Điều kiện cần, đủ để thực hiện lộ trình xây dựng nông thôn mới

Thứ tư - 08/10/2014 04:05 - Đã xem: 1370
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn trên toàn tỉnh đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để thực hiện lộ trình theo đề án các xã đã được phê duyệt, ngoài việc các địa phương đang cần Nhà nước đầu tư một nguồn kinh phí “khổng lồ” thì mỗi người dân cũng phải phát huy hơn nữa vai trò “hạt nhân” về đóng góp nguồn lực, cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm trong quá trình Xây dựng nông thôn mới.

Cần có cơ chế đầu tư đặc thù

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh hiện có 16 xã đạt từ 1 đến 4 tiêu chí; 38 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí và 7 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí.

So với năm 2011, bình quân mỗi xã đã tăng gần 3,5 tiêu chí. Từ đây, bộ mặt nông thôn ở nhiều xã đã được đổi mới theo hướng tích cực từ hạ tầng cơ sở, hệ thống chính trị đến văn minh, văn hóa nông thôn. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung cũng như lộ trình đề án thì tỷ lệ trên của tỉnh đang khá thấp, đòi hỏi trong thời gian tới phải có sự quan tâm tích cực hơn nữa từ phía Nhà nước và người dân.

Không nói đâu xa, chỉ nhìn vào xã điểm của tỉnh, theo lộ trình thì đến năm 2015, tỉnh ta phấn đấu 8/10 xã điểm đạt 19 tiêu chí về nông thôn mới. Đây được xem là những xã có nhiều lợi thế như dân cư tương đối tập trung và ổn định, nhiều hạng mục hạ tầng nông thôn đã được đầu tư từ trước…

Thế nhưng, đến nay, toàn tỉnh vẫn chưa có xã nào đạt nhóm 15 đến 19 tiêu chí. Với phương châm “chọn tiêu chí dễ thực hiện trước, tiêu chí khó làm sau” nhưng hầu hết những tiêu chí mà các địa phương đã đạt được thường là những tiêu chí cần ít kinh phí đầu tư hoặc đã có tính kế thừa từ trước đó. Còn lại, những tiêu chí chưa đạt hiện đang đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư rất lớn.

Do đặc điểm của tỉnh là địa phương miền núi, dân cư thiếu tính tập trung, nhiều nơi chưa ổn định nên rất khó tập trung, huy động nguồn lực trong đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở. Theo UBND tỉnh, trên cơ sở đề án quy hoạch thì nhu cầu kinh phí đầu tư để đạt chuẩn nông thôn mới từ nay đến 2020, bình quân mỗi xã cần khoảng 350 tỷ đồng.

Trong khi đó, những năm qua, nguồn vốn đầu tư cho tỉnh nói chung, cho Chương trình Mục tiêu quốc gia về nông thôn mới nói riêng rất ít do chính sách cắt giảm đầu tư công của Chính phủ. Với nhu cầu nguồn vốn trên, nếu Nhà nước không có cơ chế đầu tư mang tính đặc thù thì tỉnh rất khó hoàn thành chương trình này theo kế hoạch. Bởi vì, cho dù chúng ta phát huy tối đa nguồn lực từ nhân dân thì với điều kiện mặt bằng nông thôn trên địa bàn tỉnh thấp như hiện nay, nguồn lực huy động từ dân ở nhiều xã vùng sâu, vùng xa cũng không thấm tháp vào đâu.

Phát huy vai trò hạt nhân

Mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới không gì khác ngoài việc nâng cao đời sống kinh tế-tinh thần cho người dân khu vực nông thôn. Để làm được điều này, ngay từ đầu, Đảng, Nhà nước đã xác định nông dân chính là hạt nhân của phong trào. Vai trò hạt nhân ở đây được hiểu cả về khía cạnh quyền lợi và trách nhiệm. Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, tham gia công tác quy hoạch, đầu tư cơ bản với những dự án mang tính chiến lược và an sinh xã hội...

Thực tế ở tỉnh cho thấy, nếu không có cơ chế đầu tư đặc thù từ phía Nhà nước để làm cơ sở, tiền đề thì người dân rất khó đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới. Ngược lại, người dân không phát huy được vai trò là hạt nhân thì sự quan tâm của Nhà nước sẽ bị lãng phí, không phát huy hiệu quả.

Chỉ đơn cử như những năm qua, Nhà nước đã đầu tư hàng loạt công trình cấp nước tập trung, nhà văn hóa cộng đồng, hệ thống giao thông, thủy lợi… nhưng nhiều công trình trong số đó đã và đang trong tình trạng hư hỏng nặng hoặc phải nằm “đắp chiếu” không sử dụng được do ý thức bảo vệ, bảo quản, sửa chữa, tôn tạo của chính đối tượng thụ hưởng thấp.

Nguyên nhân của thực trạng trên phần lớn là do một bộ phận người dân chưa phát huy được tinh thần làm chủ, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thiếu ý thức tập thể, trách nhiệm cộng đồng… Nếu vấn đề này không được khắc phục thì chưa nói đến tăng tỷ lệ tiêu chí mà các địa phương còn phải đối mặt với nguy cơ tái tụt tiêu chí hoặc có tiêu chí nhưng chỉ mang tính hình thức.

Chưa kể đến trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, có những tiêu chí mang tính định tính nhiều hơn là định lượng. Nếu chính quyền, người dân không bám theo thực chất, chỉ chạy theo hình thức thì mục tiêu về xây dựng nông thôn mới sẽ bị chệch hướng, không phát huy hiệu quả thực tiễn.

Từ đây cho thấy, nếu xem việc huy động tối đa nguồn lực từ Nhà nước, người dân là điều kiện cần thì và việc phát huy vai trò làm chủ, ý thức trách nhiệm của  đối tượng thụ hưởng chính là điều kiện đủ để tỉnh ta xây dựng thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia về nông thôn mới.

Hà An


Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây