Ngoài ra, mỗi khi biểu diễn, họ đều phải thể hiện được cái “văn hóa quan họ” trong giao tiếp, trong cách thể hiện trên sân khấu, thể hiện với khán giả và trong cách giao lưu với mọi người khi đã kết thúc lời ca tiếng hát. Ông Giới tâm sự: “Mong muốn hiện nay của những người yêu thích quan họ là giới thiệu quan họ trong các trường học để giúp người trẻ tiếp cận”.

Ông Ngô Lãm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Chư Jút cho biết: “Các CLB đàn tính hát then, CLB quan họ hoạt động trên tinh thần tự nguyện, cùng sở thích, đam mê, chính vì thế tạo sức lan tỏa lớn. Trong thời gian qua, ngành văn hóa rất quan tâm, tạo điều kiện cho các CLB hoạt động trên địa bàn, các sự kiện của huyện thường xuyên mời các CLB đến biểu diễn, quảng bá. Cùng với đó, cổ vũ, động viên và đa dạng hóa cũng như vận động các dân tộc, vùng miền tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ bằng chính những sinh hoạt văn hóa truyền thống, đặc trưng của dân tộc mình. Bằng nhiều cách thức thực hiện các CLB, các loại hình sinh hoạt văn hóa đặc trưng các dân tộc, vùng miền đã đưa nghệ thuật truyền thống đến với quần chúng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, lưu giữ và phát triển. Hiện nay, các CLB đang nỗ lực để truyền dạy cho thế hệ trẻ để tiếp nối và phát huy văn hóa truyền thống. Ông Ngô Lãm trăn trở: "Hiện nay nguồn kinh phí hỗ trợ các CLB ít, môi trường để CLB thường xuyên biểu diễn, quảng bá còn hạn chế. Muốn văn hóa truyền thống phát triển, ngoài ý thức, sở thích, đam mê của các thành viên CLB cần có sự hỗ trợ nhất định của địa phương để tạo điều kiện sinh hoạt, hoạt động”.

>> Kỳ 2: Lễ cấp sắc của người Dao …

Đức Hùng

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây