“Hồn thiêng” của dân tộc
Hẹn mãi, chúng tôi mới được các nghệ nhân ở bon Bu Bir, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) đồng ý dành chút thời gian để biểu diễn đàn đá. Trong ngôi nhà nhỏ của anh Điểu Phương, các bộ đàn đá được đặt song song, ngay ngắn trên cùng một giá đỡ. Những thanh đá vô tri và thô kệch, dưới sự trình diễn của các nghệ nhân đã trở thành một nhạc cụ có âm thanh lay động lòng người.
Dù không am hiểu về nhạc lý, nhưng khi nghe các nghệ nhân biểu diễn, chúng tôi ai cũng tròn mắt ngạc nhiên bởi các âm thanh phát ra. Các thanh đàn đá như được thổi hồn vào, từ âm thanh của nó như có tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót líu lo, hay tiếng thác nước ầm ào… trên đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ.
Anh Điểu Phương bên cạnh những bộ đàn đá tìm thấy tại suối Đắk Kar |
Nghệ nhân Điểu Têu cho biết: “Khi còn bé, tôi đã được nghe ông bà kể về sự tích cũng như cách biểu diễn đàn đá nên rất mê. Không biết từ bao giờ, đàn đá trở thành biểu tượng “linh hồn” của người M’nông chúng tôi. Mỗi khi âm thanh của nó cất lên, người nghe có thể cảm nhận được người Tây Nguyên đang gửi lòng mình vào đá. Đó là lời tâm tình, niềm an ủi, niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống”.
Nghệ nhân Điểu Nhôm nói đầy cảm xúc: “Đàn đá là một nhạc cụ rất độc đáo và khi đánh, tôi cảm thấy thăng hoa, say sưa với những thanh âm của nó”.
Đàn đá là một loại nhạc cụ cổ xưa gồm nhiều thanh đá "kêu" có âm thanh đặc biệt hợp thành, được chế tác bằng phương pháp ghè đẽo thô sơ và tạo nên âm sắc riêng biệt. Khi các nghệ nhân biểu diễn, âm thanh đàn đá như tiếng vọng của đại ngàn, của núi rừng, sông suối... Những thanh đá dài, to, dày thường có âm trầm và trong; thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì tiếng thanh cao...
Ở âm vực cao, tiếng đàn đá thánh thót, xa xăm; âm vực trầm thì âm vang như tiếng vọng từ vách đá. Do kích thước, khối lượng của đàn đá lớn và nặng (mỗi thanh từ 3- 5kg) nên khi đánh thường được treo hoặc để nằm song song trên cùng một giá đỡ. Thuở xưa, ngoài việc xua đuổi muông thú, bảo vệ mùa màng thì đàn đá còn được người tiền sử sử dụng trong các lễ hội như là một tiếng gọi tâm linh, hướng lòng người về với cội nguồn dân tộc.
Những thanh đá trở về từ đất mẹ
Như một tiếng vọng từ lòng đất, nhiều bộ đàn đá được tìm thấy và trở thành kho tư liệu quý về văn hóa. Năm 1985, ông Điểu Bang ở bon Bu Bir trong một lần đi đánh cá ở suối Đắk Kar đã phát hiện 3 thanh đá có âm thanh lạ, nghe rất vui tai nên mang về cho bà con trong bon chiêm ngưỡng.
Thời gian sau đó, trong bon xảy ra dịch bệnh làm chết nhiều người. Nhiều người nghi đó là những “thanh đá thần” và người dân không cúng bái thần thánh nên bị quở trách. Vì thế, cả bon quyết định mang trả 3 thanh đá về chỗ cũ. Sau này, cán bộ văn hóa đi sưu tầm năn nỉ mãi, ông Điểu Bang mới chịu chỉ chỗ, tìm về. Năm 1993, bộ đàn đá này được ngành văn hóa nghiên cứu, thẩm định và kết luận 3 thanh đá là một loại nhạc cụ thô sơ của người bản địa Tây Nguyên thời tiền sử, có niên đại trước Công nguyên.
Mới đây, trong lúc làm rẫy, ông Bùi Đức Mai ở thôn Đắk Sơn, xã Long Sơn (Đắk Mil) cũng phát hiện được 17 thanh đá sâu trong lòng đất. Thấy lạ, ông mang về rửa sạch cất giữ và báo tin cho cơ quan chức năng. Sau khi Bảo tàng tỉnh xuống kiểm tra và xác nhận đây chính là bộ đàn đá thì ông Mai đã bàn giao lại cho Bảo tàng tiếp quản, gìn giữ.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, bộ đàn đá Đắk Sơn được chế tác theo lối thủ công, kỹ thuật ghè đẽo ở hậu kỳ thời đại đồ đá mới - sơ kỳ kim khí với niên đại khoảng 3500- 3000 năm cách ngày nay, giống với loại hình đàn đá được phát hiện ở các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Vũng Tàu...
Ông Bùi Đức Mai cho biết: “Tôi cũng không biết những thanh đá mình tìm thấy lại có giá trị về mặt khảo cổ học như vậy. Âu đó cũng là một cái duyên với cổ nhân nên khi nghe tin các nhà chuyên môn đánh giá về xuất xứ cũng như tác dụng của nó, tôi vui lắm”.
Các nghệ nhân bon Bu Bir đánh đàn đá |
Đam mê sưu tầm và bảo tồn
Đàn đá gắn liền với đời sống đồng bào M’nông và các dân tộc Tây Nguyên là thế, nên nhiều người say mê nghiên cứu, sưu tầm. Anh Điểu Phương ở bon Bu Bir hiện có sưu tập gồm 5 bộ đàn đá mà anh dò tìm được từ suối Đắk Kar, mỗi thanh nặng từ 5-15 kg.
Với anh Điểu Phương, đàn đá có sức hút mãnh liệt, nên vào mùa nắng, anh lại thường tìm đến suối Ðắk Ka tìm những thanh đá vô tri vô giác để bổ sung vào bộ sưu tập đàn đá của mình. Mỗi khi sưu tầm được, anh Ðiểu Phương đều mời những nghệ nhân am hiểu về đàn đá để thẩm định cũng như sắp xếp theo đúng trình tự một dàn hoàn chỉnh. Đặc biệt, để bảo quản và giới thiệu cho mọi người được biết và cùng nhau giữ gìn, anh đã xây dựng riêng một căn nhà nhỏ để trưng bày.Điều đáng ghi nhận là mặc dù có nhiều nhà sưu tầm từ các nơi khác đến hỏi mua, nhưng anh nhất định không bán.
Anh Điểu Phương cho biết: “Tôi rất may mắn nên mới sưu tầm, gìn giữ được các bộ đàn đá cũng như một số nhạc cụ cổ truyền của dân tộc. Mặc dù có nhiều người đến hỏi mua với giá rất cao, nhưng tôi nhất quyết không bán. Chỉ mong sao đàn đá của người M’nông được mọi người biết đến và trân quý hơn”.
Năm 2005, đàn đá được UNESCO xếp vào danh sách các nhạc cụ trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và danh tiếng đàn đá được lan truyền. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có hơn 10 bộ đàn đá được các gia đình ở các huyện Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Mil phát hiện, gìn giữ. Ngày nay, cuộc sống dù nhiều đổi thay, nhưng trong tâm thức của nhiều người, đàn đá luôn tồn tại như một biểu tượng văn hóa truyền thống của cha ông và âm thanh của đàn đá luôn vang vọng, lan tỏa trong núi rừng Tây Nguyên.
Bài, ảnh: Mỹ Hằng
Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...