Báo Nga: Việt Nam nhận chiến hạm Gepard sớm hơn kế hoạch

Thứ tư - 18/05/2016 07:55 - Đã xem: 1307
Ngày 17/5, Nhà máy đóng tàu Maxim Gorky ở Zelenodolsk (Nga) cho biết sẽ bàn giao chiếc tàu Gepard thứ 3 và 4 cho Việt Nam vào tháng 8 và 9/2016.

Bàn giao sớm

Kế hoạch bàn giao được Tổng giám đốc Nhà máy Maxim Gorky, Renat MistahovRenat Mistahov cho biết đồng thời tiết lộ thêm rằng vào ngày 25/5 tới đây, chiếc Gepard thứ 4 của Việt Nam sẽ tiếp tục được hạ thủy.

Tổng giám đốc Renat Mistahov cho biết thêm hai chiếc tàu chiến Gepard 3.9 thứ 3 và 4 này sẽ lần lượt bàn giao cho Việt Nam vào tháng 8 và 9 năm 2016, sớm hơn dự định là năm 2017. Hiện công việc đã hoàn tất đến 65%.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên kế hoạch bàn giao cặp chiến hạm Gepard thứ 2 cho Việt Nam được tiết lộ, hồi cuối tháng 4/2016, tạp chí IHS Jane's cũng đã đưa tin cho biết Nga sẽ bàn giao chiếc tàu Gepard 3.9 thứ 3 và thứ 4 Việt Nam trong Quý III và IV năm 2016.

"Cả 2 tàu phiên bản săn ngầm sẽ được hạ thủy lần lượt vào tháng 4 và tháng 5/2016, sau đó chúng tôi sẽ bắt đầu các thử nghiệm cơ bản" - ông Mistakhov nói, đồng thời cho biết thêm rằng "các tàu sẽ được bàn giao cho phía Việt Nam vào Quý III năm 2016".

Bao Nga: Viet Nam nhan chien ham Gepard som hon ke hoach
Nga hạ thủy chiếc Gepard thứ 3 cho Hải quân Việt Nam.

Như vậy, thông tin về thời điểm bàn giao cặp tàu Gepard tiếp theo cho Việt Nam liên tục được phía Nga thay đổi. Ban đầu các thông tin cho biết, quá trình giao tàu sẽ được tiến hành vào năm 2016 nhưng sau đó, các vấn đề về động cơ khiến thời gian dự kiến lùi tới năm 2017 và đến nay, Tổng Giám đốc nhà máy đóng tàu Zelenodolsk cho biết là Quý III năm 2016.

Báo cáo tài chính năm 2015 của nhà máy Zelenodolsk cũng nêu rõ do việc chậm trễ bàn giao động cơ từ phía Ukraine đã khiến tiến độ thi công của 2 tàu bị trì hoãn đáng kể.

Cụ thể, với tàu số hiệu 956 (chiếc đầu tiên của cặp tàu thứ 2), thời gian thi công mới là 51 tháng (so với ban đầu là 42 tháng), chiếc tàu số hiệu 957 thời gian thi công mới là 54 tháng (so với ban đầu là 46 tháng).

Việc chốt thời gian bàn giao mới vào Quý III năm 2016 cho thấy có vẻ nhà máy Zelenodolsk đã khắc phục được sự chậm trễ bàn giao động cơ bằng cách đẩy nhanh tiến độ những phần việc khác.

Đây cũng là điểm có lợi cho cả 2 phía Việt Nam và Nga khi chúng ta có thể nhận được tàu như kế hoạch ban đầu và phía Nga cũng không cần phải điều chỉnh lại hợp đồng đã ký kết khi đóng tàu.

Vũ khí mới

Mặc dù chưa công bố cấu hình cụ thể của cặp tàu Gepard mới của Việt Nam nhưng theo truyền thông Nga, sức chiến đấu của chúng được tăng lên rất nhiều do được trang bị thêm hệ thống vũ khí chống ngầm cực hiện đại.

Theo nguồn tin trên, hệ thống vũ khí sẽ bao gồm: Pháo hạm AK-176M, hai pháo bắn nhanh AK-630M, một hệ thống CIWS Palma, 2x4 tên lửa chống hạm Uran-E/UE.

Trang bị radar gồm: Một đài radar cảnh giới Pozitiv-ME, 1 radar dẫn bắn Minera-ME, 1 radar điều khiển hỏa lực pháo 5P-10-03E Laska, 1 radar hàng hải MR-231. Thiết bị thủy âm gắn vào thân tàu.

Trong khi đó theo website chính thức của nhà máy đóng tàu Gorky, các tàu Gepard 3.9 có lượng giãn nước đầy tải 2.200 tấn, chiều dài tổng thể 102,4 m; chiều rộng 14,4 m; chiều cao 7,25 m; mớn nước khoảng 5,6 m; tốc độ di chuyển tối đa khoảng 29 hải lý/h.

Tàu có tầm hoạt động 4.000 hải lý khi di chuyển với tốc độ 10 hải lý/h; khả năng hoạt động độc lập liên tục 20 ngày trên biển và được vận hành bởi kíp thủy thủ 84 người. Trong tương lai, không chỉ Việt Nam sở hữu chiến hạm Gepard mà các nước Đông Nam Á cũng đang đứng trước cơ hội rất lớn sở hữu dòng chiến hạm này.

Cụ thể, tại triển lãm LIMA 2015 (Malaysia) hồi đầu năm 2015, Nga đã đưa mô hình tàu hộ vệ Gepard đến tham dự. Triển lãm đã quy tụ 512 công ty quốc phòng (so với 433 công ty ở 2 năm trước), với 65 tàu chiến và 110 máy bay.

Phía Nga có 18 công ty tham gia với diện tích gian trưng bày là 645m2, trong đó có gian hàng của nhà máy đóng tàu Zelenodolsk (nơi đóng các chiến hạm Gepard cho Hải quân Nhân dân Việt Nam).

Nói về tương lai của tàu Gepard trong khu vực, ông Renat Mistahov cho biết, đây là mẫu tàu thu hút được nhiều sự quan tâm của các quốc gia ven biển và quốc đảo ở Đông Nam Á.

Tuấn Vũ

Nguồn tin: baodatviet.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây