Cưỡng chế, giải tỏa các trường hợp lấn chiếm rừng thông phòng hộ trên quốc lộ 14

Thứ năm - 21/11/2013 06:13 - Đã xem: 2076

Cưỡng chế, giải tỏa các trường hợp lấn chiếm rừng thông phòng hộ trên quốc lộ 14

UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành Văn bản số 4637/UBND-NN về việc phê duyệt phương án tổ chức cưỡng chế, giải tỏa đất rừng thông phòng hộ cảnh quan (RTPHCQ) quốc lộ 14 bị lấn chiếm trái phép của UBND huyện Đắk Song.
 
 

 

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Đắk Song khẩn trương phối hợp với các ngành chức năng tiến hành các biện pháp cưỡng chế, giải tỏa dứt điểm các hộ lấn chiếm trái phép, bảo vệ nghiêm ngặt RTPHCQ quốc lộ 14 quý hiếm này.

 

Qua rà soát của UBND huyện Đắk Song và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông, đến thời điểm hiện nay tại các tiểu khu 1615, 1622, 1641, 1655, 1665, 1682, 1699 và 1709 thuộc diện tích RTPHCQ quốc lộ 14 nằm trên địa bàn hai xã Trường Xuân và Nâm N’Jang, huyện Đắk Song có tất cả 96 hộ vi phạm về các hành vi lấn chiếm, sử dụng đất rừng để xây dựng nhà, lán trại, lều quán, cây trồng trái phép,  trong đó ở Trường Xuân có 32 hộ và xã Nâm N’jang có 64 hộ.
 
Người dân làm nhà và trồng cây công nghiệp trái phép trong diện tích RTPHCQ quốc lộ 14 đoạn qua xã Trường Xuân, huyện Đắk Song.
 
 
Các hộ dân đã xây dựng vật kiến trúc trái phép trong diện tích RTPHCQ là 162 công trình với diện tích 7.712,8m2, trong đó có 88 nhà với diện tích 4.809,5m2, 35 lán trại, lều quán với diện tích 2.242,5m2, 39 công trình phụ với diện tích 660,8m2; 23 giếng và hàng rào; trồng 1.057 cây công nghiệp trên diện tích 3.414m2; trồng 496 cây ăn quả trên diện tích 3.339m2; trồng 989 cây rừng gồm keo, bạch đàn, xà cừ trên diện tích 11.870 m2; trồng 259 m2 mì và chiếm dụng trái phép hơn 42.070 m2 đất trống rừng phòng hộ cảnh quan…
 
 
Qua công tác kiểm tra, rà soát, các ngành chức năng còn phát hiện, trong số 96 hộ dân lấn chiếm trái phép RTPHCQ quốc lộ 14 thì có ba hộ ở xã Trường Xuân đã được UBND huyện Đắk Song cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm hộ ông Võ Văn Bảy, được UBND huyện Đắk Song cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa số 2b, tờ bản đồ số 2 với diện tích 1.102m2, cấp ngày 30-7-2012. Hiện nay trên diện tích đất này ông Bảy đã xây dựng một nhà và bán một phần đất cho bà Trần Thị Mỹ cũng ở xã Trường Xuân xây dựng nhà ở.
 
 
Ngoài ra, ông Đỗ Văn Sơn, ở xã Trường Xuân cũng được UBND huyện Đắk Song cấp hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa số 50, 51 tờ bản đồ số 4, với tổng diện tích là 28.050m2, cấp ngày 29-3-2005.
 
 
Điều đáng nói là các hộ dân này lấn chiếm đất RTPHCQ trái phép nhưng không hiểu vì lý do gì mà vẫn được UBND huyện Đắk Song cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Vì vậy, gây khó khăn trong công tác cưỡng chế, giải tỏa.
 
 
Mặc dù vậy, theo phương án phê duyệt của UBND tỉnh Đắk Nông thì công tác cưỡng chế, giải tỏa vẫn được tiến hành, tuy nhiên yêu cầu UBND huyện Đắk Song phải chuẩn bị kỹ phương án. Trước khi tiến hành cưỡng chế giải tỏa phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự tháo dỡ nhà cửa, vật kiến trúc, chặt bỏ cây trồng…
 
 
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, lực lượng kiểm lâm huyện phối hợp với chính quyền và các ngành, đoàn thể của hai xã Trường Xuân và Nâm N’Jang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người vi phạm tự tháo dỡ nhà cửa, vật kiến trúc ra khỏi rừng phòng hộ.
Đến nay đã có sáu hộ vi phạm tự di dời, 63 hộ ký vào biên bản vi phạm, 23 hộ không ký vào biên bản vi phạm và có bốn nhà không xác minh được chủ nhà hiện ở đâu.
 
 
Như vậy, đến thời điểm hiện nay, trong số 96 hộ lấn chiếm trái phép RTPHCQ quốc lộ 14 chỉ còn 80 hộ thuộc diện cưỡng chế, giải tỏa. Việc giải tỏa sẽ được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn I có 42 hộ, giai đoạn II có 38 hộ.
 
 
Công tác cưỡng chế, giải tỏa sẽ được huyện Đắk Song tiến hành trong những ngày cuối tháng 11 này. UBND huyện Ðắk Song cũng đã lên phương án hỗ trợ một phần kinh phí đối với những gia đình tự di dời tài sản như nhà cửa, vật kiến trúc và cây trồng trên đất, đồng thời bố trí tái định cư cho những gia đình có nhu cầu về đất ở…
 
Nhiều diện tích RTPHCQ quốc lộ 14 đoạn qua xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song bị người dân “đầu độc” chết đứng rồi lấn chiếm trái phép.
 
 
RTPHCQ quốc lộ 14 đoạn từ huyện Đắk Song đến thị xã Gia Nghĩa là rừng thông quý hiếm đã hơn 30 năm tuổi còn sót lại ở tỉnh Đắk Nông hiện nay. Ngoài chức năng phòng hộ, rừng thông này còn tạo ra cảnh quan khá đẹp cho cả đoạn đường dài hơn 40 km dọc theo quốc lộ 14 mà ít nơi nào có được. Thế nhưng, do bất cập trong công tác quản lý, trong những năm qua đã có hàng chục ha rừng thông quý hiếm này bị người dân địa phương chặt phá vô tội vạ rồi lấn chiếm để làm nhà ở, trồng cây công nghiệp trái phép ngay trong rừng phòng hộ.
 
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, RTPHCQ quốc lộ 14 đoạn từ huyện Đắk Song đến thị xã Gia Nghĩa ban đầu có diện tích 429,6 ha, được lâm trường Đắk Nông và một số đơn vị thanh niên xung phong trồng từ những năm 1978 đến năm 1984, đến nay nhiều cây đã có đường kính từ 40-50cm.
 
 
Giai đoạn đầu, rừng thông này do Lâm trường Đắk Nông và Lâm trường Đắk Rung quản lý. Đến năm 2003, rừng thông được giao về cho UBND huyện Đắk Song và các xã Nâm N’jang, Trường Xuân quản lý. Chính trong thời gian này rừng thông bị tàn phá nặng nề nhất với hàng chục ha rừng thông bị chặt phá và bị người dân lấn chiếm đất làm nhà ở, trồng cây công nghiệp. Vì vậy, đến năm 2007, UBND tỉnh Đắk Nông giao rừng thông cho các đơn vị lâm nghiệp là Công ty lâm nghiệp Trường Xuân và Công ty lâm nghiệp Đắk Song quản lý và bảo vệ, lúc này diện tích rừng thông giảm xuống chỉ còn 361,55 ha, trong đó diện tích đất có rừng là 314,37 ha, còn là đất trống. Tuy nhiên, các công ty lâm nghiệp này vẫn không đủ năng lực để quản lý, bảo vệ được rừng thông phòng hộ trước sự chặt phá, lấn chiếm ồ ạt của người dân địa phương, làm cho diện tích rừng thông tiếp tục giảm mạnh.
 
 
Nhiều người dân làm lều quán trái phép trong RTPHCQ quốc lộ 14 đoạn qua xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song.
 
 
Trước sự chặt phá, lấn chiếm đất trái phép RTPHCQ quốc lộ 14 của người dân địa phương, giữa năm 2010 UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi toàn bộ diện tích rừng thông này giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh quản lý, bảo vệ cho đến nay.
 
 
Sau khi được giao quản lý, bảo vệ RTPHCQ quốc lộ 14 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện Đắk Song đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thông, trong đó đã nhiều lần phối hợp với các ngành chức năng của huyện và chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế, giải tỏa các hộ dân lấn chiếm làm nhà ở và đất sản xuất trái phép trong rừng thông phòng hộ… nhưng do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên việc ngăn chặn vẫn chưa triệt để, rừng thông tiếp tục bị người dân chặt phá và lấn chiếm làm nhà trái phép.
 
 
Nguyên nhân là do việc kiểm tra, xử lý đã được triển khai thực hiện nhiều năm nay, nhưng do các cấp, các ngành của tỉnh và huyện xử lý không dứt điểm khiến người dân chây ỳ và “nhờn” luật. Bên cạnh đó, công tác quản lý dân cư của chính quyền địa phương còn lỏng lẻo, không nắm được hết người dân đến và đi trên địa bàn… Chính vì vậy, trong thời gian qua, các đơn vị chủ rừng và các ngành chức năng của huyện đã tiến hành nhiều đợt giải tỏa, nhưng giải tỏa hôm trước, hôm sau đã thấy nhà cửa được dựng lên lại, và số hộ lấn chiếm đất rừng thông phòng hộ không giảm mà ngược lại ngày càng tăng.
 
 
Vì vậy, lần này UBND tỉnh Đắk Nông giao UBND huyện Đắk Song phải tiến hành cưỡng chế, giải tỏa dứt điểm, không để dây dưa như những lần trước đây. Sau khi cưỡng chế, giải tỏa hoàn thành, huyện Đắk Song tịch thu toàn bộ diện tích được cưỡng chế, giải tỏa bàn giao lại cho Hạt Kiểm lâm huyện Đắk  Song quản lý và lập phương án trồng rừng phục hồi lại các diện tích rừng đã mất nhằm bảo vệ chặt chẽ RTPHCQ quốc lộ 14 quý hiếm này. 
 
 

Nguồn tin: Báo Nhân Dân Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây