Đón nhận bằng UNESCO vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ

Thứ sáu - 14/02/2014 02:24 - Đã xem: 1019
Tối 11/2, tại Hội trường Thống Nhất, Bộ VH-TT-DL và UBND TPHCM tổ chức trọng thể lễ đón nhận bằng UNESCO vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đến dự có các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ ngành, TPHCM, các tỉnh thành Nam bộ. Cùng dự còn có các nghệ nhân, nghệ sĩ lão thành và đông đảo văn nghệ sĩ của nhiều địa phương.

* Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: VGP

Phát biểu tại buổi lễ vinh danh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việc UNESCO vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam. Đây không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Nam bộ, của người Việt Nam mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự đa dạng các biểu đạt văn hóa trong kho tàng văn hóa thế giới. Đồng thời là một minh chứng sống động về sức sống, sức lan tỏa của văn hóa truyền thống của Việt Nam trong dòng chảy hội nhập của văn hóa thế giới”.

Đại diện các địa phương nhận Bằng của UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: VGP

Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, đã công bố quyết định của UNESCO ghi danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trao bằng công nhận cho Bộ VH-TT-DL và đại diện 21 tỉnh thành. Bộ VH-TT-DL cũng công bố Chương trình hành động quốc gia nhằm kêu gọi nhân dân cả nước cùng chung tay, góp sức gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, đồng thời khen thưởng các tập thể, cá nhân, nghệ nhân đã có những công trình, sản phẩm, thực hiện công tác truyền dạy góp phần phát triển hoạt động đờn ca tài tử trong nhiều năm qua.

Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Ảnh: VGP

     

Được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, đờn ca tài tử Nam bộ là loại hình nghệ thuật xuất xứ từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian, chữ “tài tử” ở đây có nghĩa là người chơi nhạc có biệt tài, giỏi về cổ nhạc, chứ không có nghĩa là nghiệp dư. Đờn ca tài tử được du nhập vào miền Nam do 3 nhạc sư gốc Trung bộ: Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi - Nhạc quan triều đình nhà Nguyễn), Trần Quang Quờn (thầy ký Quờn) và Lê Tài Khị (biệt danh Nhạc Khị) sáng tạo nên với mục đích chỉ để phục vụ nghe chơi với nhau giữa một số người trong một hoàn cảnh nhất định. Dần dà thu hút thêm những đối tượng khác cùng tham gia và không gian cũng mở rộng hơn; lúc đầu chỉ có đờn, sau xuất hiện hình thức ca cùng với đờn nên gọi là đờn ca.

Bài bản tài tử dựa trên các bài có sẵn của ca Huế rồi cải biên, sáng tác ra nhiều loại bài bản mang âm hưởng quê hương hoặc dựa theo các tác phẩm, tích truyện phổ thông thời bấy giờ - là loại nhạc “tâm tấu” (tâm tình của người xa xứ), mang tính ngẫu hứng sáng tạo. Nhạc cụ dùng trong đờn ca tài tử gồm: đờn kìm, đờn tranh, đờn cò, đờn tỳ bà, đờn tam (hoặc đờn sến, đờn độc huyền). Vào khoảng năm 1930 có thêm cây guitare phím lõm, violon, guitare hawaii được cải biên đưa vào nhạc tài tử.

Theo truyền thống, ít khi nhạc công độc tấu mà thường là song tấu, tam tấu, hòa tấu. Đến đầu thế kỷ 20, nhạc tài tử rẽ nhánh thành một dòng nhạc mới với dấu mốc ban đầu là ca ra bộ và sau đó là cải lương. Bén rễ ở vùng đất phương Nam hơn một thế kỷ qua, đờn ca tài tử trở thành loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam bộ, không ngừng phát triển trở thành sinh hoạt nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân… Số liệu kiểm kê cho thấy, hiện có 2.258 CLB đờn ca tài tử tại 21 tỉnh, thành trong cả nước với gần 14.000 người tham gia sinh hoạt đờn ca tài tử, người nhỏ nhất 6 tuổi, lớn nhất 99 tuổi. Riêng tại TPHCM có 97 CLB đờn ca tài tử với 1.133 thành viên tham gia sinh hoạt, chiếm tỷ lệ cao nhất là độ tuổi từ 36 - 50 tuổi.

Chương trình hành động quốc gia bảo vệ nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ (2014 - 2020)

1- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ nói riêng.

2- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trong các gia đình, các nhà trường, câu lạc bộ và cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương.

3- Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy, trình diễn... để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ; đưa nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ vào nội dung đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành.

4- Hỗ trợ cộng đồng phục hồi, lưu truyền các “bài Tổ”, các tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới, phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trong cuộc sống đương đại.

5- Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp tổ chức thường xuyên và định kỳ các chương trình giới thiệu, quảng bá về nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ dưới nhiều hình thức nhằm giáo dục thẩm mỹ, cảm thụ nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ tới công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

6- Có chính sách đãi ngộ, khen thưởng và phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước cho các nghệ nhân đờn ca tài tử có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử.

7- Tạo mọi điều kiện để nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ có nhiều cơ hội giao lưu, trình diễn ở nước ngoài; thường xuyên tổ chức liên hoan nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ ở các địa phương; định kỳ 3 năm một lần tổ chức Liên hoan nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ toàn quốc.

 

 

Nguồn SGGP


Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây