Cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979 cần được trình bày trong SGK mới

Thứ hai - 04/03/2013 07:49 - Đã xem: 1051
“Chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai không có nghĩa là quên đi quá khứ. Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 cần thiết phải tiếp tục được đưa vào SGK mới”- PGS.TS Ngô Minh Oanh - Viện trưởng viện Nghiên cứu Giáo dục (Trường ĐHSP TP.HCM) góp kiến khi trao đổi với VietNamNet.

 

PGS. TS Ngô Minh Oanh

Phải tôn trọng sự thật

- Thưa ông, có ý kiến cho rằng cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979 đã đủ độ chín để đưa vào SGK mới được phát hành năm 2015. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Ngô Minh Oanh: Có thể nói rằng, trong lịch sử ít có một dân tộc nào lại độ lượng, vị tha như dân tộc Việt Nam....

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 là một sự kiện lịch sử đã được đưa vào trong SGK lịch sử trước đây và trong SGK lịch sử hiện hành. Các nhà biên soạn SGK cũng đã trình bày một cách khách quan, thẳng thắn đúng như bản chất của nó. Sự kiện này cũng cần thiết phải được tiếp tục trình bày trong SGK mới xuất bản năm 2015.

Cần phải lưu ý rằng, đưa vấn đề này vào SGK mới có ý nghĩa đảm bảo khoa học, tính chân thực của việc dạy học lịch sử cho học sinh.

- Sự thật lịch sử này vào SGK mới sẽ có tầm quan trọng như thế nào, thưa ông?

Ta đã đưa sự kiện vào SGK, đã dạy cho học sinh như là những sự kiện trong chuỗi sự kiện của lịch sử dân tộc. Vấn đề là nếu chúng ta không dạy cho học sinh biết sự thật về sự kiện này, thì các em sẽ nắm một cách không đầy đủ về lịch sử dân tộc, trong lúc đó thì báo chí nước ngoài đã đề cập đến sự kiện này một cách thiếu chính xác, thậm chí làm cho mọi người hiểu sai sự thật. Tiếp tục đưa sự kiện này vào SGK lịch sử là chúng ta đang tôn trong sự thật lịch sử và đảm bảo tính khoa học trong việc trình bày lịch sử.

Chắc chắn sẽ có đa số người Việt Nam sẽ rất ủng hộ việc tiếp tục đưa vấn đề này vào SGK mới, vì đó là sự thật lịch sử. Sự thật vẫn là sự thật, nếu vì trình bày sự thật mà có phản ứng thì chúng ta cũng phải tôn trong sự thật ấy.

Hơn nữa chúng ta cần phải ghi nhớ công ơn của những người đã hi sinh bảo vệ từng tấc đất biên cương của tổ quốc, cho thế hệ trẻ biết được sự thật đã diễn ra như thế nào. Nếu như không đưa sự kiện này vào SGK cũng có nghĩa những sự thật lịch sử không được nhắc đến, không được ghi nhớ, đến một lúc nào đó thế hệ trẻ của chúng ta sẽ quên đi những sự kiện như vậy ảnh hưởng đến việc hình thành và giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thế hệ trẻ.

Đổi mới bắt đầu từ trường sư phạm

- Nếu đưa vào SGK mới, cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979 cần được trình bày những gì để học sinh hiểu đúng và đủ ý?

Chương trình SGK mới các môn học nói chung sau năm 2015 đã được Bộ GD - ĐT chuẩn bị rất kĩ.

Đối với SGK Lịch sử, Bộ GD- ĐT đã có tổ chức một hội nghị lớn, hội nghị toàn quốc tại Đà Nẵng bàn về chương trình, SGK và dạy học lịch sử. Tất nhiên, trình bày SGK mới sẽ hướng đến việc đưa những cái gì tinh túy nhất, giảm những vấn đề không cần thiết, những chi tiết rườm rà đồng thời đảm bảo sự cân đối giữa các lĩnh vực của lịch sử. Cụ thể, trước đây chúng ta nặng về trình bày lịch sử chiến tranh, lịch sử quân sự, lịch sử chính trị thì bây giờ phải chú trọng thêm phần lịch sử văn hóa, lịch sử kinh tế và lịch sử của những quốc gia, vùng lãnh thổ, những sự kiện có liên quan đến lịch sử dân tộc.

Từ chương trình, những nội dung lịch sử được trình bày trong SGK luôn chú trọng nguyên tắc là đảm bảo tính toàn diện, hệ thống và phải tôn trọng sự thật lịch sử như lịch sử đã từng diễn ra.

Về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới 1979, phải được trình bày đúng sự thật với một văn phong khoa học, một thái độ khách quan, không xuyên tạc hay nhấn mạnh cái gì làm sai sự thật lịch sử. Còn mức độ đưa vào, thời lượng, dung lượng còn phải phụ thuộc vào sự cân đối với các nội dung khác.

- Việc phát hành SGK mới đòi hỏi nền GD sẽ phải đào tạo một đội ngũ giáo viên đáp ứng được những yêu cầu mới. Theo ông, giáo viên cần phải được đào tạo như thế nào để thích ứng với yêu cầu đặt ra?

Đội ngũ giáo viên hiện nay của ngành GD- ĐT rất được quan tâm. Đội ngũ giáo viên được đào tạo từ các trường SP hiện nay đã đảm đương nhiệm vụ trong những lần thay sách trước đây, nhưng để đáp ứng được việc thay sách sau 2015 thì cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên hơn nữa.

Cần thiết phải trang bị cho SV sư phạm thực tế ở trường phổ thông nhiều hơn. Các trường sư phạm phải phối hợp nhiều hơn với trường phổ thông trong suốt quá trình đào tạo giáo viên, trang bị cho sinh viên thành thạo các kiến thức, kĩ năng dạy học, giáo dục, và những hoạt động khác trong trường phổ thông.

Bộ GD-ĐT cũng đã và sẽ đầu tư rất nhiều cho các trường SP nhất là 2 trường SP trọng điểm Hà Nội và TP.HCM. Nếu như, trước đây việc đổi mới chương trình và SGK thường là bắt đầu ở trường phổ thông, sau đó mới triển khai ở các trường SP thì việc đổi mới chương trình và SGK lần này cần phải bắt đầu từ các trường sư phạm trước hoặc ít nhất cũng tiến hành song song với quá trình đổi mới ở trường phổ thông.

- Cảm ơn ông!

                                                                                                           Theo Lê Huyền (Vietnamnet)

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây