Theo ông Phan Văn Công, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Dong thì toàn xã hiện có 4.065 hộ với 16.676 nhân khẩu, gồm 16 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống trên địa bàn 19 thôn. Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội, duy trì an ninh trật tự tại địa phương nên ngay khi phong trào được triển khai, xã đã thành lập Ban chỉ đạo phong trào, quán triệt nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
Trên cơ sở đó, xã phân công nhiệm vụ và giao cho các tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ ý nghĩa của việc xây dựng đời sống văn hóa đối với cộng đồng. Tại các buổi họp dân, cấp ủy, chính quyền thôn phối hợp với các thành viên trong Ban chỉ đạo chủ động tuyên truyền tới các hộ gia đình tự nguyện đăng ký danh hiệu gia đình, thôn văn hóa. Việc bình xét gia đình văn hóa được thực hiện một cách công khai, minh bạch qua 3 vòng chấm (gia đình tự chấm, thôn chấm và xã chấm).
Do làm tốt công tác tuyên truyền nên ý thức xây dựng nếp sống văn hóa của người dân có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, nhiều gia đình đã tự nguyện hiến đất, đóng góp công của để chung sức xây dựng các công trình dân sinh phục vụ cuộc sống cộng đồng. Bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Hiện xã Nam Dong đã đạt tiêu chí số 16 (về văn hóa) và tiêu chí 6 (cơ sở vật chất văn hóa). Số gia đình văn hóa của xã năm sau luôn cao hơn năm trước, tại các thôn. Qua bình xét, toàn xã có 3.991/4.080 hộ gia đình (97,8%) và 16/19 thôn đạt chuẩn văn hóa.
Bên cạnh công tác xây dựng gia đình, thôn văn hóa, việc hướng nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang cũng được xã chú trọng thực hiện. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức, thu hút sự tham gia của người dân.
Hiện 19/19 thôn trên địa bàn xã đều đã xây dựng được nhà văn hóa thôn và đưa vào sử dụng đúng mục đích. Một số câu lạc bộ (CLB) như CLB đàn tính hát then, CLB thơ ca, CLB hát chèo, CLB bảo vệ thực vật, CLB sinh vật cảnh… được thành lập và đi vào hoạt động quy cũ, góp phần tạo sân chơi lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Cùng với đó, công tác xã hội hóa văn hóa cũng được chú trọng và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Hiện trên địa bàn xã có 6 sân bóng đá mini do 3 hộ dân đầu tư gần 3 tỷ đồng; 2 điểm trượt patin; 1 điểm chiếu phim 3D… thu hút đông đảo quần chúng tham gia vui chơi, giải trí. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Gìn giữ môi trường, cảnh quan sạch đẹp”… được nhân dân trong xã hưởng ứng tích cực và tất cả các thôn đều có tổ vệ sinh môi trường.
Theo Ban chỉ đạo phong trào xã, bài học kinh nghiệm đầu tiên cần khẳng định đó là, sự đoàn kết nhất trí của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của mỗi người dân đã tạo động lực tinh thần và vật chất để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công tác tuyên truyền, vận động tập trung vào việc nâng cao nhận thức của nhân dân, mỗi người dân phải hiểu được việc thực hiện phong trào theo phương châm: Dân biết, dân bàn, dân góp vốn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và hưởng thụ.
Bên cạnh đó, xã cũng xác định, đội ngũ cán bộ là rất quan trọng, đóng vai trò quyết định mọi công việc, các vấn đề có liên quan trong xuyên suốt quá trình tiếp thu, nghiên cứu, triển khai và trực tiếp tổ chức thực hiện. Cấp ủy, chính quyền phân công đúng người, đúng yêu cầu, đúng việc, không chủ quan trông chờ mà luôn chủ động, sáng tạo, có những sáng kiến trong nhiều công trình, phần việc gắn chặt với nhu cầu cuộc sống của người dân đang đặt ra.
Mỹ Hằng
Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...